Hiệu trưởng đại học danh tiếng buộc từ chức vì 'tự đạo văn'
Nhật Bản - GS Toshiaki Miyazaki, Hiệu trưởng ĐH Aizu, đã phải từ chức sau cuộc điều tra cho thấy ông tự đạo văn và 'xào xáo' kết quả nghiên cứu thành nhiều bài báo.
Ông Toshiaki Miyazaki - Hiệu trưởng của ĐH danh tiếng Aizu ở Nhật Bản, đã phải từ chức sau khi hai cuộc điều tra tiết lộ rằng ông đã phạm lỗi "tự đạo văn"- sao chép các phần bài báo trước đây của chính mình mà không trích nguồn. GS Miyazaki cũng bị phát hiện đã gửi một bài báo đến nhiều tạp chí để xuất bản.
Ông cũng nộp đơn xin tham gia một dự án được chính phủ trợ cấp mà không thông qua các thủ tục chính thức của trường ĐH. Vị GS này buộc phải từ chức từ ngày 31/7 vừa qua, theo tờ Retraction Watch.
Được biết, cuộc điều tra đầu tiên kết thúc vào tháng 2/2022, chỉ ra rằng GS Miyazaki đã tự đạo văn 4 bài báo. Khi đó, vị hiệu trưởng này phải chịu hình thức kỷ luật là trừ 20% tháng lương.
Một tháng sau, theo báo cáo do ĐH Aizu công bố: "Thầy Miyazaki có 12 bài báo bị nghi ngờ là tự đạo văn”. Một cuộc điều tra khác về vấn đề này đã bắt đầu từ tháng 4/2022 và kéo dài đến tận tháng 2 năm nay.
Hội đồng trường ĐH đã điều tra 54 bài báo do GS Miyazaki viết và tìm thấy bằng chứng về hành vi sai trái học thuật của ông. Cụ thể, hội đồng đã phát hiện ra 3 trường hợp tự đạo văn, trong đó, GS đã xuất bản các bài báo mới sử dụng kết quả của công trình trước đó của chính ông nhưng không trích dẫn.
Hội đồng cũng xác định 5 trường hợp nộp bài 2 lần, nghĩa là ông đã nộp bài báo trích dẫn công trình trước đó của mình nhưng không cải tiến bất kỳ ý tưởng mới nào. Các bài báo bị điều tra đã được xuất bản từ năm 2008-2016 và nghiên cứu về mạng cảm biến.
Thầy Miyazaki đã kháng cáo, hội đồng điều tra lại và thay đổi một trong những bài nộp 2 lần thành trường hợp tự đạo văn nhưng vẫn giữ nguyên những phát hiện khác. Hội đồng yêu cầu gỡ bỏ các bài báo "xào xáo" kết quả và chỉnh sửa các bài tự đạo văn. Một số người cho rằng những hành vi như vậy tạo một "vùng xám" trong khoa học.
GS Miyazaki cũng không kiểm tra các quy tắc gửi bài báo, bao gồm các hướng dẫn và chính sách của nhà xuất bản mà ông gửi, đồng thời không chú ý đến những thay đổi trong khái niệm về hành vi sai trái trong nghiên cứu, chẳng hạn như Hướng dẫn ngăn chặn hành vi sai trái trong nghiên cứu của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) năm 2006 và các văn bản hướng dẫn tương tự vào năm 2014.
Hội đồng cũng kết luận thầy Miyazaki đã bỏ bê đáng kể nghĩa vụ cơ bản mà một nhà nghiên cứu phải có và nghĩ rằng dữ liệu và kết quả nghiên cứu của các sinh viên theo học tại trường ĐH thuộc về ông vì họ được ông hướng dẫn. Ông ấy cũng đưa tên một sinh viên vào lời cảm ơn của một bài báo chứ không phải với tư cách là một tác giả “do hoàn cảnh khó liên lạc với họ sau khi họ tốt nghiệp”.
Trường ĐH cho biết sẽ thực hiện một số thay đổi sau vụ việc, bao gồm cung cấp các điều khoản để phân loại hành vi sai trái bên cạnh hành vi bịa đặt, làm sai lệch và đạo văn, chẳng hạn như tự đạo văn hay đệ trình hai lần, đồng thời bổ sung các điều khoản để đảm bảo tính hiệu quả của liêm chính đạo đức học thuật.
Tự đạo văn, self/auto-plagiarism, đề cập đến hành động của một tác giả sử dụng lại tác phẩm hoặc một phần tác phẩm đã xuất bản trước đó của chính họ mà không có trích dẫn hoặc xác nhận thích hợp. Trong bối cảnh học thuật và xuất bản, tự đạo văn được coi là phi đạo đức và thường bị cấm.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hieu-truong-buoc-tu-chuc-vi-tu-dao-van-2172097.html