Học sinh lớp 10, 11 có nên tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực?

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, việc học sinh lớp 10 và lớp 11 tham dự các kỳ thi riêng về nguyên tắc thì không cấm nhưng cũng không khuyến khích bởi các em sẽ vừa tốn công, tốn sức, tốn kinh phí lại không đạt mục tiêu đề ra.

Gần 4.000 thí sinh đầu tiên tranh suất vào đại học

Đợt thi đầu tiên của kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu từ ngày 10/3 đến hết ngày 12/3. Thí sinh làm bài thi đánh giá năng lực gồm ba phần Toán, Văn học - Ngôn ngữ, Khoa học tự nhiên - xã hội theo hình thức trắc nghiệm, mỗi phần 50 câu hỏi. Thí sinh thi trên máy tính và nhận giấy chứng nhận kết quả sau 14 ngày.

GS. Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, tổng số thí sinh thi đợt này gần 3.900 thí sinh, thấp hơn một nửa so với số chỗ dự kiến. Theo ông Thảo, lý do bởi thời điểm này, học sinh chưa hoàn thành chương trình THPT.

Năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến dành ít nhất 30% tổng chỉ tiêu của các trường thành viên cho xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực. Điểm của kỳ thi này cũng được khoảng 70 trường đại học khác công nhận, dùng để xét tuyển đầu vào.

Hội đồng thi Đại học Quốc gia Hà Nội kiểm tra tại các điểm thi trước khi thí sinh vào làm bài thi.

Hội đồng thi Đại học Quốc gia Hà Nội kiểm tra tại các điểm thi trước khi thí sinh vào làm bài thi.

7 đợt thi đánh giá năng lực còn lại của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ diễn ra đến hết 4/6. Các đợt thi được tổ chức tại 6 tỉnh, thành miền Bắc và Bắc Trung Bộ, gồm Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An. Tổng số địa điểm thi đặt tại các địa phương là 17. Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến phục vụ 86.000 lượt thí sinh, trong đó hai đợt thi vào giữa và cuối tháng 5 đông nhất.

Học sinh chưa học lớp 12 có thể tham dự các kỳ thi riêng và lấy kết quả để xét tuyển đại học?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết, đối tượng dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội được quy định rõ tại quy chế của kỳ thi. Theo đó, đối tượng dự thi là học sinh đang học lớp 12 bậc THPT hoặc tương đương; người đã tốt nghiệp THPT (hoặc tương đương trở lên) trong thời gian 3 năm tính đến năm dự thi. Với trường hợp khác có nguyện vọng dự thi có thể liên hệ Hội đồng thi xem xét quyết định.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, "trường hợp khác có nguyện vọng" ở đây bao gồm học sinh chưa tốt nghiệp lớp 12, có thể là học sinh lớp 10 và lớp 11. Các đối tượng này trung tâm không cấm đăng ký dự thi nhưng cũng không khuyến khích.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo lý giải: Bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT của Đại học Quốc gia Hà Nội được xây dựng theo hướng đánh giá các năng lực cốt lõi cần thiết của học sinh THPT đạt được theo Chương trình giáo dục phổ thông và phù hợp với tiêu chuẩn, xu hướng đánh giá năng lực trên thế giới.

Độ khó của các câu hỏi trong đề thi tăng dần từ cấp độ 1 đến cấp độ 3 và được phân định theo tỉ lệ: Cấp độ 1: 20%, Cấp độ 2: 60%, Cấp độ 3: 20%. Trong 3 phần thi thì phần 1 và phần 2: Kiến thức trong chương trình lớp 10 chiếm 10%, kiến thức trong chương trình lớp 11 chiếm 20% và kiến thức trong chương trình lớp 12 chiếm 70%. Với phần 3, kiến thức trong chương trình lớp 11 chiếm 30%, kiến thức trong chương trình lớp 12 chiếm 70%.

Dựa vào dải phân bố kiến thức trên, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo đánh giá, nếu học sinh lớp 10 đi thi chỉ đạt 10/150 điểm; học sinh lớp 11 đạt tối đa 45/150 điểm. Điểm số đó là chưa đạt yêu cầu của kỳ thi và sẽ không đủ dùng để xét tuyển vào các trường đại học.

"Như vậy, việc học sinh lớp 10, lớp 11 đi thi vừa gây tốn công, tốn sức, tốn kinh phí lại không đạt mục tiêu đề ra. Tôi khuyên các thí sinh, khi tham dự kỳ thi nào thì tìm hiểu thật kỹ kỳ thi đó, tránh trường hợp không tìm hiểu, khi làm bài đạt kết quả không cao lại mất tinh thần, gây tâm lý bi quan, chán nản cho chính thí sinh", GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết.

Mùa tuyển sinh đại học năm nay, 10 đơn vị đã thông báo tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP HCM, Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Sư phạm TP HCM, trường Đại học Việt Đức, trường Đại học Sài Gòn, Đại học Ngân hàng TP HCM và các trường thuộc Bộ Công an.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả phương thức.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hoc-sinh-lop-10-11-co-nen-tham-du-cac-ky-thi-danh-gia-nang-luc-16923031020005621.htm