Hiệu quả đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

ĐTO - Trong những năm qua, tỉnh tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo theo Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ngoài ra, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tạo hành lang pháp lý, cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội trong việc đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo.

Đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (đứng bên phải) tham quan buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Sáng tạo mỹ thuật Trường Tiểu học An Thạnh 2 (phường An Thạnh, TP Hồng Ngự)

Đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (đứng bên phải) tham quan buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Sáng tạo mỹ thuật Trường Tiểu học An Thạnh 2 (phường An Thạnh, TP Hồng Ngự)

Tỉnh quan tâm tổ chức cho cán bộ, giáo viên trong toàn ngành học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, Thông tư số 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành chương trình giáo dục phổ thông và các chương trình, đề án, kế hoạch của tỉnh triển khai đổi mới giáo dục, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn. Qua đó, cán bộ quản lý, giáo viên nắm rõ lộ trình đổi mới giáo dục, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện. Tiếp tục tạo thêm điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành giáo dục và đào tạo nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho Chương trình giáo dục phổ thông.

Liên quan đến việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các cơ sở giáo dục tổ chức xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục và kế hoạch bài dạy theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; lựa chọn nội dung giáo dục cốt lõi, cần thiết phù hợp với khung thời gian năm học, bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông linh hoạt, hiệu quả, không gây áp lực đối với học sinh. Đặc biệt, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo đó đánh giá thông qua mức độ yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học. Hoạt động giáo dục và những biểu hiện phẩm chất, năng lực của học sinh theo yêu cầu của chương trình; thực hiện đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện, giúp học sinh phát huy khả năng, năng lực.

Song song đó, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch bài dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, đề xuất những nội dung cần điều chỉnh hoặc bổ sung, tích hợp; điều chỉnh thời lượng thực hiện; nguồn học liệu và thiết bị dạy học. Đồng thời điều chỉnh hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đánh giá; phân phối chương trình dạy học linh hoạt phù hợp với học sinh, điều kiện tổ chức dạy học; đẩy mạnh giáo dục STEM và STEAM; tăng cường tổ chức thực hành trải nghiệm, tích hợp nội dung giáo dục địa phương, vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn. Đổi mới về quản trị các cơ sở giáo dục theo hướng chuyển từ “quản lý” sang “quản trị”; khuyến khích đổi mới, sáng tạo trong quản lý gắn với thực tiễn các cơ sở giáo dục. Các cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kế hoạch dạy học và giáo dục theo tinh thần Nghị định số 24 ngày 23/3/2021 của Chính phủ quy định về việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Việc triển khai sách giáo khoa giáo dục phổ thông bước đầu mang lại hiệu quả, chất lượng bản in sách được nâng cao bảo đảm có thể sử dụng lâu dài và tái sử dụng cho năm học tiếp theo. Nội dung bảo đảm mạch kiến thức để giáo viên, cơ sở giáo dục nghiên cứu xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với đặc điểm của học sinh. Đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các cơ sở giáo dục vận động hỗ trợ hoặc cho mượn, bảo đảm 100% học sinh đều có sách giáo khoa vào đầu năm học. Để bảo đảm công tác lựa chọn sách giáo khoa đúng quy định, phù hợp với học sinh, điều kiện tổ chức dạy học và đặc thù địa phương, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ tháng 6/2020, tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu Giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; thành lập Ban biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương; thành lập Hội đồng thẩm định tài liệu Giáo dục địa phương cấp Tiểu học, Trung học và tổ chức thực hiện việc biên soạn, lấy ý kiến cơ sở giáo dục và đào tạo, Hội đồng thẩm định... gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, phê duyệt tài liệu Giáo dục địa phương các lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 theo lộ trình từng năm. Đồng thời chuẩn bị công tác biên soạn, thẩm định tài liệu cho các khối lớp còn lại.

DŨNG CHINH

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/giao-duc/hieu-qua-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-giao-duc-pho-thong-122889.aspx