Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26: Tăng cường thúc đẩy liên kết kinh tế ASEAN

Các đại biểu chụp hình chung tại Hội nghị.

Các đại biểu chụp hình chung tại Hội nghị.

Ngày 10-3, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26 và Hội nghị tham vấn của Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp với Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN đã khai mạc tại TP Đà Nẵng. Với tư cách điều phối kênh hợp tác kinh tế của Việt Nam trong ASEAN, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh chủ trì và điều hành hội nghị. Sự kiện còn có sự tham gia của Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, các bộ trưởng kinh tế trong khu vực, chuyên gia kinh tế... Đây là dịp quan trọng để các bộ trưởng kinh tế trong khu vực thống nhất những định hướng, ưu tiên hợp tác kinh tế ASEAN năm nay, hướng tới hoàn thành kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến năm 2025...

Việt Nam tích cực tham gia xây dựng cộng đồng AEC

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hội nghị lần này có nhiều nội dung quan trọng đã được thảo luận, rà soát và thông qua nhằm tiếp tục triển khai trong Năm ASEAN 2020 do Việt Nam làm chủ nhà, trong đó bao gồm các ưu tiên của Việt Nam về nội dung kinh tế trong hợp tác ASEAN. Hội nghị cũng báo cáo các nội dung, cuộc họp có liên quan lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 dự kiến được tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 6 đến 9-4 tới đây. Năm ASEAN 2020 có chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” (Cohesive and Responsive), trong đó, khái niệm “gắn kết” phản ánh nhu cầu củng cố khối đoàn kết thống nhất của ASEAN, gia tăng liên kết và kết nối, đề cao ý thức cộng đồng về bản sắc ASEAN, đẩy mạnh quan hệ đối tác với cộng đồng toàn cầu, và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN, còn khái niệm “chủ động thích ứng” (responsive) nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo và khả năng thích ứng trước những thời cơ và thách thức gây ra do những chuyển biến nhanh chóng trong cục diện khu vực và thế giới.

Các đại biểu cấp cao tham dự hội nghị lần này cho rằng, chủ đề được lựa chọn rất phù hợp với một số trọng tâm của kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) 2025 và chuyển đổi kỹ thuật số và phát triển ASEAN BAC thể hiện vai trò thúc đẩy kinh tế thế giới và góp phần xây dựng AEC thành một môi trường năng động với nhiều cơ hội thông qua các dự án như: Dự án tăng cường và phát triển con người ASEAN và dự án kết nối nền tảng thương mại số (AHEAD) (2020); Dự án kết nối thương mại số; dự án kết nối tăng trưởng thông minh trong ASEAN và dự án nâng cấp mạng lưới tư vấn cho các doanh nghiệp ASEAN (AMEN).

Bên cạnh đó, ASEAN BAC cũng có các sáng kiến đẩy mạnh thu hút đầu tư ASEAN thông qua thuận lợi hóa thương mại, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp MSME tập trung vào các ngành cốt lõi (thương mại điện tử, du lịch, vận tải và logistics) và có chính sách cải cách xuyên suốt. Hội nghị lần này cũng khẳng định rằng, trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia xây dựng Cộng đồng AEC với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, trong đó việc thúc đẩy thực hiện các cam kết thành lập AEC luôn là một trong những ưu tiên cao nhất của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, hiện ASEAN đã và đang là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm qua và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Thúc đẩy thương mại nội khối

Một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu đưa ra bàn luận tại hội nghị lần này là nền kinh tế trong khu vực hiện nay đang gặp nhiều thách thức, khi mà tỷ trọng thương mại nội khối của ASEAN chỉ xoay quanh ngưỡng 23-24%, tương đối thấp nếu so sánh với tỷ lệ thương mại nội khối của EU (khoảng 60%). Bên cạnh đó là những tương đồng về các mặt hàng sản xuất và xuất khẩu trong các nước thành viên của khối. Trong khi đó, hầu hết các công ty khu vực vẫn là những doanh nghiệp vừa, nhỏ hoặc siêu nhỏ, chưa đủ tầm để vươn tầm ra khu vực. Đây cũng là một yếu tố làm cho giá trị thương mại và đầu tư nội khối ASEAN còn khiêm tốn. Trước những khó khăn trên, Việt Nam đã đề xuất các sáng kiến với quyết tâm là thúc đẩy những ưu tiên trong hợp tác ASEAN, trong đó quan trọng nhất là các nước cần thể hiện sự quan tâm đến việc thúc đẩy thương mại nội khối vì điều này có ý nghĩa then chốt; đồng thời, gia tăng liên kết và kết nối, đẩy mạnh các mối quan hệ đối tác với toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, có 12 sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 đề xuất tại phiên họp trù bị diễn ra ngày 8-3 đã được Hội nghị thông qua, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như thương mại điện tử, năng lượng, nông nghiệp, công nghệ thông tin, tài chính, thuận lợi hóa thương mại, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)... Cũng theo ông Anh, việc thông qua những sáng kiến này là kết quả quan trọng khẳng định vai trò của ASEAN, củng cố khối đoàn kết khu vực, chủ động ứng phó với các thách thức trong khu vực và toàn cầu. Những sáng kiến này góp phần để Việt Nam cũng như các nước thành viên chủ động đối phó với những thách thức đang nổi lên. Trong bối cảnh tranh chấp thương mại tăng cao, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây ra những nguy cơ, thách thức ngay trong khu vực... những định hướng ưu tiên của nước chủ nhà đã nhận được sự nhất trí cao của đại biểu tham gia. Bà Nor Zelina Momin - Bộ Tài chính và Kinh tế Brunei cho rằng, cá nhân nhất trí cao với những đề xuất của Việt Nam, tiếp tục nỗ lực xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN, đặc biệt là xúc tiến thương mại và đầu tư nội khối. Đây sẽ là nền tảng giúp các nền kinh tế trong khu vực gắn kết chặt chẽ với nhau, đối phó tốt hơn với những thách thức đến từ bên ngoài.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Thúc đẩy thực hiện các cam kết thành lập, phát triển AEC luôn là một trong những ưu tiên cao nhất của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, năm 2020 là năm Việt Nam chủ trì hợp tác ASEAN nên vấn đề này càng được ưu tiên hàng đầu thông qua việc đề xuất và tăng cường triển khai các nội hàm của AEC. Ở chiều ngược lại, với những thuận lợi về vị trí địa lý, ASEAN đã và đang là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong những năm gần đây.

CÔNG HẠNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_221516_hoi-nghi-bo-truong-kinh-te-asean-hep-lan-thu-26-t.aspx