Hà Nội chủ động trước mùa mưa lũ

Thực hiện phương châm 'Phòng ngừa chủ động-ứng phó kịp thời-khắc phục khẩn trương và hiệu quả', trong đó lấy phòng là chính, năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội đã chủ động tham mưu với UBND thành phố tăng cường công tác quản lý đê điều, duy tu bảo dưỡng hệ thống thủy lợi; chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động theo dõi tình hình thiên tai để có biện pháp ứng phó kịp thời theo phương châm '4 tại chỗ', sẵn sàng trước các tình huống...

Những năm qua, được TP Hà Nội quan tâm đầu tư nên các tuyến đê bảo đảm cao trình chống lũ thiết kế. Hằng năm, thành phố đã dành nguồn lực không nhỏ duy tu, nâng cấp hệ thống đê, kè, bảo đảm đủ sức chống chọi với mưa lũ. Năm 2022, tổng kinh phí đầu tư cho công tác tu bổ, nâng cấp công trình đê điều của Hà Nội là hơn 665 tỷ đồng.

Theo đồng chí Nguyễn Duy Du, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội), Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, qua kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê điều trước mùa mưa lũ năm 2023, phát hiện trên các tuyến đê hiện còn 146 vị trí với tổng chiều dài khoảng 31,6km cần phải theo dõi mạch đùn, mạch sủi; 38 vị trí với tổng chiều dài gần 197km đê có khả năng xuất hiện tổ mối; 45 vị trí với tổng chiều dài 29,8km đê sát sông, có diễn biến sạt lở, cần phải theo dõi và đầu tư xây dựng công trình khắc phục; 37 cống dưới đê bị hư hỏng, cần phải sửa chữa, hơn 30km kè bảo vệ đê sông bị sạt lở, cần sửa chữa...

Do vậy, mối quan tâm hàng đầu khi bước vào mùa mưa bão là việc duy tu, bảo dưỡng công trình đê điều và gấp rút thi công các công trình chống lũ. Từ thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các cống dưới đê, phát hiện cống yếu, cống bị hư hỏng để sửa chữa, lấp tạm thời hoặc vĩnh viễn các cống không bảo đảm an toàn. Đối với các cống xung yếu thì lập phương án bảo vệ, giao trách nhiệm cụ thể cho tổ chức, cá nhân chủ động chuẩn bị đủ các điều kiện theo phương châm “4 tại chỗ”.

Cơ quan chức năng TP Hà Nội kiểm tra Trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây) trước mùa mưa lũ.

Căn cứ chỉ thị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TP Hà Nội ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND, ngày 14-4-2023 về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023. Theo đó, các sở, ban, ngành của thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành tổng kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa đến an toàn đê; xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án hộ đê đối với từng tuyến đê, từng khu vực trọng điểm, điểm xung yếu.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội cũng phối hợp với Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội xây dựng phương án, sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có sự cố, thiên tai; tổ chức diễn tập phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, diễn tập phương án hộ đê, tập huấn cho các lực lượng tham gia công tác hộ đê (lực lượng xung kích, lực lượng tuần tra canh gác đê...). Đặc biệt, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thiên tai, sự cố để tham mưu kịp thời với UBND thành phố chỉ đạo ứng phó, khẩn trương khắc phục hậu quả, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản Nhà nước và nhân dân.

Là địa bàn vùng trũng thấp, thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ngập lụt vào mùa mưa lũ nên huyện Thanh Oai luôn phải chủ động lập kế hoạch, xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó. Đồng chí Bùi Văn Sáng, Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện Thanh Oai, chia sẻ: “Để chủ động trước mùa mưa lũ, huyện đã hiệp đồng cụ thể với các cơ quan chức năng, các đơn vị Quân đội, công an đứng chân trên địa bàn về bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm ngập lụt, các điểm xung yếu về đê, kè, đầm trên địa bàn, bảo đảm cơ động nhanh, thuận tiện trong triển khai đội hình, phù hợp với đặc thù nghiệp vụ của từng đơn vị. Mặt khác, chúng tôi cũng cập nhật, điều chỉnh bổ sung kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, đặc biệt là các phương án sản xuất nông nghiệp, phương án chống úng ngập, chống hạn, phương án hộ đê sát thực tế...”.

Bài và ảnh: HỮU THU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ha-noi-chu-dong-truoc-mua-mua-lu-730228