Hiệu quả công tác xuất khẩu lao động ở Thạch Thành
Thời gian qua, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) luôn được huyện Thạch Thành quan tâm và xác định là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà 2 tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi, anh Nguyễn Cao Cường ở thị trấn Kim Tân cho biết: Mặc dù có nghề mộc trong tay, nhưng không có vốn phát triển sản xuất, nên nhiều năm liền gia đình anh luẩn quẩn với con đường thoát nghèo. Nhờ được chính quyền địa phương tuyên truyền và có chương trình XKLĐ của huyện, anh được hỗ trợ vay vốn học tiếng và đăng ký đi XKLĐ tại thị trường Quatar. Sau 3 năm, số vốn tiết kiệm được, anh về nước đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang và mở quán kinh doanh cafe. Hiện nay anh Cường đang nuôi ước mơ mở xưởng làm mộc với quy mô lớn.
Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Thạch Thành Nguyễn Quốc Huy cho biết: Xác định công tác XKLĐ là nhiệm vụ quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, vì vậy chỉ tiêu XKLĐ được đưa vào nghị quyết của HĐND. UBND huyện đã giao cho các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác XKLĐ và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, hằng năm Phòng LĐTB&XH tham mưu cho lãnh đạo huyện ban hành kế hoạch giảm nghèo, trong đó có giao chỉ tiêu XKLĐ cho các xã, thị trấn; đồng thời tích cực tuyên truyền các chính sách, pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành cũng như khơi dậy ý thức tự vươn lên của người dân tham gia XKLĐ để thoát nghèo. Hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát, đánh giá lại hiệu quả thực trạng công tác XKLĐ theo từng thị trường, trên cơ sở đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền những giải pháp phù hợp. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng, doanh nghiệp giải quyết dứt điểm, thỏa đáng quyền lợi đối với những trường hợp phải về nước trước thời hạn do yếu tố khách quan, tạo niềm tin cho người lao động. Phối hợp với doanh nghiệp XKLĐ mở các hội nghị chuyên đề, hội nghị lồng ghép để tuyên truyền, phổ biến, vận động người lao động tham gia XKLĐ.
Cùng với đó, huyện đã và đang triển khai hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Tiểu dự án 2, dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và nội dung hỗ trợ cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn huyện của Tiểu dự án 3 và 5 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh việc thực hiện tốt chính sách của Nhà nước, huyện đã phối hợp với Sở LĐTB&XH thẩm định hồ sơ, giới thiệu các đơn vị và doanh nghiệp có uy tín, năng lực, chất lượng thực hiện tư vấn, tuyển lao động trên địa bàn. Đồng thời, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, các xã, thị trấn trong tư vấn tuyên truyền, tuyển lao động; đào tạo ngoại ngữ, định hướng và phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho người lao động theo quy định.
Mặt khác, huyện quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho người lao động trên địa bàn. Ưu tiên cho lao động nông thôn, lao động vùng khó khăn, thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các hộ chính sách. Chỉ đạo Trường Trung cấp nghề Thạch Thành không ngừng mở rộng quy mô, loại hình và chất lượng đào tạo nghề cho học sinh và người lao động; tăng cường liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh để dạy nghề cho người lao động. Khuyến khích các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tham gia dạy nghề gắn với bố trí việc làm cho lao động theo hình thức xã hội hóa...
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện có gần 2.000 người đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Riêng năm 2023 có khoảng 230 người đi XKLĐ, chủ yếu ở các nước có thu nhập cao như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Quatar. Hằng năm, số ngoại tệ gửi về cho người thân đã làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê nông thôn. Nhiều người đi XKLĐ về có vốn đã đầu tư thành lập doanh nghiệp, mở cửa hàng kinh doanh điện tử, điện lạnh, sản xuất, kinh doanh... tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện năm 2023 xuống còn 4,38%.
Thời gian tới, huyện Thạch Thành sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và nội dung hỗ trợ cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn huyện của Tiểu dự án 3 và 5 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục đẩy mạnh công tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về XKLĐ; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có uy tín về XKLĐ tổ chức các buổi hội thảo, đối thoại; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trong việc thực hiện chính sách cho vay XKLĐ...