Hội nghị 'Gặp gỡ Thái Lan' là sự khởi đầu cho những cuộc gặp gỡ, kết nối tìm hiểu cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư trong tương lai

Chào mừng kỷ niệm 47 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1976 - 2023) và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan (2013 - 2023), UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam tổ chức Hội nghị 'Gặp gỡ Thái Lan', diễn ra từ ngày 3 - 4/8/2023 tại TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Nhân dịp này, đồng chí HOÀNG NAM, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trả lời phỏng vấn Báo Quảng Trị về những nội dung, chương trình của hội nghị quan trọng này.

- Thưa đồng chí! Đây là lần đầu tiên, Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị. Đề nghị đồng chí cho biết, sự kiện này có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào đối với tỉnh Quảng Trị?

- Thưa đồng chí! Đây là lần đầu tiên, Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị. Đề nghị đồng chí cho biết, sự kiện này có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào đối với tỉnh Quảng Trị?

- Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” lần đầu tiên được UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam tổ chức nhằm kết nối các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp và địa phương của Thái Lan để thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác, quảng bá, xúc tiến cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch.

Hội nghị được tổ chức tại Quảng Trị đã thể hiện sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương, các địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Thái Lan đối với tỉnh Quảng Trị trong xu thế hội nhập quốc tế và khu vực với vai trò là điểm nhấn trên Hành lang kinh tế Đông -Tây (EWEC).

Hội nghị là cơ hội quan trọng để tỉnh Quảng Trị giới thiệu và quảng bá các tiềm năng, lợi thế của mình với các đại biểu trong và ngoài nước, đặc biệt là các đối tác Thái Lan. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và các doanh nghiệp Thái Lan gặp gỡ, kết nối để xúc tiến các cơ hội hợp tác, đầu tư trong tương lai trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, Đại sứ quán Thái Lan và tỉnh Quảng Trị.

Hội nghị còn là cơ hội để Quảng Trị lắng nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư để hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong việc thu hút đầu tư. Từ đó góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương trong những năm tiếp theo.

- Đề nghị đồng chí cho biết những chủ đề chính được hội nghị quan tâm thảo luận, bàn giải pháp thực hiện?

- Với mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra Việt Nam phấn đấu trở thành nước phát triển vào năm 2045 và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), chúng ta đang hướng tới sự phát triển đất nước mạnh mẽ, bền vững, thân thiện với môi trường với trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Định hướng đó đưa các ngành năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao trở thành những lĩnh vực trọng điểm, nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp cũng như chủ trương huy động mạnh mẽ các nguồn lực trong và ngoài nước để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tới.

Từ khi cầu Hữu Nghị Thái -Lào 3 bắc qua sông Mê Kông đưa vào sử dụng đã tạo thêm sự kết nối giao thông thuận lợi trên Hành lang kinh tế Đông - Tây -Ảnh: Đ.T

Từ khi cầu Hữu Nghị Thái -Lào 3 bắc qua sông Mê Kông đưa vào sử dụng đã tạo thêm sự kết nối giao thông thuận lợi trên Hành lang kinh tế Đông - Tây -Ảnh: Đ.T

Bên cạnh đó, trong xu hướng hội nhập khu vực trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) từ Việt Nam qua Lào, Thái Lan, Myanmar là mắt xích liên kết tiểu vùng thông qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Đồng thời, một hành lang giao thông song song với Hành lang kinh tế Đông - Tây (PARAEWEC) từ Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế La Lay kết nối Lào, Thái Lan và Campuchia đang có xu hướng từng bước phát triển thành hành lang kinh tế, bổ trợ cho sự hoàn thiện của Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Xu hướng này đòi hỏi có sự phát triển, gắn kết các chuỗi cung ứng giữa Thái Lan và Việt Nam, đặc biệt là vai trò của các tỉnh, thành phố trên tuyến và các doanh nghiệp. Trong đó, Quảng Trị có vị trí và vai trò hết sức quan trọng đối với cả EWEC và PARA EWEC. Tỉnh Quảng Trị cũng đang nỗ lực phát huy lợi thế này để thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương trong những năm tiếp theo.

Với mục tiêu và định hướng trên, chương trình nghị sự của hội nghị được thiết kế có 2 phiên chính:

Phiên “Gặp gỡ Thái Lan” dành cho chuyên gia các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước và các đối tác Thái Lan thảo luận về 2 chủ đề “Năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao” và “Hội nhập chuỗi cung ứng trên Hành lang kinh tế Đông - Tây”. Đây là 2 định hướng lớn, đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của các bên nhằm huy động các nguồn lực để phát triển đất nước, các địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Trị.

Phiên “Gặp gỡ Quảng Trị - Thái Lan” dành cho các cơ quan, doanh nghiệp của tỉnh và các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm đến Quảng Trị gặp gỡ các đối tác Thái Lan để có những thảo luận sâu hơn, cụ thể hơn về những tiềm năng, cơ hội, sự quan tâm của Quảng Trị và Thái Lan trong xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch vào Quảng Trị.

Trong khuôn khổ hội nghị có phiên làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thái Lan tại Việt Nam và các doanh nghiệp hàng đầu đến từ Thái Lan. Ngoài ra, còn có các sự kiện bên lề như triển lãm các gian hàng giới thiệu sản phẩm Việt Nam, Thái Lan, các phiên gặp gỡ trực tiếp, song phương giữa các doanh nghiệp và chương trình tham quan thực địa với mong muốn kết nối các doanh nghiệp để có sự gắn kết trong tương lai.

Có thể nói, Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” là sự khởi đầu cho những cuộc gặp gỡ, kết nối tiếp theo để từng bước hiện thực các mong muốn về đầu tư, thương mại và du lịch giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng và các đối tác Thái Lan trong tương lai.

Đặc biệt, trong bối cảnh Thái Lan hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đầu tư của Thái Lan đang có tỉ trọng ngày càng lớn trên bản đồ đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, hiện đứng thứ 8/140 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 sau Singapore trong số các nước ASEAN và đang có sự gia tăng đột biến sau COVID-19.

- Công tác chuẩn bị cho hội nghị đến thời điểm này như thế nào, thưa đồng chí?

- Để chuẩn bị cho Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” cần phải hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn. Được sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, sự phối hợp nhịp nhàng giữa UBND tỉnh và Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam, sự nỗ lực của các cơ quan tham mưu, công tác chuẩn bị đến thời điểm này cơ bản đã hoàn thành về nội dung, chương trình, hậu cần, lễ tân.

Đã có trên 500 đại biểu đăng ký tham gia với nhiều đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước, các tỉnh của Thái Lan có quan hệ trực tiếp với Quảng Trị, các chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, các ngân hàng thương mại lớn… Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp hàng đầu đến từ Thái Lan và trong nước, trong tỉnh, vượt so với số lượng đại biểu dự kiến ban đầu là 350 đại biểu.

Tất cả đã sẵn sàng cho sự kiện kinh tế đối ngoại đang được trông đợi này.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Ánh Tuyết (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/hoi-nghi-gap-go-thai-lan-la-su-khoi-dau-cho-nhung-cuoc-gap-go-ket-noi-tim-hieu-co-hoi-hop-tac-xuc-tien-dau-tu-trong-tuong-lai/178796.htm