Hàng trăm doanh nghiệp trước nguy cơ ngưng sản xuất vì dịch nCoVHàng trăm doanh nghiệp trước nguy cơ ngưng sản xuất vì dịch nCoV
Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất trong nước và nước ngoài (FDI) ở Việt Nam đang lo dịch viêm phổi cấp từ chủng virus corona mới (nCoV) sẽ làm đình trệ sản xuất. Thậm chí nếu dịch kéo dài sẽ hoạt động sản xuất sẽ ngừng do thiếu nguồn cung linh kiện, phụ tùng từ Trung Quốc và hàng trăm người lao động đối mặt với nguy cơ không có việc làm...
Trao đổi với TBKTSG Online vào ngày 10-2, đại diện Công ty Datalogic Việt Nam, doanh nghiệp chuyên sản xuất máy quét mã vạch các loại ở TPHCM cho biết việc sản xuất của công ty phụ thuộc nhiều vào nguồn linh phụ kiện nhập từ Trung Quốc.
Việc nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc của Datalogic Việt Nam lâu nay diễn ra hàng tuần, thậm chí có những linh kiện phải nhập hàng ngày. Thế nhưng, từ sau Tết nguyên đán đến nay, vì thực hiện các biện pháp về phòng dịch nCoV mà đối tác cung cấp hàng vẫn chưa hoạt động trở lại, công ty chưa thể nhập được đơn hàng nào.
Vị đại diện của Datalogic Việt Nam cho hay, linh kiện dự trữ cho sản xuất tại nhà máy của công ty đặt ở Khu Công nghệ cao TPHCM hiện chỉ đủ sản xuất cho đến hết tuần này. Nếu nhà cung cấp từ Trung Quốc vẫn chưa đi vào sản xuất và "cánh cửa" lưu thông vận tải hàng hóa giữa Việt Nam - Trung Quốc chưa mở hoàn toàn thì nguy cơ cho hoạt động sản xuất là rất lớn. Đáng chú ý khoảng 400 người lao động làm việc tại nhà máy của công ty vì thế cũng sẽ phải nghỉ việc chờ nguồn linh kiện từ thị trường này.
Datalogic Việt Nam chỉ là một trong số rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác hoạt động đang gặp khó khăn do dịch bệnh nCoV gây ra, gây xáo trộn sản xuất và nguồn cung, đồng thời người lao động có thể rơi vào nguy cơ không có việc. Bởi lẽ, thị trường Trung Quốc luôn là nguồn cung linh kiện-phụ tùng lớn của nhiều doanh nghiệp gia công - sản xuất trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trước khó khăn nay, mới đây Chi hội doanh nghiệp khu công nghệ cao TPHCM (chi hội SBA) cũng có văn bản gửi tới Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) và Hiệp hội doanh nghiệp Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (HBA) có đóng dấu và chữ ký của đại diện khoảng chục doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại SHTP kiến nghị việc cho lưu thông vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam - Trung Quốc. Bên cạnh Datalogic Việt Nam, trong văn bản kiến nghị này còn có một số công ty FDI lớn khác như: Intel Việt Nam, Jabil Việt Nam, Schneider Electric Việt Nam…
Theo văn bản của SBA, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã có Chỉ thị số 362/CT-CHK về việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra. Theo đó, Cục hàng không hủy toàn bộ phép bay đã cấp và tạm dừng cấp phép các chuyến bay mới cho các hãng hàng không Việt Nam và hãng hàng không nước ngoài khai thác giữa Việt Nam và Trung Quốc từ thời điểm 13 giờ ngày 1-2.
Chi hội SBA và các doanh nghiệp hội viên cho rằng việc này là cần thiết đối với vận chuyển hành khách nhằm kiểm soát tốt hơn tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCov gây ra. Tuy nhiên, đối với vận chuyển hàng hóa, Chi hội SBA nhận thấy các doanh nghiệp hội viên vẫn có nhu cầu vận chuyển hàng hóa hóa (bao gồm cả nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị và phụ tùng) giữa Việt Nam và Trung Quốc nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Việc thiếu hụt nguyên vật liệu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc đáp ứng đơn hàng đã lên kế hoạch cho quý 1 năm 2020 sẽ bị đình trệ và một số lượng lớn người lao động sẽ thiếu việc làm trong tháng 2 và tháng 3 năm 2020”, văn bản của Chi hội SBA nêu rõ.
Không riêng doanh nghiệp ở SHTP mà hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất trong khu chế xuất và khu công nghiệp ở TPHCM cũng đang gặp phải khó khăn này.
Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM (HBA) ghi nhận phản ánh và kiến nghị khẩn cấp của nhiều doanh nghiệp, sự thiếu hụt nguyên phụ liệu chắc chắn trực tiếp làm đình trệ sản xuất, thậm chí ngưng sản xuất ngay trong kế hoạch ngắn hạn không chờ đến kế hoạch trung hạn. Tình hình này đang là nỗi lo của hàng ngàn doanh nghiệp KCX-KCN và Khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố nói chung.
Thực trạng các KCX-KCN và khu công nghệ cao tại TPHCM với gần 2.000 nhà máy đang cần nguyên phụ liệu cho sản xuất mà một phần lớn nguồn từ Trung Quốc, chưa có nguồn khác thay thế.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, ảnh hưởng dịch từ virus corona đã có tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành.
Ông Lê Nhung, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Thành Đạt, chuyên gia công hàng quần áo thời trang xuất đi các thị trường Mỹ, châu Âu,... lo lắng hiện nguyên phụ liệu có thể bị “đứt” vì hiện nguyên liệu trữ chỉ đủ sản xuất đến hết tháng 2 này. Theo ông, nguồn nguyên liệu cho sản xuất của Thành Đạt phần lớn đến từ Trung Quốc. Việc xảy ra dịch do nCoV đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu chậm đi vào hoạt động, nên nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu trong thời gian tới là rất cao.
Một số ý kiến cho rằng nhà gia công, doanh nghiệp sản xuất cần chuyển hướng tìm nguồn cung ở những thị trường khác ngoài Trung Quốc. Trên thực tế việc này đã được một số doanh nghiệp tính đến. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu qua thị trường khác không dễ, đáng chú ý so sánh lợi thế về đơn giá, bởi phía nguồn cung từ Trung Quốc luôn thấp hơn nhiều so với các thị trường khác, nên sẽ rất khó cạnh tranh.
Chưa kể đối với những doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng công nghệ như Datalogic Việt Nam, việc thẩm định nhà cung cấp đạt chất lượng không thể một sớm một chiều, mà đòi hỏi phải mất cả năm trời vì linh phụ kiện đòi hỏi độ chính xác cao và phức tạp. Cũng như các mặt hàng khác, đại diện Datalogic Việt Nam cho rằng giá cả ở các thị trường khác khó có thể cạnh tranh từ nguồn cung ở Trung Quốc.
Do ảnh hưởng của việc phòng chống dịch bệnh từ nCoV, hiện nay đường vận chuyển hàng hóa là nguyên phụ liệu cho sản xuất từ Trung Quốc vào Việt Nam như nguyên vật liệu, phụ kiện, máy móc, thiết bị và phụ tùng bị ách tắc tại cửa khẩu (nhất là Hữu nghị quan). Đường hàng không cũng hủy các chuyến bay Trung Quốc- Việt Nam theo chỉ thị số 326/CT-CHK của Cục Hàng không Việt Nam.
Do đó, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ ngành đề ngày 10-2, HBA đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các ngành có liên quan như Bộ Y tế và Tổng cục Hải quan có ngay các giải pháp cấp bách kịp thời vừa phòng chống dịch bệnh vừa đảm bảo lưu thông được hàng hóa qua đường bộ và đường hàng không, nhất là hàng hóa nguyên phụ liệu sản xuất. "Vì sự ổn định sản xuất của hàng ngàn doanh nghiệp và việc làm cho hàng trăm lao động, rất mong Thủ tướng và Chính phủ cùng các Bộ ngành quan tâm giải quyết", ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Ban chấp hành HBA nêu kiến nghị trong văn bản.
Hùng Lê