Gỡ thẻ vàng IUU, Quảng Bình xử lý nghiêm các tàu cá nếu vi phạm
Cho đến nay, hành trình tháo gỡ thẻ vàng của EC vẫn được các cơ quan chức năng cùng ngư dân tỉnh Quảng Bình thực hiện một cách quyết liệt.
Nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU
Theo ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Bình cho biết, xác định công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị đón Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thời gian qua luôn chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU.
Các khuyến nghị của EC như: Hoàn thiện khung pháp lý trong quản lý thủy sản; quản lý tàu cá, theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá; giám sát, chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản; thực thi pháp luật và xử lý vi phạm được tỉnh tập trung thực hiện đầy đủ, phù hợp với tình hình chống khai thác IUU trên địa bàn.
Cho đến nay, hành trình tháo gỡ thẻ vàng của EC vẫn được các cơ quan chức năng cùng ngư dân tỉnh Quảng Bình thực hiện một cách quyết liệt.
Nhiều năm gắn bó với nghề đi biển, bản thân ông Nguyễn Thế Giảng, chủ tàu cá vùng khơi xa ở xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, luôn chấp hành tốt trong việc khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, ông cũng vận động, tuyên truyền các chủ tàu khác thực hiện đúng quy định pháp luật.
“Tàu cá của tôi hiện có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Quá trình sử dụng, bản thân tôi nhận thấy nó mang lại rất nhiều tiện ích như liên lạc với người nhà để kiểm tra tin báo bão, hoặc nhờ lực lượng chức năng hỗ trợ nếu có việc cần thiết.
Tuy nhiên, cần phải có phương án hỗ trợ kiểm tra, bảo dưỡng và phải lựa chọn những thiết bị đạt chất lượng để máy móc hoạt động ổn định, hạn chế mất kết nối trên biển", ông Giảng nói.
Theo ông Đào Xuân Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới, trên địa bàn còn một số tàu trên 15m chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và cần phải hỗ trợ một phần kinh phí để các chủ tàu thực hiện.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đã đi sâu đi sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con ngư dân và đã có kiến nghị, đề xuất lên các cấp để hỗ trợ, đồng hành cùng ngư dân trong việc chống khai thác IUU.
Huyện Bố Trạch là địa phương có đội tàu cá lớn ở tỉnh Quảng Bình, thời gian qua, huyện này đã có nhiều phương án quyết liệt trong công tác chống khai thác IUU. Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch, cho biết: “Để triển khai hiệu quả công tác chống khai thác IUU, địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, đặc biệt là việc tàu cá ngư dân vượt ranh giới cho phép trên biển, tàu giã cào hoạt động sai tuyến, ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình".
Gắn trách nhiệm người đứng đầu
Công tác chống khai thác IUU tại Quảng Bình vẫn còn đó một số tồn tại, hạn chế đang được khẩn trương khắc phục như: Vẫn còn nhiều tàu cá nhưng chưa có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép đã hết hạn, chưa thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Công tác ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn nhiều chủ tàu cá chưa thực hiện ghi chép trên biển, khi vào bờ mới ghi, nộp nhật ký khi được yêu cầu. Tình trạng tàu cá vượt ranh giới trên biển, mất kết nối và tàng trữ, sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thủy sản chưa ngăn chặn triệt để.
Theo các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý 65 trường hợp tàu cá vi phạm, xử phạt 784,5 triệu đồng. Trong đó, Chi cục Thủy sản xử lý 41 tàu cá vi phạm, xử phạt 605,5 triệu đồng, tịch thu 2 bộ kích điện; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xử phạt 24 tàu cá với số tiền 179 triệu đồng, bắt giữ 1 tàu cá tàng trữ trái phép chất nổ để bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.
Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 1.167 tàu cá từ 15 mét trở lên, trong đó có 1.135 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 97,3%. Còn 32 tàu cá chưa lắp đặt được giám sát hết sức chặt chẽ, qua rà soát thì hầu hết các tàu không hoạt động hoặc đang thực hiện cải hoán.
Để tiếp tục quản lý, giám sát chặt hoạt động đánh bắt hải sản, UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Công văn số 2025/UBND-KT chỉ đạo khẩn trương thực hiện Công điện số 916/CĐ-TTg ngày 04/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương gắn trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU theo nhiệm vụ được giao.
UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các địa phương phối hợp với Chi cục Thủy sản, lực lượng Biên phòng khẩn trương tổ chức làm việc với từng chủ tàu cá trong danh sách tàu cá nguy cơ cao khai thác IUU để vận động, hướng dẫn thực hiện thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Đặc biệt, phải nắm rõ, cập nhật hiện trạng hàng ngày đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản. Chỉ đạo đơn vị liên quan thực hiện nghiêm việc giám sát sản lượng thủy sản qua cảng cá, bến cá. Đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, vệ sinh cảng cá, bến cá sạch sẽ; giám sát chặt chẽ, liên tục trên hệ thống giám sát hành trình, kịp thời thông báo, cảnh báo khi tàu cá mất kết nối, vượt ranh giới để nhanh chóng khắc phục; xác minh, xử lý vi phạm về giám sát hành trình (VMS). Trước mắt, tập trung xử lý 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên vi phạm theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn Biên phòng tuyến biển tăng cường kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh và tàu cá của tỉnh khác khi xuất, nhập bến phải đảm bảo đầy đủ điều kiện theo quy định.
Đặc biệt, thiết bị VMS trên tàu cá từ 15m trở lên phải mở máy, hoạt động bình thường từ lúc rời cảng đến khi cập cảng, kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định.