Hòa Bình hình thành vùng sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP
Tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu, kế hoạch phát triển cây dược liệu nhằm bảo tồn các nguồn gen quý, dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng khoa học công nghệ...
Ngày 10/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình phối hợp với UBND huyện Yên Thủy tổ chức hội thảo Xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu sản phầm trồng trọt phục vụ công nghiệp chế biến.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Yến- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Sở Nông nghiệp tỉnh Hòa Bình) nhấn mạnh, hội thảo được tổ chức trên cơ sở đề xuất của một số tập đoàn, doanh nghiệp về nhu cầu tiêu thụ, thu mua các sản phẩm trồng trọt của nông dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và dựa trên kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng sản xuất, trồng trọt tại huyện Yên Thủy.
Qua đánh giá, một số mặt hàng nông sản của huyện Yên Thủy còn mang tính chất mùa vụ và số lượng liên kết sản xuất, tiêu thụ còn ít, thiếu bền vững. Cùng đó, sản phẩm lợi thế của địa phương chưa tạo được tính cạnh tranh trên thị trường; một số hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn thiếu kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh, thị trường, kỹ năng cũng như nguồn vốn đầu tư sản xuất hạn chế...
Theo ông Bùi Huyên-Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy, toàn huyện có 21.812ha diện tích đất nông nghiệp, chiếm 74,2% diện tích; trong đó, đất trồng cây hàng năm khoảng 13.930ha, chiếm 63,9%. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản của huyện năm 2021 đạt trên 1.528 tỷ đồng, tăng 9,6% so cùng kỳ.
Đáng lưu ý, sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Thủy tương đối ổn định và đã liên kết tiêu thụ được 9 sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), nhiều sản phẩm nông nghiệp khác cũng được giới thiệu bày bán ở các gian hàng tại các trạm dừng nghỉ trên quốc lộ 1A…
Ông Nguyễn Đắc Minh- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Minh Trung nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra đối với bà con nông dân khi hình thành các vùng nguyên liệu tại địa phương là phải cam kết đảm bảo được khối lượng mặt hàng nông sản cung cấp cho nhà máy, đồng thời phải đáp ứng được các chỉ số về ký thuật chăm bón, an toàn chất lượng vệ sinh thực phẩm nông sản trong suốt qua trình trồng và thu hoạch.
Do đó, Tập đoàn Minh Trung cũng cam kết bao tiêu đầu ra với giá cao hơn mức giá thị trường để hỗ trợ thêm về kinh tế cho bà con tham gia vào vùng trồng nguyên liệu.
Theo quy hoạch phát triển cây dược liệu tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu, kế hoạch phát triển cây dược liệu nhằm bảo tồn các nguồn gen quý, dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới trang thiết bị trong nghiên cứu chọn tạo giống, trồng trọt, chế biến, chiết xuất, chuyển giao công nghệ.
Điều này nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới, góp phần tăng hệ số sử dụng đất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên rừng, nguồn dược liệu quý, bảo tồn tri thức truyền thống về sử dụng cây thuốc của cộng đồng các dân tộc.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 hướng tới Quy hoạch các vùng rừng, vùng có dược liệu tự nhiên trọng điểm để bảo tồn nguồn gen đặc hữu, bản địa, có giá trị, nguy cơ bị tuyệt chủng cao để phát triển bền vững trong tự nhiên, lựa chọn và khai thác hợp lý 10 loài dược liệu chính, đạt khoảng 8.000-9.000 ha dược liệu/năm.
Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng 4 vườn bảo tồn; các khu bảo tồn Hang Kia, Phu Canh, Thượng Tiến, Ngọc Sơn là nơi tập trung, bảo tồn, trồng mới nhiều loài cây thuốc được thu thập ở các địa phương khác nhau, đại diện cho vùng khí hậu đặc trưng để phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển dược liệu.
Đặc biệt, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 bảo tồn được 70% và năm 2030 là 100% tổng số loài dược liệu đặc trưng của Hòa Bình. Quy hoạch 4 Vườn ươm cung cấp giống dược liệu cho nhu cầu trồng và phát triển dược liệu ở quy mô lớn tại 4 huyện Tân Lạc, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn.
Ngoài ra, mục tiêu của tỉnh đến năm 2030 sẽ quy hoạch và mở rộng diện tích vùng trồng cây dược liệu hàng hóa đạt 15.000 ha, sản lượng đạt khoảng 80-120 nghìn tấn/năm; trong đó, chuyển đổi 5.000 ha đất trồng cây hàng năm sang sản xuất cây dược liệu hàng hóa và 10.000 ha đất rừng kết hợp trồng cây dược liệu, từng bước tăng giá trị sử dụng đất của vùng quy hoạch.
Mặt khác, tỉnh cũng sẽ nâng cao vai trò quản lý của nhà nước trong công tác tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu 100% sản lượng cây dược liệu được tổ chức theo chuỗi khép kín từ quản lý sản xuất đến tiêu thụ và chế biến sản phẩm, từng bước tạo đầu ra ổn định trên thị trường. Trên 100% diện tích và sản lượng cây dược liệu của vùng quy hoạch đảm bảo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO).
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi về các khó khăn, giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, bền vững tại huyện Yên Thủy nhằm phục vụ cho công nghiệp chế biến.
Ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật yêu cầu: Thời gian tới, chính quyền các cấp của huyện Yên Thủy phải nâng cao mối liên kết, tạo các vùng trồng nông sản chuyên canh để xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm trồng trọt phục vụ công nghiệp chế biến dưới sự bảo trợ về con giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu đầu ra từ các đơn vị tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất chế biến, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho bà con nông dân tham gia phát triển kinh tế địa phương.
Trong khuôn khổ hội thảo, Tập đoàn Minh Trung đã ký kết hợp đồng thu mua 50 tấn lạc với bà con nông dân huyện Yên Thủy, đồng thời cam kết sẽ đồng hành cùng bà con nông dân huyện Yên Thủy hình thành các vùng nguyên liệu sản phẩm trồng trọt trong thời gian tới./.