Hà Nội xây dựng mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn
Mô hình du lịch nông nghiệp và nông thôn tại Hà Nội mở ra hướng phát triển mới cho ngành du lịch, đồng thời là giải pháp bền vững nhằm bảo tồn văn hóa, nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương.
Trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ, các giá trị văn hóa và tự nhiên tại các vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội đang trở thành nguồn tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch. Mô hình thí điểm phát triển du lịch nông nghiệp và nông thôn được kỳ vọng sẽ khai thác triệt để tiềm năng này, đồng thời tạo thêm nguồn thu nhập bền vững cho người dân địa phương.
Hà Nội hiện tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với di sản và làng nghề truyền thống. Tiêu biểu là tuyến du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội," kết nối các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên với các giá trị di tích và làng nghề độc đáo.
Ở huyện Mỹ Đức, xã An Phú đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa dân tộc thiểu số, trong khi xã Tích Giang (Phúc Thọ) trở thành điểm sáng về du lịch nông thôn với các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp và đời sống làng quê.
Ngoài ra, Hà Nội còn tổ chức khảo sát và triển khai các dự án tại nhiều địa phương khác như Xuân Giang (Sóc Sơn), Đông Xuân (Quốc Oai), và Cộng Hòa (Quốc Oai).
Theo Thạc sỹ Vũ Thị Thanh Như, Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, khi phát triển loại hình du lịch này cần lưu ý đến tính thời vụ của sản phẩm nông nghiệp, nông thôn để từ đó có chính sách đầu tư phù hợp. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần phải tăng cường giám sát các điểm du lịch để bảo đảm hoat động du lịch diễn ra suôn sẻ, chất lượng. Các địa phương khi phát triển loại hình này cần xây dựng hệ thống nhà vệ sinh, môi trường bảo đảm cho du khách…
Để nói về sự phát triển của du lịch nông nghiệp và nông thôn không thể không nhắc đến sự cải thiện về hạ tầng và dịch vụ. Theo đó, Hà Nội đã tổ chức các khóa tập huấn về tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13259:2020 cho các điểm du lịch cộng đồng, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng. Các chương trình tập huấn thực địa tại các điểm du lịch như bản Miền (Ba Vì) cũng góp phần nâng cao năng lực quản lý và vận hành cho người dân địa phương.
Các loại hình du lịch mới cũng được phát triển dựa trên thế mạnh của từng địa phương. Chẳng hạn, Sóc Sơn được định hướng trở thành trung tâm du lịch thể thao, Ba Vì tập trung vào du lịch chăm sóc sức khỏe, khu vực sông Hồng triển khai mạnh du lịch đường sông kết nối các điểm đến như Chương Dương Độ, Bát Tràng, và đền Chử Đồng Tử…
Bên cạnh đó, Hà Nội đang tích cực ứng dụng công nghệ số trong quảng bá du lịch, từ việc chuẩn hóa và dịch bài thuyết minh điểm đến sang năm ngôn ngữ (Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn) đến xây dựng hệ thống số hóa thông tin du lịch bằng giao diện ảnh 360 độ, 3D. Các biển chỉ dẫn và pano quảng bá tại các điểm đến trọng yếu như sân bay Nội Bài hay hồ Hoàn Kiếm được duy trì, tạo ấn tượng mạnh mẽ cho du khách.
Đặc biệt, việc tích hợp truyền thông trên các nền tảng số như Facebook, YouTube, và TikTok đã giúp hình ảnh du lịch Hà Nội tiếp cận hiệu quả với các nhóm khách hàng trẻ và quốc tế. Đồng thời, ngành du lịch cũng chú trọng sản xuất các ấn phẩm quảng bá đặc sắc và sản phẩm quà tặng mang đậm nét văn hóa Thủ đô, tạo dấu ấn riêng cho du khách.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết:, hết 11 tháng năm 2024, Hà Nội đón khoảng 25,33 triệu lượt khách, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt 5,67 triệu lượt, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm, tăng 35,8%. Lượt khách nội địa đạt 19,66 triệu, tăng 6,3%. Tổng thu từ khách du lịch ước tính đạt gần 100.000 tỷ đồng, tăng 17,8%.
“Những kết quả này là thành quả của các giải pháp đồng bộ được triển khai ngay từ đầu năm. Sở Du lịch Hà Nội đã chú trọng đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, và mở rộng quy mô quảng bá, nhắm đến cả thị trường nội địa và quốc tế”, bà Giang cho hay.
Trong tháng cuối năm 2024, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu cho Thành ủy và UBND Thành phố về các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đặc biệt là quần thể Hương Sơn (Mỹ Đức). Các kế hoạch điều tra tài nguyên du lịch cũng đang được triển khai nhằm xác định rõ tiềm năng và định hướng phát triển dài hạn cho từng khu vực.