Hạn chế mua bán vàng bằng tiền mặt để chống rửa tiền
Giới chuyên gia cho rằng đề xuất hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong mua bán vàng là để phòng chống rửa tiền.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM kiến nghị sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng với cơ chế quản lý phù hợp, hiệu quả tránh tạo ra độc quyền và lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá.
Trong bối cảnh giá vàng trong nước "một mình một chợ" với thế giới, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng cho phù hợp với bối cảnh hiện tại sau hơn chục năm nghị định có hiệu lực.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM đề xuất sửa Nghị định 24 theo hướng bảo đảm không để thị trường vàng tác động ảnh hưởng đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và mục tiêu chống USD hóa, vàng hóa.
Tuy nhiên, vàng là loại hàng hóa đặc biệt có quan hệ trực tiếp đến ngoại tệ và tiền đồng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM kiến nghị xem xét cơ chế quản lý phù hợp, hiệu quả tránh tạo ra độc quyền và lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá.
Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM cũng đề xuất xem xét, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và quy định hạn chế việc thanh toán mua bán vàng miếng bằng tiền mặt. Giải pháp này nhằm phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh vàng miếng của các đơn vị, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật và phòng chống hoạt động rửa tiền.
Cơ quan này cũng đề xuất quy định trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến quản lý thị trường vàng gồm cả vàng miếng và sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật thị trường cũng như kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu đầu vào và chất lượng sản phẩm...
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu ủng hộ đề xuất hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong mua bán vàng để phòng chống rửa tiền, Theo ông, vàng là một trong những kênh để rửa nguồn tiền bẩn. Những nguồn thu từ hoạt động trốn thuế, tham ô, phạm pháp khác... đều có thể sử dụng qua kênh vàng để rửa bởi giá trị lớn và không cần đứng tên sở hữu. Vàng được mua bằng tiền mặt, sau đó bán ra bằng hình thức chuyển khoản để hợp thức.
Vì vậy, khi mua vàng miếng thì cần chuyển khoản mà không chờ đến giá trị lên 400 triệu đồng mới thanh toán không dùng tiền mặt. Với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay thì không những vàng miếng mà những giao dịch vàng khác cũng nên thực hiện chuyển khoản.
"Quy định hạn chế thanh toán bằng tiền mặt khi mua bán vàng sẽ không làm cho thị trường vàng trầm lắng nhưng sẽ tác động đến giới kinh doanh vàng bởi từ trước đến nay, các đơn vị kinh doanh vàng sử dụng tiền mặt nhiều để tránh cơ quan thuế nắm doanh thu, giảm số thuế phải đóng. Ngoài ra, tiệm vàng còn có hoạt động mua bán ngoại tệ, nhiều nơi là trái phép nên nếu áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thì sẽ khó khăn. Những giao dịch qua ngân hàng sẽ sàng lọc, đặc biệt giúp cho hoạt động phòng chống rửa tiền tốt hơn", ông Hiếu nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS Nguyễn Thế Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, cho biết theo quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền hiện hành, các giao dịch trên 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
"Chủ trương của Chính phủ cũng là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Tôi nghĩ hành lang pháp lý đã có, vàng cũng không thể là mặt hàng ngoại lệ. Do vậy, đề xuất nói trên cũng không tác động nhiều đến thị trường vàng", ông Hùng nói. Theo ông, điểm quan trọng khi sửa đổi Nghị định 24 là phải bỏ được độc quyền vàng miếng. Việt Nam duy trì việc độc quyền sẽ vẫn dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về giá vàng.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng nếu giống các nước trên thế giới, coi vàng là một loại hàng hóa thì Ngân hàng Nhà nước không quản lý trực tiếp thị trường vàng nữa. Gốc vấn đề ở đây vẫn là hướng tới một thị trường mà người dân không còn muốn tích trữ vàng miếng.
Hiện Nghị định 24 quy định Ngân hàng Nhà nước quản lý hoạt động xuất nhập khẩu vàng miếng, tuy nhiên từ năm 2014 lại không cấp phép nhập khẩu vàng về để sản xuất vàng miếng khiến nguồn cung vàng nguyên liệu bị hạn chế. Từ đó, đẩy giá vàng SJC có thời điểm cao hơn đến 20 triệu đồng/lượng so với các thương hiệu khác.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần sửa đổi Nghị định 24 theo hướng tăng nguồn cung và bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, nhất là cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang vàng trong nước khỏi thu gom hàng trôi nổi.
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, Nghị định 24 quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền vàng miếng, còn vàng trang sức, mỹ nghệ thuộc thị trường, do các cơ quan chức năng quản lý. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá lại vai trò hiện nay của Nghị định 24 để xem còn hiệu quả hay không.
“Nhiều chuyên gia cũng cho rằng đã đến lúc xem xét lại vàng miếng SJC so với những loại vàng khác, thương hiệu khác. Mục tiêu cuối cùng phải đạt được là quản lý thị trường vàng để không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và đảm bảo quyền lợi của 100 triệu người dân", Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Sáng nay (17.3), giá vàng trong nước đồng loạt giảm. Giá vàng SJC về mức 81,7 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn tròn trơn 68,8 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 2,5 triệu đồng/lượng. Doanh nghiệp vàng giảm tới nửa triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giữ nguyên giá ở chiều bán ra cho thấy, doanh nghiệp ít nhu cầu mua vào. Người mua vàng tại thời điểm này tiềm ẩn rủi ro bởi chênh lệch mua vào - bán ra ở mức cao.