Trong 7 tuyến đường được điều chỉnh kích thước về hè, dải phân cách, tổ chức giao thông có trục đường Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu ...
Nằm trên trục tuyến buýt nhanh BRT, tuyến giao thông xuyên tâm tập trung các phương tiện ra vào, lưu lượng các phương tiện tăng cao đặc biệt vào các khung giờ cao điểm gây ra tình trạng ùn ứ giao thông.
Trước thông tin tuyến đường sắp được mở rộng, không ít người dân tỏ ra đồng tình.
Đây không phải lần đầu tiên thành phố lựa chọn phương án xén vỉa hè, dải phân cách. Năm 2022, do việc thi công dự án xử lý nước thải Yên Xá, quây rào tôn trên đường Nguyễn Xiển, Hà Nội thu hẹp 2/3 mặt đường đã gây ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.
Để khắc phục, từ đầu năm 2023 giải phân cách đường Nguyễn Xiển nằm phía bên dưới vành đai 3 đã được thiết kế thi công lại, để mở thêm một làn đường mới. Qua đó, giảm tình trạng hỗn loạn giao thông.
Theo các chuyên gia, việc mở rộng đường phù hợp với tình trạng gia tăng phương tiện chóng mặt như hiện nay.
Thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc xén vỉa hè, giải phân cách giúp mở rộng lòng đường chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần có giải pháp tổng thể khi các quỹ đất dự phòng đã hết.
Theo Sở giao thông vận tải Hà Nội, việc cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông cấp bách ở một số nút giao, tuyến đường sẽ nâng cao năng lực thông hành của tuyến đường, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, tiết kiệm thời gian và kinh phí.
Thế nhưng, với việc phương tiện giao thông đang gia tăng như hiện nay, vẫn cần những giải pháp căn cơ hơn nữa.
P.V