Góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Bộ Công Thương ghi nhận nhiều ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chiều 27/5/2024, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã tổ chức buổi họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ/CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tham dự buổi làm việc, về phía các đơn vị chức năng trong Bộ Công Thương có lãnh đạo các đơn vị: Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Khoa học và Công nghệ, Cục Công nghiệp, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số...

Về phía các Bộ, ngành là thành viên Tổ biên tập, Ban soạn thảo có đại diện các đơn vị: Bộ Tư lệnh Bộ Đội biên phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính... cùng đông đảo các thành viên trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập.

Toàn cảnh buổi họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung một số diều của Nghị định 98/2020/NĐ/CP

Toàn cảnh buổi họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung một số diều của Nghị định 98/2020/NĐ/CP

Phát biểu tại buổi họp, bà Chu Thị Thu Hương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, qua đánh giá thực tế, trong hơn 3 năm triển khai thi hành, Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại, tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan, lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, tổng kết 3 năm thi hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP cũng cho thấy, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định 17/2022/NĐ-CP nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề hạn chế, bất cập trong áp dụng pháp luật. Đó là sự chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật cùng điều chỉnh một hành vi vi phạm hành chính dẫn đến không thống nhất trong việc áp dụng; một số quy định chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu không thống nhất...

Do vậy, Quyết định số 857/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 5 và Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022).

Bà Chu Thị Thu Hương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường thông tin về tình hình tiến độ và thủ tục xây dựng dự thảo Nghị định

Bà Chu Thị Thu Hương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường thông tin về tình hình tiến độ và thủ tục xây dựng dự thảo Nghị định

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai việc xây dựng dự thảo Nghị định theo trình tự thủ tục, cụ thể: Thực hiện tổng kết, đánh giá tình hình thi hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi; thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, đã gửi dự thảo và đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi từ 12/3/2024; đồng thời gửi lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, doanh nghiệp, hiệp hội...

"Đến nay, Bộ Công Thương đã nhận được ý kiến của 14/21 Bộ; 2/4 cơ quan ngang Bộ, 37/63 UBND cấp tỉnh và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" - Phó Tổng cục trưởng Chu Thị Thu Hương thông tin và cho biết, trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ Công Thương đã tiến hành tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến và chỉnh lý dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị định. Do vậy, cuộc họp hôm nay được tổ chức để thống nhất về các nội dung tiếp thu, giải trình và nội dung dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị định sau khi đã được chỉnh lý để hoàn thiện trước khi chính thức gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Thông tin thêm về tiến độ và thủ tục xây dựng dự thảo Nghị định, Phó Tổng cục trưởng Chu Thị Thu Hương cho biết, trên cơ sở đánh giá tình hình xây dựng, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 146, khoản 3 Điều 147 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Thông báo số 206/TB-VPCP ngày 8/5/2024, Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 3508/TTr-BCT ngày 24/5/2024 báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời hạn trình dự thảo Nghị định sang tháng 6/2024 và áp dụng trình tự thủ tục rút gọn đối với việc xây dựng dự thảo Nghị định.

Dự thảo Nghị định tập trung sửa đổi, bổ sung nội dung hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định tại mục 9 chương II Nghị định số 98/2020/NĐ-CP nhằm đảm bảo phù hợp với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới và nghị định số 55/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (cùng có hiệu lực từ 1/7/2024). Đối với nội dung này, Bộ Công Thương đã tiếp thu phần lớn các ý kiến góp ý và chỉnh lý lại nội dung như: Chỉnh lý giảm mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan hình thức hợp đồng mẫu; lược bỏ các hành vi vi phạm có sự chống chéo với các nghị định quy định xử phạt trong từng lĩnh vực; lược bỏ một số hành vi vi phạm chưa có định lượng rõ ràng; rà soát điều chỉnh đảm bảo mức xử phạt phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi; hạn chế việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động có thời hạn do mức độ tác động lớn.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác còn vướng mắc, bất cập có thể khắc phục được ngay tại dự thảo này (tuy nhiên dung lượng không lớn, chủ yếu là bãi bỏ một số điểm hoặc sửa đổi, bổ sung một số cụm từ) như: Bãi bỏ nội dung quy định hành vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa do trùng lặp với Nghị định số 119/2017/NĐ-CP; bổ sung khái niệm buôn bán; bổ sung cụm từ “hàng hóa khác thuộc danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” vào điểm c khoản 2 Điều 15 để đảm bảo xử phạt gấp đôi với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu trong trường hợp hàng hóa thuộc danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để thống nhất với các nhóm hành vi vi phạm khác…

Bà Chu Thị Thu Hương nhấn mạnh và đề nghị các đơn vị, các thành viên trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập thẳng thắn trao đổi, thảo luận đưa ra các ý kiến đóng góp để Tổng cục Quản lý thị trường hoàn thiện dự thảo để trình lên Bộ Tư pháp thẩm định và tiến tới là trình Chính phủ. Mục tiêu cao nhất của dự thảo Nghị định là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, của doanh nghiệp kinh doanh chân chính và góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ông Đỗ Văn Điệp - Cán bộ Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng, thành viên Tổ biên tập dự thảo Nghị định kiến nghị bổ sung thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả

Ông Đỗ Văn Điệp - Cán bộ Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng, thành viên Tổ biên tập dự thảo Nghị định kiến nghị bổ sung thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả

Đưa ra ý kiến đóng góp, ông Đỗ Văn Điệp - Cán bộ Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng, thành viên Tổ biên tập dự thảo Nghị định kiến nghị, để đảm bảo tính chặt chẽ của dự thảo Nghị định, đề nghị thiết kế một khoản để sửa đổi, bổ sung Điều 85 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 48 Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) để bổ sung thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” và “Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng” quy định tại điểm c, điểm đ khoản 3 Điều 4 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP cho các chức danh có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Lý do là so với Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, tại khoản 8 Điều 1 dự thảo Nghị định bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Bộ đội Biên phòng đối với 8 điều; trong đó, Điều 47 (Hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin người tiêu dùng) và Điều 61 (Hành vi vi phạm khác trong quan hệ với khách hàng, người tiêu dùng có quy định 02 biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên. Trong khi đó, tại Điều 85 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP chưa quy định Bộ đội Biên phòng có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả này.

Đại diện Bộ khoa học và Công nghệ đề xuất thành viên Tổ biên tập, Ban soạn thảo cần lưu ý đến điều 46a, liên quan đến hành vi vi phạm quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương...

Đại diện Bộ khoa học và Công nghệ đề xuất thành viên Tổ biên tập, Ban soạn thảo cần lưu ý đến điều 46a, liên quan đến hành vi vi phạm quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương...

Đại diện Bộ Tài chính phát biểu, đề xuất ý kiến đóng góp cho việc hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ/CP

Đại diện Bộ Tài chính phát biểu, đề xuất ý kiến đóng góp cho việc hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ/CP

Tương tự, đại diện Bộ khoa học và Công nghệ cũng đề xuất thành viên Tổ biên tập, Ban soạn thảo cần lưu ý đến điều 46a, liên quan đến hành vi vi phạm quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; đề xuất sửa đổi, bổ sung và làm rõ hơn khái niệm "hàng giả"...

Trong khi đó, đại diện Bộ Công an cũng đề xuất, liên quan đến khái niệm "buôn bán" và "kinh doanh", đề nghị cơ quan chủ trì làm rõ các hành vi, khái niệm và thống nhất cách sử dụng trong dự thảo Nghị định. Liên quan đến Điều 47 về hành vi vi phạm trong cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ... đại diện Bộ Công an cũng kiến nghị, cơ quan chủ trì cũng như các thành viên trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần xem xét lại các khoản để thống nhất các nội dung, mức xử phạt vi phạm...

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát biểu ý kiến tại buổi họp

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát biểu ý kiến tại buổi họp

Ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương phát biểu đề xuất, góp ý nhiều ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ/CP

Ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương phát biểu đề xuất, góp ý nhiều ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ/CP

Đại diện Cục Công nghiệp cũng đề xuất nhiều ý kiến, đóng góp cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ/CP

Đại diện Cục Công nghiệp cũng đề xuất nhiều ý kiến, đóng góp cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ/CP

Ngoài ra, đại diện các đơn vị chức năng trong Bộ Công Thương là thành viên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập cũng đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp sửa đổi liên quan đến dự thảo Nghị định. Nội dung được các đại biểu quan tâm, đóng góp nhiều nhất đó là liên quan đến hành vi vi phạm trên thương mại điện tử; trao đổi về các hành vi vi phạm về giao kết, thực hiện hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch; trao đổi, thảo luận về trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng...

Kết luận tại buổi họp, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Chu Thị Thu Hương cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đơn vị, các thành viên trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Tổng cục Quản lý thị trường với vai trò là cơ quan thường trực trong việc xây dựng dự thảo Nghị định sẽ cũng các thành viên chỉnh sửa, sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định để chuyển Bộ Tư pháp thẩm định và hoàn thiện các bước tiếp theo.

Khánh An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gop-y-hoan-thien-du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-xu-phat-trong-linh-vuc-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-322586.html