Hành trình 5 năm trọn nghĩa tình

Đầu năm 2022, mẹ Hồ Thị Miết (85 tuổi), trú tại thôn Mã Lai, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa - Mẹ Việt Nam anh hùng cuối cùng còn sống của huyện Hướng Hóa - đã về bên kia núi. Riêng với giáo viên Trường Tiểu học Hướng Phùng, ngày mẹ Miết đi cũng là ngày khép lại một hành trình nghĩa tình dài 5 năm những giáo viên này đưa cơm cho mẹ.

 Học sinh Trường Tiểu học Hướng Phùng thăm Mẹ VNAH Hồ Thị Miết lúc mẹ còn sống - Ảnh: THIÊN PHONG

Học sinh Trường Tiểu học Hướng Phùng thăm Mẹ VNAH Hồ Thị Miết lúc mẹ còn sống - Ảnh: THIÊN PHONG

Khép lại một hành trình nghĩa tình…

Trường Tiểu học Hướng Phùng nằm cách nhà mẹ Miết khoảng 7 km đường núi. Tính đến thời điểm này, mẹ đã đi xa được hơn 3 tháng. Nhưng những giáo viên trong tổ đưa cơm cho mẹ Miết ở trường này vẫn như chưa quen. Nhiều hôm các giáo viên nấu cơm xong cũng sửa soạn một phần cơm riêng để đưa qua bản Mã Lai Pun - nơi có nhà mẹ Miết như một thói quen.

Cô hiệu phó Trần Thị Lài là một trong ba người trong tổ nấu cơm và đưa cơm hằng tuần cho mẹ Miết. Hai người còn lại là nhân viên cấp dưỡng Trần Văn Ngự và cô giáo Nguyễn Thị Nga. Cô Lài nói tổ mình đưa cơm cho mẹ Miết hằng tuần suốt 5 năm, nên thật khó để quen với việc mẹ đã khuất núi.

Cô Lài kể mọi chuyện bắt đầu từ tháng 7/2017. Đó là thời điểm cuối hè và chuẩn bị vào năm học mới - khoảng thời gian giáo viên trong trường phải về các bản làng xa của địa bàn để vận động học sinh đi học.

“Có lần nhóm giáo viên của trường vô tình ghé qua nhà mẹ Miết thì thấy mẹ nằm một mình. Mẹ ốm. Đến bữa không ai lo cơm nước cho. Nhà cửa thì mấy hôm rồi không ai dọn dẹp”, cô Lài nhớ lại.

Câu chuyện đó được ban giám hiệu nhà trường biết đến. Thầy Nguyễn Mai Trọng, hiệu trưởng nhà trường thời điểm đó biết mẹ Miết là Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) duy nhất của huyện Hướng Hóa còn sống. Thầy Trọng cũng chạnh lòng với hoàn cảnh neo đơn của mẹ. “Mẹ đã hy sinh người con trai duy nhất cho đất nước trong kháng chiến chống Mỹ. Phải làm gì đó để chia sẻ với mẹ trong những năm tháng cuối đời này”, thầy Trọng nói tại cuộc họp ban giám hiệu trường sau đó.

Cuộc họp này cũng là lúc bắt đầu cho hành trình nghĩa tình. Mỗi tuần hai ngày vào thứ 3 và thứ 5, các giáo viên sẽ nấu cơm mang qua cho mẹ Miết. Chi phí của những bữa cơm này sẽ do chính giáo viên, nhân viên trong trường đóng góp. Ngoài việc đưa cơm, những giáo viên này sẽ “kiêm” luôn nhiệm vụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa.

Giáo viên ai cũng hiểu giá trị của hai chữ “nghĩa tình”, nên khoảng cách 7 km đường núi giữa nhà mẹ và nhà trường khi đó không còn là vấn đề. “Mẹ Miết năm nay đã 85 tuổi. Mẹ cũng không còn nhiều thời gian nữa. Nên mọi việc phải làm thật nhanh. Mẹ đã hy sinh cho đất nước nhiều rồi. Không thể để mẹ sống cô đơn thêm nữa. Dù không chăm sóc được mẹ cả đời thì cũng được chăm mẹ những năm cuối đời”, thầy Trọng dặn dò các giáo viên.

Không chỉ đưa cơm, giáo viên còn xắn tay giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa mỗi lần đưa cơm qua. Con trai mẹ hy sinh khi chưa lập gia đình nên mẹ không kịp có cháu, vì thế giáo viên nhà trường tranh thủ chở một số em học sinh qua chơi với mẹ cho khuây khỏa. Những hôm có các cháu qua, mẹ thường nở nụ cười ấm áp. Mong muốn lớn nhất cuộc đời mẹ cũng chỉ đơn giản là được có con đàn cháu đống quây quần khi về già. Con mẹ hy sinh rồi, không làm được điều đó nữa thì các giáo viên ở Trường Tiểu học Hướng Phùng làm thay mẹ. Mẹ mất con trai, nhưng suốt 5 năm cuối đời mẹ như có cả đàn con.

“5 năm đưa cơm cho mẹ là 5 năm những giáo viên ở đây đồng cảm, sẻ chia và tri ân. 5 năm không phải quá ngắn nhưng không thể so với những hy sinh của mẹ cho đất nước”, thầy Trọng tâm sự.

Mở ra một hành trình khác

Trước khi mẹ Miết qua đời vài tháng, thầy Trọng đã chuyển công tác qua làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Xing, cùng huyện. Vừa đến nhận công tác ở trường mới, thầy Trọng đã bắt đầu cho mình một hành trình khác ý nghĩa không kém. Đó là hành trình đi tìm giá trị lịch sử cho một “bảo vật” của người Pa Kô - một chiếc áo vua ban được dòng họ A Xớp, ở bản A Máy, xã Lìa, lưu giữ hàng trăm năm nay.

Sau khi đọc được thông tin về chiếc áo độc đáo này, thầy Trọng đã tìm đến nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử để tìm hiểu về nguồn gốc và giá trị của chiếc áo. Vân Phụng Tiên Y - tên chiếc áo được ông Lê Đức Thọ, Giám đốc Bảo tàng Quảng Trị xác nhận. Đây là một loại áo choàng, có 3 thân: 2 thân trước và một thân sau. Mỗi thân dài 120 cm, rộng 64 cm; cổ áo tròn, ống tay áo rộng; được may thủ công bằng 2 lớp vải, bên trong là lớp vải màu nâu, bên ngoài là lớp vải lụa màu xanh da trời.

Trang trí hoa văn trên áo là hình chim phụng ẩn trong mây cùng với hàng chục dải lụa đai ngũ sắc. Các dây tua gắn ở cổ áo có độ dài ngắn không tương đồng. Có ba tua dài thõng xuống gần đến gấu, nằm ở phần ngực phải của chiếc áo. Các dây tua còn lại thì ngắn dần từ phải sang trái và chạy suốt đến hết thân áo sau. Điểm nổi bật ở các dây tua này là những hình thêu cành hoa cúc mãn khai trên nền vải lụa màu đỏ tía.

Vân Phụng Tiên Y là một hiện vật đặc biệt quý hiếm, không chỉ có giá trị lịch sử, mà còn mang đậm giá trị văn hóa trong mối quan hệ giao lưu tộc người, mà trực tiếp từ chính quyền trung ương với vùng đồng bào dân tộc thiểu số qua người đại diện được triều đình thừa nhận.

Vân Phụng Tiên Y không chỉ được xem là “quan phục” khi các “Thổ Tri Châu” vào triều cống ở triều đình, mà còn là “lễ phục” không thể thiếu trong việc cúng tế thần linh, mà người được mặc không ai khác ngoài trưởng làng/chủ làng. Người được mặc chiếc áo này là người có quyền uy rất lớn trong việc cố kết cộng đồng và giải quyết những công việc trọng đại.

Thầy Trọng mang những thông tin về chiếc áo này trở về bản và bắt đầu hành trình mới của mình. Thầy đã “biến” ngôi nhà của bà Ăm Thí, nơi đang lưu giữ Vân Phụng Tiên Y, thành một điểm ngoại khóa về lịch sử của học trò Trường Tiểu học và THCS A Xing. Định kỳ từng tháng, thầy Trọng sẽ cho các lớp trong trường đến tham quan, ngoại khóa tại đây để nghe các thầy cô và những người trong dòng họ A Xớp kể về lịch sử chiếc áo cũng như những tấm gương của thủ lĩnh A Xớp trong kháng chiến.

“Chiếc áo này gắn với lịch sử đáng tự hào của người Pa Kô. Những lớp hậu thế của người Pa Kô cần biết thêm về lịch sử của dân tộc mình. Tôi sẽ là người làm cầu nối”, thầy Trọng tâm tình.

Thiên Phong

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=166797&title=hanh-trinh-5-nam-tron-nghia-tinh