Hội nghị Thượng đỉnh EU: Bước chuyển cứng rắn trong vấn đề di cư
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí sẽ sử dụng các đòn bẩy của mình như thương mại, viện trợ phát triển, chính sách thị thực để đẩy nhanh việc hồi hương những người di cư nhập cảnh bất hợp pháp và yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) khẩn trương soạn thảo luật. Việc này đánh dấu sự thay đổi của Brussels với thái độ cứng rắn hơn sau chiến thắng của các đảng cực hữu ở châu Âu...
Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra từ ngày 17 đến 18-10, các nhà lãnh đạo liên minh đã dành một ngày để đưa ra biện pháp giải quyết tình trạng người di cư bất hợp pháp đến EU bằng đường bộ từ phía Đông và đường biển từ phía Nam. "Cần xem xét những cách thức mới để ngăn ngừa và chống lại tình trạng di cư bất hợp pháp, phù hợp với luật pháp EU và quốc tế" - biện pháp mới được các nhà lãnh đạo thảo luận lần này là việc thành lập "trung tâm hồi hương" ở các quốc gia bên ngoài EU, nơi những người di cư bị từ chối đơn xin tị nạn có thể an toàn chờ trục xuất về nước. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, cuộc thảo luận về cách tổ chức các trung tâm vẫn đang được tiến hành để xác định quốc gia thứ ba nào có thể được coi là an toàn, người di cư có thể bị giữ tại trung tâm trong bao lâu và phải làm gì nếu không thể trở về nước.
Đang trong quá trình bàn thảo, nhưng kế hoạch trên thực sự là một bước thử nghiệm các chuẩn mực pháp lý đã được thiết lập và đưa ra "các giải pháp sáng tạo", nhằm giảm số lượng đơn xin tị nạn, vốn đã lên tới con số hơn 1,1 triệu vào năm 2023 - cao nhất kể từ năm 2016. EU đã hoàn thiện "hiệp ước tị nạn và di cư" mới sau gần một thập kỷ đàm phán căng thẳng nhằm củng cố biên giới bên ngoài của EU, chia sẻ gánh nặng tài chính một cách công bằng hơn giữa các quốc gia thành viên... Dù tình trạng nhập cư bất hợp pháp vào EU chỉ bằng một phần nhỏ so với năm 2015 và đã giảm hơn 35% trong năm nay so với năm 2023, nhưng một tâm lý chống nhập cư mới đang lan rộng khắp các quốc gia thành viên, phần lớn do thành công trong bầu cử của các đảng cực hữu.
Tại Pháp, Đảng Quốc gia do bà Marine Le Pen lãnh đạo đã mô tả mức độ nhập cư hiện tại là “không thể chịu đựng được”. Còn tại Hungary, Thủ tướng Viktor Orbán chỉ trích chính sách của EU là “vô lý”. Nước Đức, từ lâu được coi là tương đối tự do về vấn đề di cư đã thắt chặt luật tị nạn và tái áp đặt các biện pháp kiểm tra tại 9 đường biên giới trên bộ - động thái được coi là đe dọa đến nguyên tắc tự do đi lại được EU coi trọng ở khu vực Schengen. Trích dẫn các mối đe dọa khủng bố và hệ thống tị nạn quá tải, 7 quốc gia trong khu vực Schengen cũng đã tái áp dụng kiểm soát biên giới. Hà Lan đã công bố "quy tắc nhập cảnh nghiêm ngặt nhất trong EU".
Cuối tuần trước, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết, Chính phủ nước này muốn đình chỉ quyền tị nạn đối với những người vượt biên từ Belarus trong nỗ lực làm giảm tình trạng di cư bất hợp pháp xuống "mức tối thiểu" và "lấy lại quyền kiểm soát đối với những người nhập cảnh và xuất cảnh". Động thái này diễn ra sau một động thái tương tự của Phần Lan đối với những người đến từ Nga. Cả Warsaw và Helsinki đều phàn nàn rằng Minsk và Mátxcơva đang tích cực giúp đỡ người di cư, chủ yếu là từ châu Phi và Trung Đông vào EU theo hình thức "chiến tranh hỗn hợp". Trong khi đó, Italia đã mở 2 trung tâm tại Albania để tạm giữ những người vượt biên từ châu Phi sang châu Âu trong lúc chờ Rome xử lý đơn xin tị nạn.
Trong khi nhiều tổ chức phi chính phủ cho rằng, quyết định từ chối đơn xin tị nạn là vi phạm hiến chương về các quyền cơ bản của EU, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, đã đến lúc khối này xem xét các "trung tâm hồi hương" bên ngoài EU mà không cần xác định cách thức hoạt động hoặc địa điểm. Với các quốc gia như Italia đang thúc đẩy việc có thể đưa người di cư hồi hương, bà Ursula von der Leyen nêu rõ, EC sẵn sàng xem xét lại danh sách "các quốc gia thứ ba an toàn được chỉ định" của EU. Các nhà phân tích cho rằng “điểm nóng” và “trung tâm hồi hương”, dù được định nghĩa như thế nào, cũng đều gây tranh cãi.
Thực tế hơn, ngoài thỏa thuận của Albania với Italia và một thỏa thuận quy mô nhỏ giữa Đan Mạch và Kosovo, ít hoặc không có quốc gia nào ngoài EU cho biết họ có thể sẵn sàng tiếp nhận các trung tâm như vậy. Do đó, một số nhà ngoại giao nghi ngờ rằng, các biện pháp mới được đề xuất có thể không khả thi.