Gọi tên làng
Trong tâm thức của mọi người, tên làng đã trở thành hình ảnh đẹp đẽ, khó rời xa, quên lãng.
Mỗi nơi có cách đặt tên làng riêng, khi mộc mạc, dân dã, khi mỹ miều, cách điệu. Nhưng dù thế nào, cái tên gọi ấy vẫn toát lên tinh thần, mang sứ mệnh của một vùng đất, sâu xa hơn là soi bóng không gian văn hóa và bề dày lịch sử của làng. Bởi từ lâu, làng không còn đơn giản là tên gọi của đơn vị hành chính mà đã trở thành linh hồn, sự ký thác tình cảm thiêng liêng của người dân. Để rồi khi nhắc đến thì cả một miền ký ức ùa về, cả một vùng kỷ niệm lung linh thắp sáng.

Minh họa: HUYỀN TRANG
Tôi sinh ra từ làng, lớn lên bước chân qua khỏi cổng làng để đi xa. Thế nhưng, hình ảnh thân thuộc của làng qua cầu ao, giếng nước, bờ đê, cánh đồng sẽ mãi đồng hành trong nỗi nhớ của tôi. Tôi yêu làng từ những gì bình dị, nhỏ bé nhất. Một tiếng gà gáy sáng. Một buổi hoàng hôn xao xác tiếng chim gọi bầy. Cánh đồng thơm nồng rạ rơm mùa gặt. Con đường đến trường, hoa phượng hồng báo hiệu mùa thi...
Làng tôi nằm bên dòng sông thơ mộng. Tên làng gọi theo dáng dấp địa hình có từ thời khai hoang mở đất. Điều này các bậc cao niên từng kể. Làng tôi có miếu thành hoàng, có cây thị hàng trăm năm tuổi đã được công nhận là cây di sản. Làng tôi có nghề mộc truyền thống, nhiều gia đình 5 đời tiếp nối, giữ gìn. Những năm tháng xa quê để học đại học rồi đi làm trên phố, mỗi khi nghĩ về làng, trong tôi luôn xuất hiện những ân tình tha thiết. Tôi đã gọi tên làng đầy cảm xúc yêu thương.
Có nhà thơ từng viết “Người quê tiếng đục tiếng khàn/Gặp nhau mừng tủi tiếng làng thương thương” nghe sao gần gũi mà da diết thế. Tên làng xưa chủ yếu là tên Nôm nghe mộc mạc, gần gũi như hạt lúa, củ khoai. Tên gọi của làng thường gắn với địa hình, đặc điểm, vị trí nơi làng sinh ra, có khi là tên sông, tên núi, tên của những con người mở đất, khai hoang.
Tên gọi của làng chân chất, dễ thuộc như bài đồng dao con trẻ, nhẹ nhàng như những khúc ca dao. Chính cái mộc mạc, giản đơn này đã lưu dấu, neo chằng, để rồi đi đâu người dân cũng nhớ thương làng và họ đã “gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”.
Tôi đã từng đến vùng kinh tế mới như: Lâm Hà, Đạ Huoai, Cát Tiên (Lâm Đồng) hay Kbang (Gia Lai), thấy nhiều làng, xã ở đây vẫn còn mang tên từ quê gốc hoặc ghép với tên địa phương. Thế mới biết tên làng quan trọng và thân thiết như thế nào.
Tên gọi là linh hồn của làng, dẫu đơn sơ, mộc mạc. Tên gọi của làng luôn gắn với kho tàng văn hóa, lịch sử của làng quê. Mỗi khi nhắc đến là người ta hình dung ra được để tự hào và yêu quý. Chẳng hạn, câu chuyện về lịch sử hình thành và phát triển của phố núi Pleiku. Theo đó, qua sử liệu và lời kể của các bậc cao niên, từ buổi ban đầu thì khu vực trung tâm Pleiku xưa kia chỉ có ngôi làng đồng bào dân tộc Jrai mang tên Pleiku; sau này dần tách ra lập thành các làng.
Trong đó, Plei Ốp nằm giữa trung tâm thành phố. Đây là ngôi làng còn lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Jrai và trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn. Hay làng Lộc Yên ở Tiên Phước (Quảng Nam), làng Đường Lâm ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Và trên dải đất hình chữ S này có biết bao tên làng đã gắn bó, ăn sâu vào đời sống của người dân, bởi nó mang trong lòng sức mạnh văn hóa bền vững và lan tỏa.
Theo thời gian và sự biến thiên của cuộc đời, con người có thể đổi thay nhưng làng sẽ không bao giờ thay đổi. Tên làng sẽ thành ấn tích, sẽ mãi trường tồn. Đã có nhiều người hụt hẫng, lo lắng khi làng xã sẽ sáp nhập, liệu cái tên cũ còn giữ lại hay không? Nhiều suy tư, trăn trở cũng bởi yêu làng, yêu những gì đã từng gắn bó, trở thành hơi thở của mình.
Tôi về làng theo con đường quen thuộc chạy dọc bờ sông, nghe miên man trong niềm nhớ về “những cái tên nghe chẳng thơ đâu nhưng với ta vô cùng thân thuộc”. Đứng bên vòm cổng uy nghi mới xây với dòng chữ đỏ làng văn hóa mà cảm xúc dâng trào, thầm nghĩ rằng, tên làng có thể không còn nhưng bóng dáng làng sẽ mãi tồn tại cùng thời gian và trong lòng mỗi con người.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/goi-ten-lang-post321841.html