Gỡ 'thẻ vàng' IUU - Tăng tốc thí điểm giải pháp

Để nâng cao và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong khai thác thủy sản, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm và tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, thì cần sớm thí điểm việc ứng dụng những công nghệ mới vừa góp phần hỗ trợ thúc đẩy tháo gỡ 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu (EC) với thủy sản Việt Nam, vừa duy trì tính bền vững về hiệu quả quản lý nhà nước cho hiện tại và tương lai.

Từ thí điểm nhật ký khai thác thủy sản điện tử…

Điểm h, khoản 2, Điều 52, Luật Thủy sản năm 2017 quy định các tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản cần ghi, nộp báo cáo khai thác thủy sản theo hướng dẫn. Mục đích là để truy xuất nguồn gốc, bảo đảm tính chính xác và minh bạch. Tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT, ngày 15.11.2018, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (được hợp nhất bởi văn bản số 27/VBHN-BNNPTNT ngày 30.12.2022) xác định, nhật ký khai thác thủy sản là bản ghi bằng giấy hoặc điện tử để ghi nhận lại hoạt động khai thác hàng ngày trên biển của tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản.

Năm 2023, tỉnh Bình Định lắp đặt 100 thiết bị nhật ký khai thác điện tử cho nhóm tàu khai thác cá ngừ. Nguồn: baobinhdinh

Sau khi có quy định và hướng dẫn, hầu hết các tàu đánh bắt xa bờ đều thực hiện ghi nhật ký. Tuy nhiên, thực tế triển khai việc ghi nhật ký bằng giấy cũng đã cho thấy một số bất cập, như: thành phần loài thủy sản trong nhật ký bị “vênh” so với khi bốc dỡ thực tế; sai lệch tọa độ so với tọa độ trong thiết bị giám sát hành trình (VMS); sản lượng bốc dỡ thực tế có sự chênh lệch so với báo cáo trước khi tàu cập cảng… Tất cả những nguyên nhân này khiến nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” IUU thêm khó khăn.

Để hạn chế sai sót, thông tin không chính xác khi ghi nhật ký bằng giấy nêu trên, một số địa phương đang chủ trương thí điểm triển khai ghi nhật ký khai thác thủy sản điện tử. Với đội tàu khai thác xa bờ lớn, trong đó sản lượng khai thác cá ngừ đại dương chiếm gần 50% sản lượng khai thác cá ngừ đại dương của cả nước, năm 2023, Bình Ðịnh thí điểm lắp đặt 100 thiết bị nhật ký khai thác điện tử cho các tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh. Hoạt động này đã được cụ thể hóa bằng Quyết định số 567/QĐ-UBND, ngày 28.2.2023, về việc ban hànhKế hoạch triển khai thí điểm ng dụng Hệ thống nhật ký điện tử trên tàu khai thác xa bờ trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2023.

Tại hội thảo bàn giải pháp triển khai thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc khai thác thủy sản điện tử diễn ra tại TP. Quy Nhơn, Bình Định (tháng 6.2023), các chuyên gia đã trình bày cụ thể về hệ thống truy xuất nguồn gốc khai thác thủy sản điện tử gồm các bên liên quan là ngư dân, cảng cá, doanh nghiệp, cơ quan thẩm quyền tại địa phương với 6 bước triển khai. Đại diện Cục Thủy sản - Bộ NN và PTNT cũng cho biết, sẽ lựa chọn các địa phương có nghề khai thác cá ngừ phát triển, cụ thể là Bình Định, để thử nghiệm và điều chỉnh hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử, sau đó, nhân rộng ra các tỉnh khác.

Đến nay, qua một số chuyến thử nghiệm trên các tàu cá tại Bình Định bước đầu cho thấy những kết quả khả quan. Ngư dân đánh giá thao tác sử dụng của hệ thống nhật ký điện tử đơn giản, tiết kiệm nhiều thời gian so với ghi giấy, và số liệu cập nhật được gửi về Trạm bờ để cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, tổng hợp, giảm sự sai lệch.

… đến công nghệ dữ liệu lớn kết hợp AI

Việc thí điểm nhật ký khai thác thủy sản điện tử được đánh giá là bước chuyển đổi cách thức quản lý, giúp đem lại hiệu quả cao hơn. Tuy vậy, để giải quyết nhiều bài toán khác về IUU, có lẽ chừng đó là chưa đủ. Các vấn đề về IUU đang hiện hữu ở Việt Nam sẽ là thách thức lớn nếu không có biện pháp thật sự đồng bộ, hiệu quả. Để gỡ “nút thắt” này, các công nghệ “tinh vi” được kỳ vọng như một phương thức hỗ trợ quan trọng.

Xét trong bối cảnh hiện nay khi sự chuyển dịch trong tất cả mọi mặt của đời sống đang định hình theo hướng chuyển đổi số, thì những công nghệ phát triển trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng được quan tâm với lợi ích mang lại rất rõ ràng, và cũng không ngoại lệ với công tác giám sát, quản lý khai thác nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững.

Một điển hình có thể tham khảo là giải pháp tình báo hàng hải Windward đến từ Israel. Công nghệ này có thể ứng dụng phục vụ nhiều mục đích khác nhau (an ninh quốc phòng, quản lý hàng hải, chống khai thác IUU…) chỉ trên một nền tảng duy nhất. Tại Tọa đàm “Thúc đẩy hợp tác đối tác số Việt Nam - Israel” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức (ngày 7.3.2023), phần trình bày giải pháp của các doanh nghiệp công nghệ đến từ Israel, trong đó có nền tảng Windward, đã tạo được sự quan tâm, theo dõi và đánh giá cao từ các đại biểu tham dự.

Về bản chất, Windward là nền tảng Trí tuệ dự đoán sử dụng AI và Hệ sinh thái dữ liệu toàn diện được thu thập, tổng hợp, phân tích nhằm xác định chính xác các kịch bản, hành vi rủi ro trong lĩnh vực hàng hải nói chung. Với hơn 100 triệu điểm dữ liệu vị trí, hơn 10 tỷ điểm dữ liệu (cả tĩnh và động) được cập nhật liên tục, Windward kết hợp 15 thuật toán AI cao cấp và 300 mô hình phân tích rủi ro để tạo dựng từng “hồ sơ” đánh giá cho mỗi phương tiện hoạt động trên biển.

Trong chống khai thác IUU, bằng cách sử dụng đầu vào là những tín hiệu định vị tàu cá (AIS/VMS), hơn 10 loại dữ liệu khác có liên quan, cộng thêm nguồn dữ liệu toàn cầu về vị trí của các tàu và định danh mỗi điểm dữ liệu cho một thực thể duy nhất trong suốt vòng đời, hệ thống Windward sẽ tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo để phân tích gần 20 loại hành vi trong thời gian gần thực (chuyển tải bất hợp pháp, nhận diện tín hiệu định vị bị mất do sự cố kỹ thuật hay mất có chủ đích, kiểm tra danh tính tàu, xác định tàu trôi dạt hoặc ghé cảng…).

Nhìn chung, hệ thống dễ dàng nhận biết hành vi bất thường và dấu hiệu rủi ro của các tàu khai thác thủy sản xa bờ (xét phạm vi tàu Việt Nam và tàu quốc tế đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam), rồi gửi thông tin cảnh báo theo thiết lập được tùy chỉnh đến nhà chức trách về lĩnh vực khai thác thủy sản. Nó có thể bao gồm (nhưng không giới hạn) phát hiện tàu giả mạo vị trí đang hiển thị (giả mạo GPS/GNSS), tàu mạo danh (treo cờ mạo danh quốc tịch), truy vấn ngược thời gian, hiển thị đường di chuyển dự đoán, xếp hạng rủi ro các tàu đang hoạt động…

Thời gian qua, Ban chỉ đạo quốc gia về IUU, Bộ NN và PTNT liên tục có những chỉ đạo cụ thể về tăng cường các biện pháp, giải pháp chống khai thác IUU. Đặc biệt, từ thời điểm hiện nay đến tháng 10.2023 (dự kiến sẽ diễn ra lần thanh tra thứ 4 của Đoàn Thanh tra EC) là giai đoạn có tính quyết định và cần tập trung cao độ để gia tăng “điểm số” với Đoàn Thanh tra của EC. Chính vì thế, việc tăng tốc thí điểm các giải pháp có tiềm năng giúp hỗ trợ tháo gỡ “thẻ vàng” của EC trong ngắn hạn và duy trì hiệu lực quản lý nhà nước trong dài hạn, khắc phục các tồn tại đã được EC chỉ ra là vấn đề cần được khẩn trương quan tâm, xem xét.

Mặt khác, việc sớm thí điểm các công nghệ có tiềm năng giúp quản lý tốt hơn đội tàu cá và truy xuất nguồn gốc, nhất là nguồn gốc thủy sản từ tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam, không chỉ nhằm hỗ trợ thúc đẩy việc EC xem xét gỡ “Thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam, mà còn giúp ngành thủy sản nói riêng, Bộ NN và PTNT nói chung tiếp tục đưa hoạt động chuyển đổi số đi vào thực chất, có chiều sâu.

Nguyễn Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/go-the-vang-iuu-tang-toc-thi-diem-giai-phap-i339967/