Gieo mầm yêu thương từ sách

Tạo 'sân chơi văn hóa' cùng con là xu hướng nhiều phụ huynh lựa chọn. Một trong những sân chơi đó là cùng con đọc những trang sách nuôi dưỡng tâm hồn.

Tính nhân văn qua từng trang sách sẽ giúp trẻ phát triển nhân cách hoàn chỉnh. Ảnh: Đại Quang.

Tính nhân văn qua từng trang sách sẽ giúp trẻ phát triển nhân cách hoàn chỉnh. Ảnh: Đại Quang.

Kể chuyện tình yêu

Gác lại công việc bề bộn, chị Trần Thị Hà (Đống Đa, Hà Nội) đưa con trai 10 tuổi tham dự một chương trình đọc sách cùng con có tên "nuôi dưỡng văn hóa đọc trong gia đình".

Thông qua một người bạn, chị biết đến buổi đọc sách và "ngỏ ý" với con trai. Không ngờ, con trai chị rất ủng hộ mẹ. Lúc rảnh rỗi, chị Hà vẫn thường cùng con đọc sách nhưng bé thích truyện tranh hơn truyện văn học.

"Những buổi đọc sách thú vị giúp cho tôi hiểu tâm lý, sở thích đọc sách của con hơn, tạo thói quen đọc sách cho bản thân và hướng tới những cuốn sách yêu thích cho con mình" - chị Hà cho biết.

Gia đình là môi trường gần gũi, thích hợp và hiệu quả nhất trong việc bồi dưỡng thói quen đọc sách và tạo niềm yêu thích cho trẻ. Việc cha mẹ, con cái cùng đọc sách không chỉ giúp cho không khí gia đình vui vẻ, ấm cúng mà còn nuôi dưỡng tình yêu thương, sự gắn kết giữa các thành viên với nhau.

Hết giờ học, bé Khánh Băng (Hoàng Mai, Hà Nội) lại cùng em trai (5 tuổi) cùng nhau chọn sách để đọc. Ban công nhỏ được bố mẹ sắp xếp một bộ bàn ghế và những chậu hoa, cây cảnh nhỏ trở thành không gian lý tưởng để hai em có thể ngồi đọc sách với nhau.

Sau giờ làm việc, vợ chồng anh Lê Công Đình cũng ngồi để chọn sách cùng con. Bố thích đọc sách về lĩnh vực kinh doanh, mẹ thích đọc tiểu thuyết, còn hai con đọc sách văn học và truyện.

Thi thoảng, anh Đình lại cùng con đọc các cuốn sách, đồng thời tương tác với con nội dung trong sách. Mỗi tháng một lần, vợ chồng anh lại đưa các con đi mua sách và quy định tháng đó phải đọc hết.

"Việc đọc sách giúp gia đình tôi luôn gắn kết hơn. Tôi cũng dễ dàng uốn nắn các con trong từng lời nói, hành động, định hướng thói quen tốt cho con" – anh Đình cho biết.

Đọc sách và hình thành thói quen đọc sách của mỗi thành viên trong gia đình có vai trò quan trọng trong việc phát triển trí tuệ, nhân cách. Do đó, việc phát triển văn hóa đọc được nhiều gia đình quan tâm, chú trọng.

Thực tế, trẻ em ngày nay cũng thích đọc sách như trẻ em trước đây. Bằng chứng là tại các cửa hàng bán sách, quầy dịch vụ cho thuê truyện tranh, phòng đọc thiếu nhi ở các thư viện rất đông người đọc.

Tuy nhiên, những chủng loại các em lựa chọn lại là điều mà phụ huynh cần quan tâm đến. Nhiều trẻ thích truyện tranh, ít quan tâm đến sách văn học do truyện tranh có ngôn từ, hành động dễ cuốn hút hơn. Vì vậy, gia đình cần gần gũi, hướng dẫn các con lựa chọn sách phù hợp với độ tuổi.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã nhiều lần chia sẻ, thói quen đọc sách được hình thành từ thời thơ ấu, nảy mầm và trở thành khát khao tự nhiên, sẽ theo ta suốt cuộc đời. Cùng với xã hội và nhà trường, gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng và duy trì thói quen đọc sách cho trẻ.

Kênh giao tiếp tinh tế giữa mẹ và con

Theo Tiến sĩ giáo dục, nhà thơ Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con, CLB thường xuyên tổ chức các buổi đọc sách để tạo gắn kết gia đình, tình yêu thương của cha mẹ - con cái bằng sách.

TS Nguyễn Thụy Anh chia sẻ: "Sách có thể là một kênh giao tiếp tinh tế để đạt được những điều tinh tế trong mối quan hệ xã hội đầu tiên của đứa trẻ.

Qua việc đọc sách cùng con, bố mẹ có cơ hội hiểu con thích gì, đang quan tâm đến điều gì, có những khả năng đặc biệt nào, cần hỗ trợ gì. Cha mẹ đồng hành cùng con qua những trang sách trẻ thơ sẽ gửi gắm những bài học nhỏ, hướng dẫn kỹ năng sống, cách học và điều chỉnh cảm xúc của con, đồng thời, tạo cho con biết cảm xúc của cha mẹ như lo lắng, mong muốn, tự hào, vui sướng, buồn khổ…".

Khi bố mẹ và con cái cùng ngồi đọc sách gần gũi nhau, các con được hướng dẫn kỹ năng đọc sách kết hợp với vui chơi và giao tiếp qua lại. Cách làm cho con thấy vui, tò mò, thích thú, từ đó, cuốn hút con vào những trang sách và tạo thói quen đọc sách cho con.

"Hướng con vào đọc sách văn học để giúp con cảm nhận về cuộc sống, con người nhân hậu, phong phú về tình cảm và cuộc sống muôn màu" – TS Nguyễn Thụy Anh nhận định.

Nhà văn Nhã Thuyên cho rằng, cùng con đọc sách trở thành một kênh cầu nối tình cảm của cha mẹ và con cái. Cuộc sống bận rộn khiến nhiều bậc cha mẹ quên đi việc dành thời gian cho con, nhưng nếu cha mẹ dành thời gian để cùng con chơi những trò chơi thú vị, hoặc cùng con cảm nhận những câu chuyện và nhân vật trong các cuốn sách mà con yêu thích, thì sự thấu hiểu và sợi dây gắn kết bền chặt hơn.

"Duy trì thói quen đọc sách cùng con là một việc làm tốt nhưng không phải gia đình nào cũng làm được điều đó. Tuy nhiên, cha mẹ không nên biến đọc sách thành một hoạt động bắt buộc mà phải gây cảm hứng đọc cho trẻ. Kể cả khi trẻ chọn truyện tranh, truyện có nhiều hình ảnh đẹp cũng không ảnh hưởng hay nguy hại gì.

Bố mẹ có thể tham gia về giờ giấc đọc truyện của trẻ. Không phải bắt trẻ con đọc thật nhiều sách hay đọc những cuốn sách cổ điển là tốt" - nhà văn Nhã Thuyên cho biết.

Để đạt được mục đích đó, cha mẹ cần trang bị những kỹ năng đọc sách, kỹ năng chọn sách và cùng con vui với sách. Có phương pháp đọc sách hiệu quả sẽ là "chìa khóa" để mở cánh cửa tâm hồn và đam mê sách của trẻ mà nhiều khi bố mẹ lãng quên.

"Khi để mẹ đọc cho con nghe hay con đặt câu hỏi cho cha mẹ trả lời chính là cách đơn giản để đọc sách cùng con. Cha mẹ cần hiểu cuốn sách nào con thích, dòng sách con thích có hữu ích gì cho con, có làm phong phú ngôn ngữ và sự phát triển tâm hồn của con không.

Tuy nhiên, để khơi dậy nguồn cảm hứng đọc sách với con, thì cha mẹ cần có những phương pháp cụ thể hơn. Ngoài đọc sách, các con có thể chơi game, đọc truyện tranh… nhưng cha mẹ cần chỉ cho con biết điều hòa giữa học và chơi, kích thích niềm vui và văn hóa đọc của trẻ" - TS Nguyễn Thụy Anh chia sẻ.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gieo-mam-yeu-thuong-tu-sach-1596438308462.html