Hà Nội phải có những bước đi, giải pháp đột phá, tạo chuyển biến căn bản

(ĐCSVN – 'Thành phố Hà Nội không thể chủ quan, thỏa mãn và cũng còn rất nhiều việc phải làm, phải có những bước đi, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá, tạo chuyển biến căn bản và kết quả cao hơn nữa; không chỉ so với bình quân chung quốc gia, mà phải so sánh với các địa phương khác đang dẫn đầu cả nước và tư duy cạnh tranh quốc tế trong thời gian tới'.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp.

Đó là nhấn mạnh của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội khi tham dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội khóa XVI diễn ra sáng 3/7.

Hoạt động theo hướng ngày càng thực chất, chuyên nghiệp, hiệu quả

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá rất cao quyết tâm chính trị, nỗ lực phấn đấu của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các cấp, các ngành, quân và dân Thủ đô đã đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi và tăng trưởng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ bình quân GRDP đạt 5,97%, cao hơn 1,6 lần so với mức bình quân của cả nước. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện là 220.121 tỷ đồng, đạt 62,4% dự toán năm, tăng 22,9% so với cùng kỳ. Du lịch phục hồi mạnh, khách du lịch quốc tế tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt gần 2,27 tỷ USD, vượt kết quả của cả năm 2022…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong những thành tựu chung đó, có sự nỗ lực quyết tâm lớn và đóng góp rất quan trọng của HĐND TP Hà Nội. “Thời gian qua đã có một "làn gió tươi mới" trong kết quả hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố, mà Thủ đô Hà Nội là một ví dụ tiêu biểu, điển hình”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định.

Theo Chủ tịch Quốc hội, HĐND TP đã bám sát, kịp thời quán triệt, thể chế hóa và tổ chức tốt việc thực hiện các chủ trương, chính sách Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII; các luật, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ…

Nét tiêu biểu, điển hình hoạt động của HĐND TP có nhiều đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng ngày càng thực chất, chuyên nghiệp, hiệu quả.

Với phương châm “sâu sát, quyết liệt, thực chất, hiệu quả”, HĐND TP đã ban hành Kế hoạch định hướng xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật nhiệm kỳ 2021-2026 và hằng năm theo tinh thần Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND đã ban hành 110 nghị quyết, trong đó có 41 nghị quyết quy phạm pháp luật. Hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND TP ngày càng đi vào chiều sâu; chất lượng thẩm tra được nâng lên...

Hoạt động giám sát được đổi mới theo hướng tăng cường giám sát chuyên đề đối với các vấn đề được dư luận quan tâm; tăng giải trình, làm rõ vấn đề phức tạp, bất cập; tăng cường giám sát của các Ban, Tổ đại biểu HĐND TP, bảo đảm thực chất, định rõ kết quả, trách nhiệm, linh hoạt, hiệu lực, hiệu quả, ngày càng công khai, minh bạch hơn, huy động được sự vào cuộc của MTTQ Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội, các cấp, các ngành, các chuyên gia, nhà khoa học… đối với cả hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn cũng như các hoạt động giám sát khác…

Các kỳ họp HĐND được tổ chức hợp lý, khoa học, bảo đảm kịp thời, thực chất và hiệu quả; Tiếp tục có nhiều cải tiến như: Nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng, “từ sớm, từ xa”; Giảm thời gian đọc báo cáo, tăng thời gian chất vấn, thảo luận; Công tác điều hành linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, phát huy cao nhất tâm huyết, trí tuệ, kinh nghiệm của đại biểu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về phía Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn quan tâm, duy trì mối quan hệ chặt chẽ với HĐND các tỉnh, thành phố nói chung và TP Hà Nội nói riêng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối của nhiệm kỳ. Thành phố Hà Nội không thể chủ quan, thỏa mãn và cũng còn rất nhiều việc phải làm, phải có những bước đi, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá, tạo chuyển biến căn bản và kết quả cao hơn nữa; không chỉ so với bình quân chung quốc gia, mà phải so sánh với các địa phương khác đang dẫn đầu cả nước và tư duy cạnh tranh quốc tế trong thời gian tới.

Quốc hội cũng đã quyết định bổ sung dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 (dự kiến cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7) nhằm tạo nền tảng, cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội có bước phát triển mới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu dự Kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu dự Kỳ họp.

Thực sự là “điểm sáng”, “hình mẫu” trong tổ chức hoạt động của HĐND

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm TP Hà Nội cần thực hiện thời gian tới. Cụ thể, cần tiếp tục bám sát quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa, tổ chức tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, của Đảng bộ TP và Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị để cụ thể hóa, thể chế hóa thành Chương trình, Kế hoạch, Đề án, Nghị quyết của HĐND TP trong từng lĩnh vực.

Cùng với đó, Hà Nội cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND để TP thực sự là “điểm sáng”, “hình mẫu” trong tổ chức hoạt động của HĐND các tỉnh, TP cả nước; chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu lực của HĐND, Thường trực HDNĐ, các Ban, Tổ, đại biểu HĐND TP và các cấp trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương; giám sát việc thi hành pháp luật, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, thành phố và cấp dưới theo đúng quy định của pháp luật....

Để các Nghị quyết của HĐND TP thông qua tại Kỳ họp này sớm đi vào cuộc sống, được thực hiện nhất quán, kịp thời và phát huy hiệu lực, hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực HĐND TP phối hợp với UBND, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tổ chức hội nghị hoặc hình thức phù hợp nhằm quán triệt và triển khai các Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này và đưa nội dung này thành hoạt động định kỳ sau mỗi kỳ họp của HĐND.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần sơ kết, tổng kết rút ra các bài học kinh nghiệm, phát huy kết quả, thành tích đạt được trong nửa nhiệm kỳ để nhân rộng và có giải pháp khắc phục hiệu quả các tồn tại, hạn chế; Bám sát các yêu cầu thực tiễn xây dựng và phát triển Thủ đô; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, chia sẻ học tập kinh nghiệm với các cơ quan, tổ chức hữu quan của thành phố, các cơ quan Trung ương và các địa phương… để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ.

Thành phố Hà Nội nói chung, HĐND TP Hà Nội nói riêng cần phát huy truyền thống đoàn kết, nêu gương, có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, hiệu quả trong việc thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV để hoàn thành cao nhất, vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và kế hoạch công tác năm 2023, góp phần xứng đáng để cùng cả nước phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2023. Hà Nội cần tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc đã được chỉ rõ, tiếp tục hoàn thiện thể chế để kiến tạo phát triển Thủ đô; Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng của TP như: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Xây dựng hệ thống đường giao thông và các tuyến đường sắt đô thị (Nhổn - Ga Hà Nội; Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), Đề án về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030...

Thành phố cần khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch theo quy định tại Luật Quy hoạch và Nghị quyết của Quốc hội; tập trung triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt và vẫn còn có hiệu lực, nhất là sớm hiện thực hóa các quy hoạch các phân khu sông Hồng để thay đổi căn bản diện mạo Thủ đô, tạo động lực đột phá phát triển Thủ đô.

Tổ chức thật tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính công chức, công vụ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc thay thế kịp thời các cán bộ công chức đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là người đứng đầu đơn vị, cơ quan, tổ chức…

 Quang cảnh Kỳ họp.

Quang cảnh Kỳ họp.

Trên cơ cở đó, tổ chức thật tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Hội đồng Nhân dân bầu, phê chuẩn theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, bảo đảm việc lấy phiếu tín nhiệm duy nhất trong nhiệm kỳ nghiêm túc, không hình thức và đánh giá đúng về uy tín, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ.

"Đây cũng là một cơ sở quan trọng trong soát xét tổng thể phương hướng nhân sự đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026 - 2031 và tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch đại biểu chuyên trách nhằm xây dựng đội ngũ đại biểu kế cận thật sự coi trọng chất lượng với cơ cấu phù hợp"- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Hà Nội tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về “thí điểm mô hình chính quyền đô thị”; về “thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân hàng đặc thù đối với TP Hà Nội”; “Thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội”…

Thực hiện ba khâu đột phá, kinh tế Thủ đô tăng trưởng gấp 1,6 lần cả nước

Cũng trong phiên khai mạc kỳ họp sáng nay, các đại biểu được nghe Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KTXH); thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.

Theo đó, từ đầu năm 2023, Thành phố đã tập trung chỉ đạo 3 khâu đột phá. Khâu đột phá thứ nhất về phát triển hạ tầng KTXH, nhất là các công trình về giao thông, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích lịch sử được đẩy mạnh; dự kiến hoàn thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội; khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội…

Khâu đột phá thứ hai về xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô được chú trọng; đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Dự thảo tổng kết thực hiện Luật Thủ đô và đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô... Xây dựng và triển khai thực hiện phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn.

Khâu đột phá thứ ba về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đẩy mạnh; Đào tạo lao động, hỗ trợ học nghề được tăng cường; Đào tạo lao động - một chỉ số thành phần của PCI luôn duy trì trong top 5 của cả nước.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trình bày báo cáo tại Kỳ họp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trình bày báo cáo tại Kỳ họp.

Qua đó, bức tranh KTXH Thủ đô có một số điểm nổi bật: Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm là 220.121 tỷ đồng, đạt 62,4% dự toán, bằng 122,9% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 39.769 tỷ đồng, đạt 37,8% dự toán, bằng 126,8% so với cùng kỳ, trong đó: Chi đầu tư phát triển là 15.930 tỷ đồng, đạt 33,9% dự toán. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát; Bình quân 6 tháng tăng 1,22% - thấp hơn cùng kỳ là 3,25%, thấp hơn cả nước là 3,29% và đạt mục tiêu đề ra là dưới 4,5%.

Tăng trưởng GRDP được duy trì, đạt gấp 1,6 lần mức tăng cả nước. GRDP 6 tháng đầu năm tăng 5,97% - là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng kép từ sự mất cân đối cung - cầu do xung đột vũ trang Nga - Ukraine và từ tác động chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia… Du lịch và vận tải hành khách phục hồi mạnh; Tổng khách du lịch tăng 42%, khách quốc tế tăng 7 lần. Số lượt hành khách vận chuyển tăng 25,1%.Thu hút vốn FDI 6 tháng đầu năm đạt 2.265 triệu USD, dẫn đầu cả nước và vượt kết quả năm 2022; Doanh nghiệp tiếp tục phát triển với 15.618 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5%.

Các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội phục hồi mạnh sau đại dịch COVID-19. Đoàn thể thao Hà Nội tham dự SEA Games 32 đạt thành tích ấn tượng với 99 huy chương - gần 1/3 tổng số huy chương toàn đoàn Việt Nam. Chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục giữ vững. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn TP đạt 58,7%; trong đó, trường công lập đạt 72,3%.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế như: Kim ngạch xuất, nhập khẩu suy giảm. GRDP, sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, vận tải hàng hóa duy trì tăng khá, tuy nhiên mức tăng đạt thấp hơn cùng kỳ và kịch bản đề ra. Doanh nghiệp còn khó khăn…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, để đảm bảo tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô, kiểm soát lạm phát, Thành phố tiếp tục củng cố, phát huy các động lực tăng trưởng; Kiên định mục tiêu đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH...

Thành phố cũng cần đẩy mạnh thực hiện dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhất là các công trình trọng điểm (đường Vành đai 4; Các dự án thuộc kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, tôn tạo di tích…); Tăng trách nhiệm người đứng đầu; Đưa kết quả giải ngân thành một tiêu chí để đánh giá thi đua năm 2023...

Bên cạnh đó, Thành phố thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa; Đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực; trình duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thực hiện nhiệm vụ đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; hoàn thiện, trình phê duyệt một số quy hoạch đô thị vệ tinh, quy hoạch vùng huyện…

Chiều nay, các đại biểu HĐND TP Hà Nội tiếp tục làm việc, thảo luận tại tổ về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội./.

Thu Hà

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/ha-noi-phai-co-nhung-buoc-di-giai-phap-dot-pha-tao-chuyen-bien-can-ban-641043.html