Hội đàm thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Panmunjom: Bước đi xây dựng lại lòng tin

Không được sắp xếp trước, song Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bất ngờ gặp lại nhau vào chiều 30-6 tại làng đình chiến Panmunjom trong Khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền Triều Tiên. Sự kiện này được cho là một bước đi cần thiết nhằm xây dựng lại lòng tin giữa hai bên.

Bước tiến lớn

Theo thông báo, cuộc gặp trong gần một giờ đồng hồ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều, sự kiện được tổ chức chỉ sau một ngày lên kế hoạch, đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Hai bên nhất trí tái khởi động đàm phán hạt nhân, trước hết là đối thoại cấp chuyên viên trong 2-3 tuần tới.

Đây là cuộc gặp trực tiếp thứ ba giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un trong vòng 1 năm qua, song là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên, hai nước đối địch trong hàng thập niên qua, gặp gỡ tại Panmunjom kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc với Hiệp định đình chiến năm 1953. Cuộc gặp này được dư luận ở cả hai miền Triều Tiên, Mỹ và nhiều nước đánh giá là một thời khắc lịch sử và là một bước tiến lớn trong mối quan hệ dường như bị lung lay sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội hồi tháng 2 năm nay không đạt được kết quả như kỳ vọng.

Chỉ diễn ra chưa đầy 1 giờ đồng hồ, song cuộc gặp, với sự kiện Tổng thống Mỹ bước qua đường ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên sang phần lãnh thổ Triều Tiên và cùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đi trên đất Triều Tiên, được đánh giá có ý nghĩa hết sức đặc biệt và mang tính biểu tượng cao.

Những gì diễn ra trong cuộc gặp có thể coi như một minh chứng cho việc hai nhà lãnh đạo vẫn có “mối quan hệ tốt” như nhiều lần ông Trump đã phát biểu với báo giới. Sau cuộc gặp, Tổng thống Trump đã gọi “đây là một ngày lịch sử trọng đại" còn nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có những phát biểu “bóng gió” ca ngợi Tổng thống Mỹ, cho rằng ông Trump đã thể hiện sự quyết định và sẵn sàng xóa bỏ những mâu thuẫn trong quá khứ và cùng ông mở ra một tương lai mới.

Tổng thống Trump gặp ông Kim Jong-un tại DMZ. (Ảnh tư liệu)

Lạc quan, song vẫn hoài nghi

Cuộc gặp trên là tín hiệu lạc quan nếu xét trong bối cảnh tiến trình đàm phán hạt nhân giữa hai bên đang đình trệ với những động thái từ cả Bình Nhưỡng và Washington được cho là gây sức ép đối với nhau, trong đó các vụ Triều Tiên thử vũ khí chiến thuất tầm ngắn mà Mỹ tuyên bố là phóng tên lửa đạn đạo, hay việc Mỹ tiếp tục các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.

Việc tổ chức cuộc gặp bất ngờ này nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Hàn Quốc phần nào cho thấy thiện chí, nỗ lực và quyết tâm của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên giải quyết vấn đề hạt nhân bằng cách thức đối thoại. Cuộc gặp dù là “chớp nhoáng” song chí ít cũng có thể giúp nối lại các mối quan hệ cũng như các cuộc đàm phán trong tương lai, đặc biệt là khi quan hệ Mỹ-Triều đã không còn quá căng thẳng như thời điểm cách đây gần 2 năm. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sau cuộc gặp đã nói rằng có thể các cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ được nối lại trong tháng 7. Như vậy, tiến trình đàm phán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có vẻ như đã được đưa trở lại đúng hướng.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn hiện nay là liệu rốt cục có thể tìm ra giải pháp phi hạt nhân hóa Triều Tiên hay không? Điều này rõ ràng đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan ở khu vực này. Biện pháp phi hạt nhân hóa, điều lâu nay khó tìm thấy trong các cuộc đàm phán, sẽ đòi hỏi sự nhượng bộ của cả Mỹ và Triều Tiên. Theo giới phân tích, để đạt được phi hạt nhân hóa Triều Tiên, Mỹ sẽ cần giảm bớt yêu cầu trước đó, được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, về việc Triều Tiên sẽ phải phá hủy toàn bộ kho vũ khí hạt nhân, trong khi Bình Nhưỡng sẽ cần thể hiện một cách rõ ràng rằng họ sẵn sàng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, thậm chí ngay cả khi điều đó dường như là không thể. Vì vậy, đây vẫn là điều rất khó khăn.

Sau ba cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, không rõ liệu Triều Tiên có sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không- bất chấp thông điệp này được Chính phủ Hàn Quốc chuyển đến ông Trump vào tháng 3 năm ngoái, điều đã đưa ông đến với cuộc gặp đầu tiên với ông Kim. Liệu Triều Tiên có thực sự nghiêm túc về phi hạt nhân hóa, hay chỉ tìm cách kéo dài thời gian để giành được sự công nhận miễn cưỡng và gia nhập CLB cường quốc hạt nhân?

Trên thực tế, rất ít thay đổi diễn ra kể từ sau các sự kiện xung quanh Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần đầu tiên ở Singapore hồi tháng 6 năm ngoái. Dường như không thể tưởng tượng được việc Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ vũ khí hật nhân chỉ trong một đêm và giải thích với người dân của họ rằng họ đang tạo ra một kiểu quan hệ khác với Hàn Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, tiếp tục tiến trình ngoại giao sẽ cho Triều Tiên cơ hội thay đổi dần câu chuyện. Đặc biệt, nếu cuộc gặp sắp tới giữa ông Trump và ông Kim diễn ra tại Nhà Trắng, Mỹ trước tiên nên thiết lập ý định thực sự của Triều Tiên và xem liệu ông Kim có thay đổi câu chuyện của Bình Nhưỡng ở trong nước hay không. Chỉ khi đó mới có thể đạt được các biện pháp thực chất.

Dù sao chăng nữa, trong 4 tháng qua kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội, căng thẳng giữa hai quốc gia luôn trong trạng thái bùng nổ trở lại sau khi hai bên không thể đạt được nhất trí về lộ trình phi hạt nhân hóa. Chính vì vậy, cuộc gặp vừa qua có thể tạo ra một lực đẩy mới cho “cỗ xe” đàm phán đang “sa lầy” trong những căng thẳng và hoài nghi giữa Mỹ và Triều Tiên. Đây chính là điểm sáng trong bức tranh đượm màu bế tắc trên bán đảo Triều Tiên trong thời gian qua.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hoi-dam-thuong-dinh-my-trieu-tai-panmunjom-buoc-di-xay-dung-lai-long-tin-153818.html