Hàng không thế giới gặp khó vì tín hiệu GPS giả

Xu hướng chiến tranh điện tử, trong đó có chiêu trò sử dụng tín hiệu GPS (hệ thống định vị toàn cầu) giả gia tăng gần những vùng xung đột, gây ra nhiều sự cố khiến các phi công máy bay dân sự trên thế giới gặp khó.

Phi công giật mình vì máy bay báo sắp va chạm

Mới đây, đài ABC News (Mỹ) đưa tin, một chuyến bay thương mại bay qua bầu trời Trung Đông đã bị giả mạo tín hiệu GPS.

Khi máy bay đang ở độ cao 36.000 feet (hơn 10.000m) trên đường từ Doha (Qatar) tới Madrid (Tây Ban Nha), anh Víctor Alegre - phi công máy bay thương mại nhận được cảnh báo GPS rằng máy bay đang ở độ cao 1.800 feet (548m) so với mặt đất.

Sự việc khiến phi công giàu kinh nghiệm này phải giật mình vì trong suốt 33 năm lái máy bay thương mại chưa bao giờ anh gặp trường hợp như vậy. Rất may, anh cùng tổ bay nhanh chóng xác định đây là tín hiệu không chính xác.

Các phi công đang gặp nhiều khó khăn hơn khi phải ứng phó tín hiệu GPS giả mạo.

Để cung cấp thông tin rõ hơn về sự việc, Alegre đã chia sẻ video bằng chứng với ABC News cho thấy: Trên màn hình điều khiển máy bay xuất hiện hai hệ tọa độ riêng biệt. Một từ Hệ thống tham chiếu quán tính (IRS) bên trong máy bay, cho phép theo dõi vị trí của máy bay bằng cách sử dụng hệ thống bên trong tàu bay, chỉ ra máy bay cách Doha 200 dặm (321km).

Hệ thứ hai là từ GPS giả mạo, cho thấy máy bay đang di chuyển phía trên bầu trời Cairo (Ai Cập). Đồng thời, hệ thống cảnh báo tiệm cận mặt đất phát thông báo "có địa hình phía trước, hãy điều khiển máy bay lên cao", cảnh báo nguy cơ va chạm. Máy đo độ cao cho chỉ số sai là ở 570m (1.870 feet).

Alegre cùng tổ bay đã báo cáo vấn đề với đài kiểm soát không lưu và ngắt các cảnh báo sai sau khi sự việc diễn ra khoảng 1 giờ.

Theo phi công này, vì máy bay này không phụ thuộc vào hệ thống GPS để điều hướng nên sự việc trên chưa gây ra vấn đề lớn, song với những máy bay phụ thuộc thì tình hình sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Nhiều chuyến bay quốc tế phải tạm dừng

Sự việc là ví dụ điển hình cho xu hướng giả tín hiệu từ GPS - một công nghệ được sử dụng phổ biến hơn trong chiến tranh hiện đại. Tình trạng giả GPS diễn ra khi tín hiệu GPS của một chuyến bay bị một bên thứ ba chặn và cung cấp ngược các thông tin sai lệch cho phi công.

Đầu năm nay, Ủy ban giám sát điều kiện sức khỏe và an toàn cho phi công Hãng Air France cảnh báo nguy cơ làm giả tín hiệu GPS đang ở mức báo động, với ước tính trung bình gây ảnh hưởng đến 3,7 trong 1.000 chuyến bay.

Tháng 4 vừa qua, hãng hàng không Phần Lan Finnair thông báo phải tạm dừng các chuyến bay quốc tế đến thành phố Tartu của Estonia cho đến ngày 31/5 do nhiễu GPS. Hãng cho rằng đây là nguyên nhân khiến hai trong số các chuyến bay đến Estonia của hãng phải quay đầu về Phần Lan.

Sau đó, Estonia và các quốc gia vùng Baltic là Latvia và Lithuania cũng cảnh báo, việc gây nhiễu GPS trên diện rộng đang làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn hàng không trên bầu trời.

Gia tăng rủi ro về an toàn

Nếu trước đó tình trạng gián đoạn chỉ giới hạn ở việc gây nhiễu nhằm cản trở máy bay truy cập tín hiệu điện tử từ các vệ tinh định vị, giờ đây các phi công đang gặp nhiều khó khăn hơn khi phải ứng phó các tín hiệu GPS giả mạo.

Ảnh minh họa: Financial Times.

"Chiêu gây nhiễu tín hiệu là nhằm mục đích chặn không cho phép nhận được tín hiệu GPS; Còn làm giả tín hiệu là cố tình khiến người nhận bị loạn, nhận thông tin sai, tưởng rằng mình đang ở một vị trí khác", ông Clayton Swope, Phó giám đốc dự án An ninh hàng không vũ trụ tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế chia sẻ với ABC News.

Cả hai công nghệ này đều đã được sử dụng rộng rãi trong cuộc xung đột tại Israel, trên Dải Gaza cũng như cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine, theo ABC News.

Nếu bị ảnh hưởng vì tín hiệu GPS giả mạo, máy bay có thể nhận được thông tin sai lệch về tọa độ, thời gian và độ cao trong khi đây lại là những cảnh báo an toàn quan trọng để phi công biết khi nào máy bay của họ ở quá gần mặt đất hoặc gặp chướng ngại.

Hãng ABC News dẫn lời ông Benoit Figuet, người đồng sáng lập Dịch vụ dữ liệu SkAI đánh giá, tính đến nay, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì hành vi giả mạo GPS là ở Trung Đông, đặc biệt là Israel.

Tờ ABC News chỉ ra, sau cuộc tấn công của Israel vào Đại sứ quán Iran ở Damascus, Syria ngày 1/4 vừa qua, Israel đã thực hiện một loạt các biện pháp phòng ngừa nguy cơ Iran trả đũa và một trong số đó là kích hoạt gây nhiễu GPS.

Ngày 4/4, người phát ngôn Lực lượng vũ trang Israel (IDF) Daniel Hagari ra thông báo IDF đã kích hoạt hệ thống làm nhiễu GPS để vô hiệu hóa các mối đe dọa trong khu vực nhưng không cung cấp thêm thông tin về biện pháp đề phòng.

Cùng ngày, truyền thông địa phương tại Israel đưa tin các tín hiệu GPS ở khu vực phía Bắc và phía Nam nước này bị gián đoạn, điện thoại di động và thiết bị GPS đều phát chỉ số GPS sai.

Theo ông Benjamin Jensen, thành viên cấp cao của Chương trình An ninh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, chiến tranh điện tử không phải là vấn đề mới trong các cuộc xung đột trên khắp thế giới. Hình thức này đã được sử dụng trong nhiều cuộc chiến từ trước Thế chiến thứ nhất.

"Có điều, công nghệ ngày càng tiến bộ khiến việc sử dụng các hệ thống định vị ngày càng nhiều, trong cả mục đích phòng thủ lẫn tấn công", ông Jensen nói và chỉ ra thêm: Thời gian gần đây, nguy cơ xảy ra chiến tranh tăng cao hơn và việc tiến hành các cuộc tấn công chính xác nhờ xác định tín hiệu GPS không còn tốn kém như trước và việc sử dụng chiến tranh điện tử theo đó cũng gia tăng.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, Cơ quan An toàn hàng không Liên minh châu Âu (EASA) cảnh báo tình trạng gián đoạn tín hiệu GPS tăng cao, ảnh hưởng đến cả các khu vực tương đối xa bên ngoài khu vực xung đột như Phần Lan và Địa Trung Hải.

Trong một số trường hợp nhất định, theo EASA, tình trạng này có thể khiến máy bay thay đổi quỹ đạo, thậm chí thay đổi điểm đến vì không thể thực hiện hạ cánh trong điều kiện an toàn.

Ông Luc Tytgat, quyền giám đốc điều hành EASA cho biết: "Các hệ thống định vị mang lại lợi ích to lớn cho ngành hàng không giúp tăng cường an toàn khi lưu thông trong không phận chung đông đúc. Nhưng thời gian gần đây, chúng tôi đã chứng kiến số cuộc tấn công vào các hệ thống này gia tăng mạnh, gây ra rủi ro về an toàn.

Trong trung hạn, chúng tôi sẽ cần điều chỉnh các yêu cầu chứng nhận của hệ thống dẫn đường và hạ cánh. Còn về lâu dài, chúng tôi cần đảm bảo ngành hàng không được tham gia vào việc thiết kế các hệ thống định vị vệ tinh mới".

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hang-khong-the-gioi-gap-kho-vi-tin-hieu-gps-gia-19224051321305302.htm