Hàng không quốc doanh Trung Quốc tiếp tục lỗ nặng
Các hãng hàng không quốc doanh lớn của Trung Quốc tiếp tục thua lỗ trong năm 2024, kém xa các hãng hàng không nhỏ hơn và các hãng điều hành sân bay, dù lượng hành khách đã hồi phục mạnh so với trước Covid-19. Đây là năm thứ năm liên tiếp các hãng bay lớn của Trung Quốc lỗ ròng.
Các hãng quốc doanh đều lỗ
Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, China Eastern Airlines có trụ sở tại Thượng Hải cho biết khoản lỗ ròng năm 2024 có thể lên đến 4,3 tỉ nhân dân tệ (592 triệu đô la). Như vậy, China Eastern Airlines một lần nữa trở thành hãng thua lỗ lớn nhất trong ba hãng hàng không hàng đầu của đại lục.
China Southern Airlines, có trụ sở tại Quảng Châu cũng cho biết, khoản lỗ ròng năm ngoái của hãng có thể lên tới 1,87 tỉ nhân dân tệ. Trước đó, Air China đã thông báo rằng khoản lỗ hàng năm của hãng sẽ trong khoảng từ 160-240 triệu nhân dân tệ.
Cả ba hãng đều dự đoán khoản lỗ của họ sẽ thu hẹp so với số liệu của năm 2023 – lần lượt là 8,16 tỉ tệ với China Eastern, 4,2 tỉ tệ với China Southern và 1,04 tỉ tệ của Air China.
China Eastern cho rằng nguyên nhân tiếp tục thua lỗ là do "cạnh tranh gia tăng, nhu cầu bay hạng thương gia thấp, giá dầu và biến động tỷ giá hối đoái". China Southern thừa nhận, sự phục hồi tương đối chậm của thị trường quốc tế, cũng như giá máy bay và phụ tùng tăng mạnh do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Air China, hãng hàng không quốc gia chính, đã nêu ra các yếu tố như "môi trường hoạt động ngày càng phức tạp và sự gia tăng bất ổn trên thị trường quốc tế".
Cả ba đều chỉ ra sự mất giá của đồng nhân dân tệ, vì phần lớn các khoản thanh toán của họ được thực hiện bằng đô la Mỹ, bao gồm cả nhiên liệu máy bay và máy bay.
Là hãng bay lớn thứ tư tính theo lượng hành khách, tuần trước Hainan Airlines Holding thông báo rằng đã lỗ tới 1,25 tỉ nhân dân tệ trong năm 2024, giảm mạnh so với mức lợi nhuận ròng 310 triệu nhân dân tệ của năm 2023. Trong số nhiều lý do, hội đồng quản trị nhấn mạnh rằng tác động của các khoản lỗ tỷ giá hối đoái là "đáng kể" vì phần lớn chi phí thuê máy bay và các khoản vay của họ chủ yếu được tính bằng đồng đô xanh, tiếp theo là euro.
Tuy nhiên, các hãng bay nhỏ hơn của Trung Quốc lại có kết quả kinh doanh khả quan hơn.
China Express Airlines, hãng hàng không nhỏ có trụ sở tại thành phố Trùng Khánh, tuần trước nói rằng hãng kỳ vọng lợi nhuận ròng sẽ quay trở lại mức lên tới 280 triệu nhân dân tệ, đảo ngược mức lỗ ròng 964 triệu nhân dân tệ của năm trước. Hãng nói rằng hãng được “hưởng lợi từ nhu cầu hàng không dân dụng tiếp tục phục hồi". Các hãng hàng không tư nhân khác niêm yết tại Thượng Hải, gồm Spring Airlines và Juneyao Airlines, vẫn chưa công bố dự báo lợi nhuận của năm 2023, nhưng lợi nhuận ròng của họ đã khả quan trong năm 2023 và trong chín tháng đầu năm 2024.
Lợi nhuận của các hãng khai thác sân bay tăng mạnh
Các nhà điều hành sân bay đang trên đà tăng trưởng.
Sân bay quốc tế Thượng Hải, nơi có cả sân bay Hồng Kiều và Phố Đông, tuần trước nói rằng lợi nhuận ròng trong năm 2024 ước tính sẽ tăng gấp đôi lên tới 2,05 tỉ tệ. Sân bay đã phục vụ kỳ lục hơn 124 triệu hành khách vào năm ngoái, trong khi trọng tải hàng hóa của sân bay vượt quá 4,2 triệu tấn, cao hơn mức trước đại dịch vào năm 2019.
Sân bay quốc tế Bạch Vân Quảng Châu cho biết lợi nhuận ròng cũng có khả năng tăng gấp đôi, lên tới 1,01 tỉ tệ, nhờ vào mức tăng hai chữ số về số lần cất cánh và hạ cánh, số lượng hành khách và trọng tải hàng hóa. Sân bay này đã chính thức mở thêm đường băng thứ tư hôm 23-1.
Sân bay Thâm Quyến ở phía nam tỉnh Quảng Đông kỳ vọng lợi nhuận ròng của sân bay sẽ tăng tới 12% lên 443 triệu tệ, nhờ vào lượng hành khách và hàng hóa tăng cao.
Một trường hợp ngoại lệ là Cơ sở hạ tầng sân bay Hải Nam, vì lợi nhuận ròng của sân bay này dự kiến sẽ giảm tới 66% xuống còn 320 triệu tệ. Công ty này nói doanh thu sụt giảm chủ yếu do phân khúc bất động sản cùng với sự sụt giảm doanh số bán hàng miễn thuế giữa lúc sức mua yếu đi.
Kém hiệu quả so với các hãng bay lớn ở châu Á
Hai hãng hàng không Nhật Bản, All Nippon Airways và Japan Airlines, kỳ vọng lợi nhuận ròng lần lượt là 120 tỉ yen và 100 tỉ yen (769 triệu đô la và 641 triệu đô la) cho toàn bộ năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2025. Dù chưa công bố kết quả kinh doanh cả năm, China Airlines và Eva Airways của Đài Loan cùng với Korean Air Lines được dự báo có kết quả khả quan cho năm 2024.
Tương tự, Cathay Pacific Airways vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2024, nhưng CEO Ronald Lam Siu-por gần đây đã nhiều lần tuyên bố rằng quá trình tái cấu trúc của hãng đã thành công, với các chuyến bay trở lại mức trước đại dịch trong tháng này.
Nhà phân tích Qianlei Fan tại trụ sở Morgan Stanley tại Hồng Kông đã viết trong báo cáo công bố tuần trước rằng "đóng góp lợi nhuận từ Cathay đã giảm bớt khoản lỗ ròng của Air China so với China Eastern và China Southern”. Hiện Air China nắm giữ 29,9% cổ phần của Cathay.
Theo Nikkei Asia, Reuters
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hang-khong-quoc-doanh-trung-quoc-tiep-tuc-lo-nang/