Hà Nội: Đáp ứng nhu cầu nhà ở để người lao động 'an cư, lạc nghiệp'

Sáng 23/5, tại Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Hà Nội), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2024.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đối thoại với công nhân, người lao động Thủ đô năm 2024

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đối thoại với công nhân, người lao động Thủ đô năm 2024

Người lao động "an cư mới lạc nghiệp"

Mở đầu buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: “Tôi muốn lắng nghe trực tiếp ý kiến của CNLĐ một cách cởi mở, thẳng thắn, dân chủ, phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của mình trên mục tiêu chung “năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn" - làm sao để chính quyền thành phố có thể tạo điều kiện tốt hơn, hỗ trợ nhiều hơn cho công nhân, người lao động Thủ đô trong thời gian tới”.

Tại buổi đối thoại, người lao động đã chia sẻ, kiến nghị những vấn đề thiết thực liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chăm sóc sức khỏe, y tế, bảo hiểm xã hội, an toàn thực phẩm; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề...

Phản ánh việc sau các dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị Đặng Xá thì huyện Gia Lâm không còn dự án nhà ở xã hội nào được xây dựng; ở các khu công nghiệp, nhiều công nhân, vợ chồng trẻ, phải đi thuê nhà trọ... ông Nguyễn Văn Nam (Công ty Cổ phần Hãng sơn Đông Á) kiến nghị thành phố xem xét có thêm các dự án nhà ở xã hội và các chính sách hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.

Ông Phan Chí Thành (Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội) kiến nghị thành phố ban hành các cơ chế, chính sách giải quyết vướng mắc xoay quanh câu chuyện thủ tục đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân lao động.

Buổi đối thoại đã có 24 kiến nghị của công nhân, người lao động trực tiếp đến lãnh đạo Thành phố

Buổi đối thoại đã có 24 kiến nghị của công nhân, người lao động trực tiếp đến lãnh đạo Thành phố

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong trả lời: Thành phố hiện có 58 dự án phát triển nhà ở xã hội, dự kiến sẽ cung cấp khoảng 60 nghìn căn hộ nhà ở xã hội.

Riêng tại Gia Lâm, thành phố đang triển khai 1 dự án nhà ở xã hội ở Cổ Bi với quy mô 22ha đang trình phê duyệt. Sau khi phê duyệt, sẽ được triển khai đưa vào phục vụ công nhân lao động... Thành phố cũng tạo điều kiện để người lao động mua nhà ở xã hội, trả tiền linh hoạt, ưu đãi, còn vấn đề vay vốn sẽ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội...

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, nhà ở là vấn đề quan trọng đối với mỗi người lao động bởi “an cư mới lạc nghiệp”. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân lao động.

“Tuy nhiên, Hà Nội triển khai việc này còn chậm, xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong bối cảnh, mọi thủ tục, quy trình như thủ tục đầu tư, thủ tục thuê mua nhà đều được các cơ quan, ban, ngành triển khai rất thận trọng. Việc triển khai chậm là lỗi của thành phố, của sở, ban, ngành, trong đó cả cả quận, huyện, thị xã…

Nhu cầu của công nhân lao động còn cách xa so với cung ứng của thành phố. UBND TP yêu cầu Sở Xây dựng cùng với sở, ban, ngành khác phải xử lý công việc với tinh thần nhanh nhất, quyết liệt để có quỹ nhà cung ứng cho công nhân lao động.

Trong năm 2024 và thời gian còn lại của nhiệm kỳ, phải khởi công được các khu nhà ở xã hội theo đúng quy hoạch. Các sở, ban, ngành phải xác định đây là món nợ với người lao động”, Chủ tịch UBND TP khẳng định.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trả lời các vấn đề người lao động quan tâm

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trả lời các vấn đề người lao động quan tâm

Không nên rút bảo hiểm xã hội một lần

Công nhân, người lao động cũng phản ánh đến Chủ tịch UBND TP loạt vấn đề như: lối vào Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai giao thông khó khăn; Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai có hạ tầng giao thông với lối ra Đại lộ Thăng Long nhưng lối này bị chặn lại, hơn 10.000 người chỉ có thể vào qua đường 419, gây áp lực giao thông lớn…

Các đơn vị đã trả lời và cam kết khắc phục tồn tại. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu BQL các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội hỗ trợ tối đa cho người lao động ra vào và đến nơi làm việc. Các đơn vị phải phối hợp giải quyết triệt để các kiến nghị, không được đùn đẩy trách nhiệm.

Chia sẻ thêm với người lao động, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, rút bảo hiểm xã hội một lần là không nên. Hiện nay, có nhiều nhóm người phải làm việc đến cuối đời mà không có lương hưu, không tham gia bảo hiểm xã hội hoặc có tham gia bảo hiểm xã hội nhưng rút ra và dừng lại.

“Đó là thiệt thòi và xã hội văn minh thì không nên có tình trạng đó. Những người rút bảo hiểm xã hội một lần có thể giải quyết được khó khăn trước mắt nhưng trong trường hợp không may, khi về già họ lại thành gánh nặng cho con cháu, lao động mà không có lương hưu, tự mình rời bỏ an sinh, ý nghĩa tốt đẹp của bảo hiểm xã hội”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin thêm, thời gian qua, Quốc hội rất quan tâm đến vấn đề này, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cũng sẽ có những điều chỉnh để Luật chặt chẽ hơn, tối ưu nhất chính sách cho người lao động. Các cơ quan cũng cần tăng cường truyền thông để người lao động hiểu rõ, có thêm nhận thức về lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tặng quà công nhân, người lao động

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tặng quà công nhân, người lao động

Phải rõ kết quả, có chuyển biến

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khái quát: “Sau hơn 3 tiếng, đã có 24 kiến nghị của công nhân, người lao động trực tiếp đến lãnh đạo Thành phố. Những ý kiến rất sát với thực tế đời sống, chính quyền lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của anh chị em công nhân...

Các sở, ban, ngành phải khẩn trương tiếp tục tháo gỡ khó khăn. "Cái gì làm ngay thì phải xác định được thời gian, cái gì cần nghiên cứu thì phải có lộ trình, rõ quan điểm, cách làm”, Chủ tịch UBND TP nhắc nhở.

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu: “Giải quyết vướng mắc của người lao động phải nhìn thấy kết quả, đong đếm, nhìn thấy được và phải có chuyển biến”.

Tại Hội nghị, UBND TP đã trao 50 suất quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà gồm 1 triệu đồng tiền mặt và quà trị giá 350 ngàn đồng.

Đại tá Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc CATP Hà Nội trả lời các vấn đề người lao động quan tâm

Tại buổi đối thoại, Đại tá Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc CATP đã trả lời những phản ánh, kiến nghị của người lao động. Theo Phó Giám đốc CATP, tình trạng lừa đảo qua không gian mạng và tín dụng đen hiện nay tiềm ẩn nhiều phức tạp. Các đối tượng phạm tội thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân để lừa đảo. Dù đã tuyên truyền nhiều nhưng không ít người dân vẫn bị lừa. Trong thời gian qua, CATP đã tập trung lực lượng để xử lý các vụ vi phạm, bắt giữ 19 vụ liên quan đến tín dụng đen.

"Chúng tôi khuyến nghị, ngoài công tác phòng ngừa thì rất cần sự hỗ trợ từ người lao động, phản ánh kịp thời các hiện tượng, vụ việc. Ngoài ra, các ban, ngành Thành phố phải cùng vào cuộc để ngăn ngừa. Chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện các chế định pháp luật với loại hình tội phạm này, bởi thế cần sự chung tay của các đơn vị", Đại tá Nguyễn Thành Long nói.

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với việc nhập khẩu cho trẻ mới sinh ở một số trường hợp, Phó Giám đốc CATP cho biết, hiện nay, vấn đề này đã được giải quyết. Ngày 17/11/2023, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 66/2023/TT-BCA (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024) sửa đổi, bổ sung một số điều trong các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Cư trú, có bổ sung nội dung: “Người đăng ký thường trú theo điều kiện quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 20 Luật Cư trú mà chỗ ở đăng ký thường trú là địa điểm quy định tại Điều 23 Luật Cư trú thì hồ sơ đăng ký thường trú không cần phải có ý kiến đồng ý của chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu”.

Như vậy, trẻ em mới sinh đăng ký thường trú theo cha, mẹ vẫn được giải quyết đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc địa điểm không được đăng ký thường trú mới quy định tại Điều 23 Luật Cư trú (như: Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều…; chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép,…; chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất…; chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ…) và hồ sơ đăng ký thường trú không cần phải có ý kiến đồng ý của chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ha-noi-dap-ung-nhu-cau-nha-o-de-nguoi-lao-dong-an-cu-lac-nghiep-post577259.antd