Hà Nội chăm lo chu đáo cho người có công

Chăm lo cho người có công với cách mạng và gia đình chính sách là trách nhiệm lớn lao, nghĩa tình sâu nặng.

Với mong muốn cuộc sống của người có công ngày càng tốt hơn, TP Hà Nội thực hiện tốt các quy định của Nhà nước đồng thời ban hành chính sách đặc thù riêng có của Thủ đô.

Hơn 343.500 suất quà tặng người có công

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước độc lập, thống nhất nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau thương. Những giọt nước mắt vẫn còn lăn dài trên má của những người mẹ vì “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”; những vết thương chiến tranh vẫn hàng ngày đau nhức, nhất là khi trái nắng, trở trời; di chứng cho chất độc màu da cam dày vò biết bao số phận...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh thăm, tặng quà thương binh, người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công Hà Nội. Ảnh: Thủy Tiên

Thấu hiểu và chia sẻ với những nỗi đau đó cũng như thực hiện lời dạy của Bác, 76 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa với người có công và thân nhân.

Những ngày này, cùng với các địa phương trong cả nước, TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân và chăm lo cho người có công. Hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023), từ tháng 4 đến tháng 7/2023, Hà Nội đã tổ chức 8 Đoàn đại biểu TP đi đến một số địa danh di tích lịch sử cách mạng và nghĩa trang liệt sĩ quốc gia có nhiều phần mộ liệt sĩ Hà Nội để tri ân và tưởng nhớ đến công lao của các anh hùng đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.

Về phía các quận, huyện cũng tích cực kêu gọi Nhân dân hưởng ứng cuộc vận động xây dựng, ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" của TP được trên 36 tỷ đồng, đạt 157,1%. Dù chưa hết đợt phát động nhưng nhiều quận, huyện đã hoàn thành chỉ tiêu, một số địa phương vận động số tiền vượt xa mức TP đề ra như huyện Thanh Trì vận động 1,6 tỷ đồng, đạt 320% kế hoạch; quận Ba Đình vận động 2,5 tỷ đồng, đạt 227,3% kế hoạch; quận Hà Đông vận động gần 1,7 tỷ đồng, đạt 170% kế hoạch…

Người có công và con liệt sĩ được đón vào Trung tâm nuôi dưỡng, sức khỏe đều được nâng lên do ăn uống đảm bảo chất dinh dưỡng, sinh hoạt điều độ, có cán bộ y tế chăm sóc hàng ngày, tập thể dục dưỡng sinh… giúp tinh thần thoải mái. Khi sức khỏe người có công được nâng lên đồng nghĩa với đẩy lùi bệnh tật. Từ đầu năm 2023, người có công được hỗ trợ 3 triệu đồng mỗi tháng thì khẩu phần ăn trong chế độ điều dưỡng cho người có công cũng được tăng thêm về chất lượng và dinh dưỡng.
Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công
số 2 Hà Nội Vũ Văn Trung

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, từ đầu tháng 7 đến nay, hoạt động thăm hỏi, tặng quà người có công và gia đình người có công được các cấp từ TP đến quận, huyện, xã, phường triển khai thực hiện. Các địa phương đã chi trả quà của Chủ tịch nước, TP Hà Nội tới đối tượng chính sách theo quy định đảm bảo kịp thời, chu đáo. Ngoài quà của TP, các quận, huyện, thị xã, cơ quan, đoàn thể còn có quà tặng đối tượng người có công.

Theo đó, dịp 27/7 năm nay, tính đến cuối ngày 26/7, Hà Nội đã trao 343.584 suất quà với số tiền trên 248,8 tỷ đồng được gửi tới người có công, tập thể, cá nhân tiêu biểu. Trong đó, quà của Chủ tịch nước 117.463 suất, số tiền gần 36 tỷ đồng; quà của TP 117.534 suất, số tiền trên 185,8 tỷ đồng; quà của cấp quận, huyện 7.183 suất, số tiền hơn 7,3 tỷ đồng; quà của cấp xã, phường 101.404 suất, số tiền trên 19,8 tỷ đồng.

Những ngày này, các Đoàn lãnh đạo TP còn đi thăm, tặng quà cá nhân tiêu biểu là gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, các trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công. Cũng với đó, lãnh đạo TP cũng ủy quyền cho Sở LĐTB&XH Hà Nội, UBND quận, huyện, thị xã thăm hỏi và tặng quà nhiều đơn vị, cá nhân tiêu biểu.

Đời sống người có công được chăm lo tốt hơn

TP Hà Nội là địa phương có số người hưởng chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng lớn nhất cả nước, với trên 800.000 người (chiếm gần 10% cả nước). Trong buổi thăm, tặng quà người có công tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã khẳng định: Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô mãi mãi khắc ghi, biết ơn những cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, gia đình người có công đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.

Trong những năm qua, các cấp, ngành TP đã thực hiện đúng, đầy đủ chế độ chính sách đối với người có công. Đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; từng bước nâng cao đời sống gia đình người có công, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Thể hiện rõ nhất là đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội cơ bản không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo; các gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. 70/70 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ sở đơn vị nhận phụng dưỡng.

Điều đáng nói, những năm qua, cùng với việc thực hiện các chính sách của Nhà nước, TP Hà Nội tặng quà người có công với số tiền cao hơn mức T.Ư. Đặc biệt, tháng 12/2022, HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng của TP Hà Nội.

Theo đó, từ năm 2023, người có công và thân nhân liệt sĩ được đi điều dưỡng phục hồi sức khỏe mỗi năm 1 lần và được hỗ trợ tiền khám sức khỏe 1 triệu đồng/năm, cao hơn mức quy định của Nhà nước. Đối với những người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và thân nhân liệt sĩ nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công của TP và Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân da cam/dioxin TP được hỗ trợ 3.000.00 đồng/người/tháng và 500.000 đồng/người/tháng chi phí khác phục vụ nuôi dưỡng.

Đặc biệt, năm nay, những người có công và thân nhân người có công trên địa bàn Hà Nội và cả nước càng phấn khởi hơn khi ngày 21/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công.

Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng, áp dụng từ ngày 1/7/2023. Với việc điều chỉnh này, từ năm 2023, kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tăng thêm 2.728 tỷ đồng. Trước đó, Chủ tịch nước đã có quyết định tặng quà dịp 27/7/2023 cho gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, thân nhân với tổng kinh phí hơn 400 tỷ đồng.

"Đảng bộ, chính quyền TP Hà Nội xác định, làm tốt các chính sách chăm sóc người có công là trách nhiệm và việc làm thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Thủ đô. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công, “đền ơn, đáp nghĩa” tôi đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND TP tiếp tục chỉ đạo đề xuất, nghiên cứu các chính sách đặc thù ưu đãi người có công của TP. Đồng thời, tham mưu TP nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, bảo đảm các điều kiện tốt nhất chăm lo cho người có công" - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Chồng tôi là liệt sĩ. Trước đây tôi là thanh niên xung phong vác nhiều thùng đạn nặng nên bị hỏng cột sống. Nhận được sự quan tâm chăm lo của cán bộ Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội cũng như sự thăm hỏi, động viên và tặng quà của lãnh đạo TP Hà Nội nhân dịp 27/7, tôi rất xúc động và cảm thấy ấm lòng. Đây là liều thuốc bổ động viên tôi lúc tuổi già, sống vui, sống khỏe mỗi ngày.
Vũ Thị Dần (sinh năm 1937) là vợ liệt sĩ, đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội

Trần Oanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-cham-lo-chu-dao-cho-nguoi-co-cong.html