Giữ vững thị trường xuất khẩu: Nâng cao chất lượng trái sầu riêng

Trong vài năm trở lại đây, diện tích trồng sầu riêng 'nở rộ', vượt quá định hướng và quy hoạch chung, làm gia tăng rủi ro cho cả người trồng và doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu…

4 tháng đầu năm 2024, sầu riêng vẫn giữ “ngôi vương” với kim ngạch hơn 500 triệu USD, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.

4 tháng đầu năm 2024, sầu riêng vẫn giữ “ngôi vương” với kim ngạch hơn 500 triệu USD, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy nếu năm 2020, tổng diện tích sầu riêng cả nước chỉ hơn 71.000 ha, thì tính đến hết tháng 4/2024 đã lên tới khoảng 151.000 ha, trong đó có khoảng 76.000 ha đang cho thu hoạch. Cây sầu riêng tập trung nhiều nhất ở khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và một số ít ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ.

DIỆN TÍCH TRỒNG VƯỢT QUY HOẠCH, NHIỀU BẤT CẬP NẢY SINH

Tại hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết sản lượng trái sầu riêng thu hoạch năm 2023 đạt gần 1,2 triệu tấn, dự kiến năm 2024 sẽ tăng lên 1,5 triệu tấn.

Trong một vài năm tới, khi diện tích cho thu hoạch tăng lên, sản lượng sầu riêng Việt Nam có thể sẽ tăng gấp đôi. Do đó, chủ trương của Cục Trồng trọt là không mở rộng diện tích, đặc biệt tại những vùng thổ nhưỡng không phù hợp.

Từ góc độ địa phương, ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho biết Đắk Lắk là địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất cả nước với trên 32.000 ha và vẫn đang tiếp tục tăng, trong khi định hướng của địa phương chỉ ở khoảng 22.000 - 25.000 ha.

“Những năm gần đây, giá sầu riêng cao nên tình trạng người người, nhà nhà đổ xô trồng sầu riêng, hoạt động thu mua, kinh doanh sầu riêng tại địa phương rất sôi động. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng sản xuất, thu mua, xuất khẩu sầu riêng tại Đắk Lắk cũng hội tụ đủ các vấn đề từ tranh mua, tranh bán, bẻ kèo, bỏ cọc đến vi phạm mã số vùng trồng...” ông Côn nêu thực tế.

Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, cho hay diện tích trồng sầu riêng tại Tiền Giang đã lên tới 20.000 ha; trong đó có 15.000 ha đang cho thu hoạch. Hiện tại, diện tích sầu riêng của tỉnh đã vượt quá quy hoạch đến năm 2025 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Điều đáng nói là song song với việc tăng nóng về diện tích, tình trạng vi phạm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng xảy ra liên tục. Thời gian qua, Tiền Giang đã có 39 mã số vùng trồng và 38 cơ sở đóng gói vi phạm bị cảnh báo, đang trong quá trình khắc phục.

Về tình hình xuất khẩu, Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết từ khi Nghị định thư về hoạt động xuất nhập khẩu sầu riêng với Trung Quốc được ký kết (tháng 7/2022), sầu riêng Việt Nam có cơ hội lớn để xuất khẩu.

Cụ thể, năm 2023, xuất khẩu mặt hàng sầu riêng đem về 2,2 tỷ USD; trong đó riêng thị trường Trung Quốc đã tiêu thụ 493.000 tấn, với kim ngạch 2,1 tỷ USD, tăng 1.036% về trị giá và tăng 1.107% về lượng so với năm 2022. Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh từ 5% năm 2022 lên 34,6% năm 2023.

Số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cũng cho thấy xuất khẩu rau quả trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 1,804 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sầu riêng vẫn giữ “ngôi vương” với kim ngạch hơn 500 triệu USD, tăng khoảng 30%.

Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, thế mạnh của sầu riêng Việt Nam là có mùa vụ sản xuất kéo dài quanh năm. Tuy nhiên, cây sầu riêng cũng đối mặt với không ít thách thức vì thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là Trung Quốc. Trong khi đó, sầu riêng Việt Nam phát triển muộn hơn, phải cạnh tranh trực tiếp từ Thái Lan, Malaysia và một số quốc gia lân cận khác.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lưu ý rằng hiện cả nước có 708 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng tươi được cấp để phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, qua quá trình giám sát, theo dõi hoạt động xuất khẩu, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói... phát sinh nhiều vấn đề.

Mới đây, qua rà soát của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 17 tỉnh sản xuất, xuất khẩu sầu riêng thì có 5 tỉnh bị phía Trung Quốc cảnh báo nhiều lần. Những tỉnh có tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng thấp là: Đắk Nông (0%), Bình Phước (1,6%), Vĩnh Long (5%), Bình Thuận (12%), Hậu Giang (27%), Tiền Giang (31%) và Đồng Tháp (37%). Ở quy trình giám sát mã số cơ sở đóng gói, tại Long An với 33% và Đồng Nai với 50% cũng là khá thấp.

Rà soát cho thấy còn có nhiều trường hợp thông tin đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói có quy mô, diện tích, sản lượng... chưa đúng với thực tế. Hầu hết các cơ sở đóng gói chưa có cán bộ kỹ thuật theo đúng quy định, hệ thống truy xuất đến từng mã số vùng trồng chưa đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định thư...

KHẮC PHỤC HẠN CHẾ, NÂNG CAO SỨC CẠNH TRANH

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung, những năm qua, sầu riêng đóng vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, giúp tăng thu nhập cho người trồng, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.

“Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 600.000 tấn sầu riêng, với kim ngạch 2,2 tỷ USD. Tuy nhiên, hiệu ứng tăng xuất khẩu đang tạo nên cơn sốt mở rộng diện tích, phá vỡ quy hoạch trên diện rộng”, Thứ trưởng cảnh báo.

Liên quan đến vấn đề nhiều lô hàng sầu riêng bị phía Trung Quốc cảnh báo vi phạm về mã số vùng trồng, Thứ trưởng Hoàng Trung cho rằng nguyên nhân chủ quan xuất phát từ các tác nhân tham gia quản lý, sản xuất, thu mua của ngành hàng sầu riêng. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến lô hàng bị cảnh báo, mà còn có nguy cơ đưa toàn bộ ngành hàng sầu riêng của Việt Nam bị nước nhập khẩu xem xét áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, thậm chí là tạm dừng nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Do đó, Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu các địa phương phải phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ để tìm ra nguyên nhân, nhanh chóng đưa ra biện pháp khắc phục.

Trong bối cảnh giá trị xuất khẩu sầu riêng ngày càng tăng, yêu cầu đặt ra là phải duy trì phát triển ngành sầu riêng bền vững và nâng cao sức cạnh tranh. Vì vậy, Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu Cục Trồng trọt phải nhanh chóng chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát diện tích sầu riêng hiện tại để có phương án tổ chức sản xuất hợp lý; xây dựng và ban hành bộ quy chuẩn kỹ thuật cho trái sầu riêng tươi để làm cơ sở đánh giá chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn mà khách hàng yêu cầu...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 21-2024 phát hành ngày 20/5/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/giu-vung-thi-truong-xuat-khau-nang-cao-chat-luong-trai-sau-rieng.htm