Hết sốt chưa chắc đã khỏi sốt xuất huyết

Mọi người không nên chủ quan với triệu chứng hết sốt khi mắc bệnh sốt xuất huyết vì đây có thể là giai đoạn bệnh dễ trở nặng nhất.

Con tôi mắc sốt xuất huyết đến nay là ngày thứ 5 đã đỡ sốt. Mọi người bảo đây mới là giai đoạn nguy hiểm của bệnh. Điều này có đúng không thưa bác sĩ?

Bác sĩ Dương Quốc Hiền, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Ở nước ta, bệnh có mặt quanh năm nhưng thường tăng nhiều vào các tháng mùa mưa, khoảng tháng 4-11.

Sau khi bị muỗi truyền virus 3-6 ngày, người bệnh có thể xuất hiện các biểu hiện khác nhau theo từng giai đoạn.

Giai đoạn 1 là lúc người bệnh nhiễm virus huyết, thường kéo dài 2-5 ngày. Ở giai đoạn này, bệnh nhân sốt cao liên tục, đau đầu, đau mỏi người, đau nhức vùng hốc mắt, có thể đau họng, buồn nôn hoặc tiêu chảy.

Các biểu hiện này không đặc hiệu và cũng tương tự như các sốt virus khác. Bệnh nhân có thể chỉ cần uống thuốc hạ sốt, uống dung dịch oresol tăng cường ăn hoa quả, bổ sung vitamin và có thể điều trị theo đơn tại nhà.

Nếu mới nhiễm virus Dengue lần đầu, người bệnh tự khỏi sẽ sau 7-8 ngày. Nếu người bệnh tái nhiễm virus Dengue type khác, bệnh có thể diến biến nặng tlên các giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 2 là tăng thấm thành mạch và giảm tiểu cầu, kéo dài 2-3 ngày. Đây là giai đoạn nguy hiểm của bệnh, dễ dẫn đến biến chứng nặng, người bệnh nên đến điều trị tại các cơ sở y tế.

Ở giai đoạn này, bệnh nhân đỡ sốt nhưng có tình trạng giảm tiểu cầu trong máu và tăng tính thấm thành mạch gây thoát dịch và cô đặc máu. Người bệnh có thể xuất hiện các nốt chấm xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh hoặc kinh nguyệt bất thường.

Khi tiểu cầu hạ quá nhiều, bệnh có thể dẫn đến chảy máu ồ ạt. Nếu có hiện tượng thoát dịch và cô đặc máu nhiều, người bệnh có thể dẫn đến sốc Dengue rất nguy hiểm. Lúc này, tùy thuộc tình trạng thoát dịch, hạ tiểu cầu nhiều hay ít, bác sĩ sẽ quyết định có truyền dịch, truyền máu cho người bệnh hay không.

Người bệnh có các dấu hiệu đe dọa như ệt lả, nôn hoặc buồn nôn liên tục, bứt rứt vật vã, chảy máu chân răng, chảy máu cam hoặc kinh nguyệt kéo dài ở người lớn; li bì, bỏ bú, đái ít, tay chân lạnh ở trẻ nhỏ cần phải đưa ngay đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Giai đoạn 3 là lúc cơ thể tái hấp thu dịch và hồi phục tiểu cầu. Sau khi thoát dịch 24-48 giờ, cơ thể sẽ tái hấp thu dịch lại. Giai đoạn này không nên truyền dịch vì có thể gây quá tải dịch.

Độc giả Mai Linh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/het-sot-chua-chac-da-khoi-sot-xuat-huyet-post1477131.html