Hà Nội: Số ca mắc tay chân miệng tăng gấp đôi sau 1 tuần

Số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn Hà Nội trong tuần qua đã tăng gấp đôi so với những tuần cuối tháng 8 và đầu tháng 9-2023. Dự báo, trong thời gian tới, số ca mắc tay chân miệng có thể tiếp tục tăng.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9-2023, trung bình mỗi tuần, trên địa bàn thành phố ghi nhận 70-75 ca mắc tay chân miệng. Thế nhưng, trong 2 tuần gần đây, số ca mắc đã tăng gấp đôi với khoảng 140 ca/tuần.

Riêng trong tuần (từ ngày 22 đến 29-9), thành phố có 141 ca mắc tay chân miệng và 3 ổ dịch (gồm 2 ổ dịch tại Ba Vì và 1 ổ dịch tại Sóc Sơn). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần qua là Sóc Sơn (24 ca), Hoàng Mai (17 ca), Mê Linh (14 ca), Nam Từ Liêm (13 ca), Đông Anh (10 ca), Đống Đa (8 ca), Thanh Xuân (8 ca).

Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi trung ương

Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi trung ương

Như vậy, trong 9 tháng năm 2023, Hà Nội ghi nhận 1.798 ca mắc tay chân miệng (tăng 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong. Ngoài ra, thành phố cũng ghi nhận 43 ổ dịch tay chân miệng trong 9 tháng và còn 3 ổ dịch đang hoạt động.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, trong tuần qua, số mắc tay chân miệng đã tăng so với các tuần trước, tuy nhiên hầu hết là ca tản phát, không ghi nhận ổ dịch phức tạp. Thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè sẽ khiến số ca tay chân miệng có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia y tế, tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do nhóm vi rút đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus type 71. Trong đó, Enterovirus type 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có đến 90% là ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi.

Theo các chuyên gia y tế, vi rút gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan rất nhanh, truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng, qua các chất tiết từ mũi, miệng, phân hay nước bọt của trẻ bệnh. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Cách điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc bệnh nhân tại nhà và sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù đủ nước cho cơ thể theo hướng dẫn của bác sĩ.

Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi trung ương cũng lưu ý, khi trẻ có tổn thương ở da đi kèm hoặc không kèm sốt có thể chăm sóc trẻ tại nhà. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ có các biểu hiện sau cần kịp thời nhập viện điều trị: Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; Mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ…; Giật mình nhiều (từ trên 2 lần trong 30 phút); Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân; Thở nhanh, thở bất thường (ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè...); Run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.

Để phòng, chống dịch bệnh trong trường học, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế thành phố chỉ đạo các trường học tăng cường công tác vệ sinh môi trường; truyền thông nâng cao kiến thức phòng, chống dịch bệnh.

Riêng đối với khối trường mầm non, tiểu học cần tăng cường vệ sinh lớp học, đồ chơi, khăn mặt của học sinh để phòng, chống bệnh tay chân miệng...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-so-ca-mac-tay-chan-mieng-da-tang-gap-doi-643781.html