Hai cường quốc BRICS sắp nói không với hệ thống SWIFT của phương Tây
Nga và Trung Quốc - hai thành viên chủ chốt của BRICS, đang tăng tốc thực hiện kế hoạch chuyển dịch khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Moscow và Bắc Kinh đã và đang phát triển hệ thống thanh toán xuyên biên giới mà không cần sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT của phương Tây, Ủy viên Quyền Kinh doanh của Tổng thống Nga, ông Boris Titov, nói với đài RT hôm 3/6.
Thông báo về kết quả của hội nghị quốc tế “Nga và Trung Quốc: Hợp tác trong kỷ nguyên mới” được tổ chức tại Moscow vào tuần trước, ông Titov cho biết, hai nước đã tăng tốc nỗ lực chuyển từ SWIFT sang giao dịch bằng tiền tệ quốc gia tương ứng.
“Nhiều ngân hàng của Nga và Trung Quốc đã thay thế SWIFT bằng hệ thống CIPS của Bắc Kinh” - ông Titov nói với hãng tin Tass, đồng thời nhấn mạnh rằng việc sử dụng hệ thống của Trung Quốc để thanh toán bằng nhân dân tệ sẽ tiếp tục được mở rộng.
Theo ông Titov, quyết định chuyển sang chủ yếu sử dụng đồng ruble và nhân dân tệ trong các giao dịch đã thúc đẩy mạnh mẽ thương mại Nga - Trung. Kim ngạch thương mại song phương trong năm 2023 đạt 240 tỷ USD, trong đó nhập khẩu của Nga từ Trung Quốc tăng gần 47% lên 111 tỷ USD và xuất khẩu sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 12,7% lên 129 tỷ USD.
Moscow đã và đang quảng bá hệ thống thanh toán nội địa của mình như một giải pháp thay thế cho SWIFT do nhiều ngân hàng của Nga đã bị ngắt kết nối khỏi mạng lưới tài chính phương Tây vào năm 2022.
Hệ thống thanh toán liên ngân hàng SPFS của Nga được thành lập vào năm 2014 và có chức năng giống như SWIFT. Năm 2017, hệ thống SPFS bắt đầu hoạt động hoàn chỉnh, truyền tải thông báo về các giao dịch bằng bất kỳ loại tiền tệ nào.
Ban đầu, SPFS chỉ dành cho người dùng ở Nga. Đến tháng 2/2022, hơn 20 ngân hàng Belarus, tổ chức tín dụng từ Armenia, Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Cuba và các quốc gia khác đã tham gia hệ thống này.
Hồi tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nga công bố báo cáo cho biết SPFS có 557 khách hàng tham gia từ 20 quốc gia tính đến cuối năm 2023.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần kêu gọi thành lập các nền tảng tài chính mới, độc lập cho các hoạt động thanh toán quốc tế, nhấn mạnh nền kinh tế toàn cầu cần rộng mở hơn và không thiên vị hơn.
Nhóm các nền kinh tế BRICS đang dẫn đầu chương trình nghị sự phi USD hóa trên toàn cầu. BRICS thuyết phục các quốc gia đang phát triển loại bỏ đồng USD và giao dịch bằng đồng nội tệ để củng cố nền kinh tế bản địa.
BRICS hiện gồm 10 thành viên: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Các nước thành viên đang xem xét việc hình thành đồng tiền chung BRICS để thay thế đồng USD.
Hiện tại, kế hoạch đầy tham vọng này đang có những tiến triển khi đồng tiền chung BRICS có thể sẵn sàng trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi tài chính toàn cầu vào năm 2024, theo trang Watcher.guru.
Trong tháng này, các thành viên BRICS là Nga và Iran tuyên bố sẽ bắt đầu sử dụng đồng tiền BRICS ngay trong ngày ra mắt và loại bỏ đồng USD trong giao dịch. Hiện cả Moscow và Tehran đều đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Mỹ, vì vậy hai nước này mong muốn giảm phụ thuộc đồng USD.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 31/5 cho biết, các bộ trưởng Ngoại giao BRICS sẽ tiếp tục nỗ lực để thiết lập một cơ chế tài chính riêng của nhóm không phụ thuộc vào phương Tây.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, các nước BRICS đặt mục tiêu xây dựng một cơ chế tài chính riêng để phát triển kinh tế trong bối cảnh đối mặt nhiều thách thức địa chính trị toàn cầu.
Trong khi đó, các nước G7 và Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận cách nhắm mục tiêu vào các ngân hàng của những nước thứ 3 được cho là giúp Nga lách các biện pháp trừng phạt.
Bloomberg tuần trước đưa tin, các biện pháp trừng phạt sẽ nhắm vào các tổ chức tài chính của nước thứ 3 sử dụng hệ thống SPFS của Nga.
Các cuộc thảo luận đang diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6, trong đó "một loạt biện pháp nhằm thực thi tốt hơn các biện pháp trừng phạt Nga" sẽ được xem xét.
EU cũng đang soạn thảo một gói trừng phạt mới với Nga, trong đó cũng bao gồm lệnh cấm các quốc gia thành viên sử dụng hệ thống SPFS.