Học sinh khối 12 cần chuẩn bị những gì?
Từ đầu năm học, học sinh khối 12 cần chủ động học tập cũng như rèn các kỹ năng. Xây dựng kế hoạch học tập...
Chương trình, sách giáo khoa mới với mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực cho người học nên khâu kiểm tra, đánh giá có nhiều thay đổi về mục đích cần đạt, cấu trúc đề thi, nội dung… Bởi vậy, từ đầu năm học, học sinh khối 12 cần chủ động học tập cũng như rèn các kỹ năng.
Xây dựng kế hoạch học tập
Nhiệm vụ đầu tiên là các em cần xây dựng cho mình kế hoạch học tập chi tiết và từng bước thực hiện. Kế hoạch học tập cần thể hiện rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung, cách thức - thời gian thực hiện và dự kiến kết quả đạt được.
Trước hết, các em xác định mục tiêu học tập là gì. Để bắt đầu lập kế hoạch học tập, các trò phải biết mình muốn học gì, cần học gì. Ví dụ mục tiêu của các em là tốt nghiệp THPT hay học lên cao đẳng, đại học... Hình dung mục tiêu cuối cùng muốn đạt được trước, sau đó cụ thể hóa thành những công việc nhỏ để đạt được mục tiêu đó.
Với kế hoạch đã đề ra, các em cần tập trung để thực hiện. Nếu một phần kế hoạch là dành khoảng thời gian mỗi ngày để học điều gì đó mới thì phải tạo lịch trình khuyến khích bản thân chăm chỉ thực hiện.
Đơn giản như đặt mục tiêu thức dậy sớm hơn mười lăm phút mỗi ngày để tập trung vào việc học, hãy nhớ và quyết tâm thực hiện. Tóm lại, các em cần thay đổi bản thân để phù hợp với kế hoạch học tập.
Lập kế hoạch học tập hiệu quả cho phép bản thân sử dụng thời gian trong ngày hợp lý và đảm bảo rằng mình đang dành đủ thời gian ngoài giờ học trên lớp để hoàn thành bài tập về nhà, ôn tập các bài kiểm tra cũng như lưu giữ thông tin đang học.
Nắm vững cấu trúc đề thi tốt nghiệp
Nắm vững cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm học 2024 - 2025 sẽ giúp các em chủ động và có cách học phù hợp để đạt được kết quả cao. Dù mục tiêu là học trường nghề hay xuất khẩu lao động, du học hay học lên cao đẳng, đại học ở trong nước…, học sinh đều phải vượt qua kỳ thi này vào cuối năm học.
Mặt khác, Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là một trong những phương thức xét tuyển cơ bản của các trường cao đẳng, đại học và là điều kiện cần để các em đi xuất khẩu lao động… Bởi vậy, vượt qua kỳ thi cuối cùng của tuổi học sinh là điều kiện tiên quyết.
Muốn nắm vững cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT 2025, các em cần tham khảo và phân tích kỹ đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT. Trong năm học này, thi tốt nghiệp THPT có 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn.
Như vậy, so với anh chị khóa trước, lứa học sinh năm nay phải có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, từ đó mới quyết định 2 môn thi còn lại. Việc này vô cùng quan trọng, không chỉ giúp các em lựa chọn chính xác môn học để thi mà nhà trường cũng chủ động trong xếp lớp ôn tập. Bước tiếp theo, các trò cần tìm hiểu kỹ cấu trúc đề thi của 4 môn học. Ví dụ, với môn Ngữ văn, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT gồm 2 phần như sau:
1. Phần đọc hiểu: Đọc một ngữ liệu (văn bản văn học, văn bản nghị luận hoặc văn bản thông tin) và trả lời 5 câu hỏi tự luận. (4 điểm)
2. Phần làm văn/viết:
* Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ - 2 điểm):
- Nghị luận văn học (nếu ngữ liệu đọc là văn bản văn học hoặc nghị luận văn học).
- Nghị luận xã hội (nếu ngữ liệu đọc là văn bản nghị luận xã hội hoặc văn bản thông tin).
* Viết bài văn (khoảng 600 chữ - 4 điểm):
- Nghị luận xã hội nếu phần viết đoạn là viết đoạn văn nghị luận văn học.
- Nghị luận văn học nếu phần viết đoạn là viết đoạn văn nghị luận xã hội.
Ngoài ra, các em cần lưu ý thời gian làm bài thi là 120 phút và ngữ liệu phần Đọc hiểu và phần Viết đều mới. Tổng số chữ có thể lên đến 1.300.
Các môn thi còn lại các em cũng cần nắm vững cấu trúc đề thi để có phương pháp học tập và ôn luyện linh hoạt, chủ động.
Phát huy tính tự chủ, tự học
Ngoài việc được thầy cô giảng dạy trực tiếp trên lớp thì tự chủ, tự học là chìa khóa giúp các em mở ra kho tàng kiến thức cũng như những kỹ năng cần thiết trong quá trình học tập. Muốn tự chủ, tự học tốt, mỗi trò cần tạo cho mình một tâm thế hứng khởi, đam mê trong việc học.
Trong Văn bản số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3/10/2017 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh cũng đã chỉ rõ “Chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học”.
Bởi vậy, ở từng mức độ khác nhau, trong hai năm học vừa qua ít nhiều các em cũng đã được thầy cô hướng dẫn cách tự chủ, tự học. Và đây là năm học các em cần vận dụng hiệu quả điều đó vào quá trình học tập.
Tự học là kỹ năng quan trọng trong hành trình lớn khôn của mỗi người. Ý thức tự học, thói quen tự học, phương pháp tự học sẽ dần vun bồi từ tấm bé nhằm hình thành niềm hăng say học tập, khám phá tri thức và chiếm lĩnh năng lực.
Mỗi trò cần nhận thức rõ ý nghĩa của việc học. Học không chỉ là thu thập kiến thức và thông tin, mà còn là quá trình phát triển bản thân, rèn luyện tư duy và chuẩn bị cho tương lai. Học sinh cần nhìn thấy giá trị của việc học, cam kết tự nỗ lực học tập. Trách nhiệm của người học không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành bài tập, mà còn là tự tìm hiểu, tìm kiếm thông tin và nắm bắt kiến thức mới.
Học sinh nên đặt ra mục tiêu học tập cụ thể và tìm hiểu các phương pháp học hiệu quả để đạt được mục tiêu đó. Đây là khả năng quan trọng để các em có thể tiếp tục học tập và phát triển kỹ năng sau khi ra khỏi môi trường học đường. Muốn tự học tốt, học trò lớp 12 cần lưu ý ác yếu tố sau:
- Nâng cao ý thức tự học: Năng lực tự học bắt đầu từ ý thức của học sinh về tầm quan trọng của việc tự học và khát vọng học tập. Cần nhận thức rằng mình là người chịu trách nhiệm chính trong quá trình học tập và có ý thức về sự cần thiết của việc tự nỗ lực, tìm hiểu và khám phá tri thức mới.
- Tạo và giữ vững thói quen tự học: Để có năng lực tự học tốt, các em cần phát triển thói quen học tập đều đặn và kiên trì. Điều này bao gồm việc lập kế hoạch, tổ chức thời gian và có thói quen tự đặt mục tiêu học tập như ở phần trên ta đã biết. Học trò cuối cấp cũng cần biết cách quản lý thời gian, ưu tiên công việc và tạo ra một môi trường học tập thuận lợi.
- Cần có kỹ năng tự học: Năng lực tự học cũng bao gồm việc phát triển kỹ năng cần thiết để học tập một cách hiệu quả. Điều này bao gồm khả năng tìm hiểu và nắm bắt thông tin, phân tích và tổ chức kiến thức, giải quyết vấn đề, sử dụng tư duy logic và sáng tạo và có khả năng học hỏi từ những trải nghiệm và thất bại.
- Cần phải “tự động hóa học tập”: Năng lực tự học cũng liên quan đến việc học sinh phát triển khả năng tự điều chỉnh và tự động hóa quá trình học tập. Điều này bao gồm việc học cách tạo ra kế hoạch học tập, tự kiểm tra và đánh giá tiến độ, sử dụng các công cụ và tài nguyên học tập hiệu quả như sách, bài giảng, công nghệ thông tin và Internet.
Năng lực tự học của học sinh là yếu tố quan trọng để có thể tự tin và linh hoạt trong việc tiếp thu kiến thức mới, vượt qua những thách thức và phát triển bản thân. Qua việc rèn luyện năng lực tự học, học sinh có thể học tập suốt đời và đạt được thành công trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Năm học 2024 - 2025 chắc chắn có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khối cuối cấp. Nhưng chính những thách thức, khó khăn đó lại là động lực để các em cố gắng bứt phá và gặt hái được những thành công. A. P. J. Abdul Kalam từng nói “Chúng ta không nên bỏ cuộc, chúng ta không nên để những khó khăn đánh bại mình”. Và tin chắc rằng, nếu mỗi trò lớp 12 có sự chuẩn bị tốt nhất thì năm học mới sẽ gặt hái được những kết quả cao nhất.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-sinh-khoi-12-can-chuan-bi-nhung-gi-post699214.html