Hàng lạ: Chuối phải luộc mới ngon, chanh không chua 'cháy hàng'
Các loại chuối thường chỉ cần để chín và ăn. Nhưng có một loại chuối ở Việt Nam phải luộc, nướng mới ngon. Ở Việt Nam cũng có loại chanh độc đáo, không chua mà rất ngọt.
Loại chuối kỳ lạ: Chỉ luộc, nướng mới ngon
Chị Minh, chủ một cửa hàng hoa quả ở Mễ Trì (Hà Nội), cho biết, chuối sáp là đặc sản của miền Tây Nam Bộ, quả nhỏ và mập, nhìn qua khá giống chuối sứ. Chuối sáp có hai loại là chuối sáp trắng và chuối sáp nghệ. Chuối sáp nghệ được đánh giá dẻo, ngọt ngon hơn chuối sáp trắng.
Chuối sáp nghệ phải luộc, nướng, hấp ăn mới ngon
“Sự độc đáo riêng của chuối sáp khiến không ít khách mê mệt là bởi chuối này chỉ luộc hoặc nướng, hấp ăn mới ngon. Khi đó, mật chuối sẽ được dồn lại giữa, vừa thơm lại ngọt đậm, ăn có cảm giác giòn sần sật nhưng ruột chuối lại dẻo quẹo như sáp”, chị Minh cho hay trên Tri Thức và Cuộc Sống. Bởi vị ngon đặc trưng mà chuối sáp lúc nào cũng là “hàng hot”. Giá chuối sáp nghệ là 100.000 đồng/3kg.
Chanh leo ngọt trăm nghìn đồng/kg vẫn 'cháy hàng'
Tại hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu do Hội Nông dân TP.HCM tổ chức mới đây, nhiều sản phẩm cây giống độc lạ đã hút khách tham quan. Trong đó, chanh leo ngọt của lão nông Sáu Công (Sóc Trăng) có giá hơn 110.000 đồng/kg, gấp 4-5 lần so với chanh leo thường, vẫn không có hàng để bán vì ngon lạ…
Khoe những trái chanh leo ngọt do mình độc quyền lai tạo từ cây chanh leo của Colombia với nhãn lồng, ông Sáu Công cho biết trên Báo Tiền Phong, sau hơn 3 năm thử nghiệm, nhiều lần sang chiết, chọn lọc… Cuối cùng ông đã lai tạo thành công giống chanh leo ngọt, hương thơm đặc trưng, giá trị dinh dưỡng cao.
Nghề lạ: "Mổ" cây lấy nước, leo cây gõ trái sầu riêng
Trồng cây không chỉ để lấy trái, lấy gỗ. Báo Dân Việt cho biết, tại Việt Nam, bạn có thể kiếm tiền bằng cách… ủ rượu trong cây, chẳng hạn như loại rượu đặc sản được lấy từ cây Đoák.
"Mổ" cây lấy rượu bán (Ảnh: Dân Việt)
Những cư dân xã Đắk Plinh (huyện Kông Chro, Gia Lai) cho hay, khi lấy rượu Đoák, họ phải lựa những cây có tuổi thọ hơn 15 năm. Khoảng cách từ cây đến bờ suối cũng là một trong những yếu tố quyết định độ ngon của rượu, khoảng cách lý tưởng để cây Đoák cho ra hương vị rượu ngon nhất là cách bờ suối khoảng 30m. Khi được thu hoạch đúng cách thì loại cây này sẽ cho ra thứ rượu màu trắng, có chút vị cay cay tê tê, mùi thơm nồng và hoàn toàn không gây ra tình trạng say xỉn cho người uống.
Huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ) đang rộ vụ thu hoạch sầu riêng. Báo Cần Thơ cho hay, năng suất vụ sầu riêng năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước nên người làm nghề "gõ” sầu riêng (còn gọi là thợ gõ, thợ cắt) cũng bận rộn hơn.
Cái tài của người “gõ” sầu riêng chính là thẩm định được độ tuổi trái ngay từ lúc chưa ngửi được mùi thơm. Tại các nhà vườn, giá nhân công thợ "gõ" sầu riêng dao động từ 1-3 triệu đồng/người/ngày. Tiền công trả cho nghề "gõ" sầu riêng cao nhưng không mấy ai theo được nghề.
Ba loại cành độc lạ gây sốt thị trường
Bên cạnh các loại hoa truyền thống, người tiêu dùng còn săn lùng các loại cành độc lạ trang trí trong nhà với độ bền tới cả tháng. Trong đó, thông đá nhập khẩu đang là loại cành độc lạ nhất trên thị trường hoa hiện nay. Có giá từ 130.000-150.000 đồng/bó, với độ bền từ 15-30 ngày, loại cành được đánh giá là siêu tiết kiệm cho chị em chơi hoa.
Thông đá nhập khẩu lạ mắt.
Bên cạnh thông đá, thị trường hoa tại Hà Nội xuất hiện cành mận từ Mộc Châu, có giá bán khá rẻ chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/bó. Cành mận vừa chi chít quả, vừa nhiều lá non, giá lại hợp lý nên hấp dẫn người mua.
Vào cuối năm 2021, thị trường lên "cơn sốt" cắm cành cherry rừng. Những cành cherry rừng lạ mắt được bán theo bó với giá chỉ từ 120.000 đồng/bó. Cành cherry rừng được ưa chuộng vì dáng mảnh khảnh, khi cắm lên toát được vẻ hoang dã của tự nhiên, không bị khô cứng như nhiều loại hoa khác.
“Gà nước mặn” - đặc sản hiếm có ở Phú Yên, giá 2,5 triệu đồng/kg
Cá bò hòm hay còn gọi là “cá thiết giáp”, “gà nước mặn”, là một trong những loại cá hiếm có ở Phú Yên. Báo Dân Việt cho biết, với bộ xương cứng chắc dưới lớp da lốm đốm đen, loại “gà nước mặn” này có lớp thịt dai, ngọt thơm và trở thành loại hải sản được nhiều người yêu thích.
Cá bò hòm sinh trưởng rất chậm, số lượng rất ít. Để đạt trọng lượng khoảng 1kg thì cá bò hòm phải mất khoảng 3-5 năm nên cá càng to thì giá càng cao. Đây là loại đặc sản quý hiếm, có giá đắt nhất trong các loại cá được đánh bắt ở Phú Yên. Cá bò hòm tươi sống đang được các cửa hàng hải sản bán với giá từ 1,3-2,5 triệu đồng/kg.
Quán phở Hà Nội đun bát đá 300 độ C, khách "tự nấu tự ăn"
Chủ quán phở này là chị Chu Phương Linh. Báo Dân Trí phản ánh, để tạo nên sự khác biệt với những quán phở nổi tiếng, lâu đời tại Hà Nội, chị Linh quyết định sử dụng phở bát đá. "Những bát phở bình thường sẽ nguội dần đi nhưng phở bát đá thì nóng hôi hổi đến khi thực khách thưởng thức xong. Cách làm này giúp bát phở tươi ngon, nóng hổi và cũng độc đáo hơn", chị Linh chia sẻ.
Phở bát đá
Quy trình làm ra bát phở đá trải qua nhiều bước khác nhau. Công thức nấu nước phở được chị Linh làm theo "bí quyết gia truyền". Bánh phở sử dụng tại quán được đặt làm riêng bằng phương pháp tráng thủ công.
Những chiếc bát đá được chị Linh đặt riêng từ Bình Định, vận chuyển cầu kì ra Hà Nội. Để bát đá giữ nhiệt lâu, chủ quán nung chúng bằng bếp ga với nhiệt độ tới 300 độ C, sau đó đổ nước phở sôi sùng sục vào rồi bê ngay ra cho thực khách. Để thưởng thức trọn vẹn nhất món ăn này, khi nhân viên bưng ra, thực khách nên bỏ ngay thịt vào tô, khéo léo căn độ tái, chín theo sở thích.
Kéo đến xem con cá sông khổng lồ nặng hơn 100kg
Đại diện nhà hàng L.T (ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết trên Báo Dân Việt, nhà hàng vừa mua được một con cá đuối nước ngọt khổng lồ từ một ngư dân (ngụ tỉnh Kiên Giang) đánh bắt. Nhiều thực khách hiếu kỳ đã kéo đến nhà hàng để xem, thưởng thức thịt con cá đuối.
Con cá đuối nước ngọt nặng hơn 101 kg, có chiều ngang 1,9m, chiều dài 1,6m. Đại diện nhà hàng cho biết sẽ bán con cá với giá khoảng 500.000 đồng/kg.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)