Giáo viên Âm nhạc mệt mỏi vì trường yêu cầu 95% học sinh đạt hoàn thành tốt

Kết thúc năm học, việc đánh giá xếp loại học sinh cả năm và xét danh hiệu khen thưởng đang là chủ đề ồn ào những ngày qua.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam liên tục nhận được những thắc mắc liên quan đến đánh giá và khen thưởng học sinh tiểu học theo chương trình mới.

Một phụ huynh học sinh lớp 1 ở Hà Nội gửi ý kiến đến tòa soạn nêu: "Con tôi đạt 10 hết các môn, nhưng 1 Âm nhạc giữa kỳ 2 và cuối năm học đánh giá ở mức hoàn thành nên không được khen thưởng học sinh xuất sắc và không được là học sinh tiêu biểu. Điểm 10 nhưng thua điểm 8 điểm 9. Trong khi âm nhạc, cháu đi hát đi múa đạt giải ở trường cùng với lớp".

Đây chỉ là một trong số ít các ý kiến tỏ ra bức xúc với việc đánh giá xếp loại và khen thưởng cuối năm đối với học sinh tiểu học.

Thực tế, ở chiều ngược lại, giáo viên Âm nhạc cũng than vãn vì việc bị "ép" đánh giá cao.

Nhiều giáo viên bộ môn đang bị "mắc kẹt" giữa hai lằn ranh, hoặc là đánh giá đúng với năng lực học sinh đạt được hay đánh giá làm hài lòng ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh?

Lời tâm sự nhói lòng của giáo viên Âm nhạc

Cô giáo T.T. giáo viên dạy môn Nghệ thuật (Âm nhạc) tại một trường tiểu học một tỉnh miền Trung đã phản ánh đến tòa soạn câu chuyện bản thân cô đang bị nhà trường cho là chống đối, đi kèm với đó một số đồng nghiệp dùng lời lẽ không hay khi học sinh của mình không được đánh giá mức “Hoàn thành tốt” ở môn học này.

Cô giáo T.T. cho biết: “Nhà trường ra chỉ tiêu 3 lớp chọn 3A, 4A, 5A học sinh phải đạt “Hoàn thành tốt từ 90 đến 95%”. Những lớp học đại trà chỉ tiêu “Hoàn thành tốt” là 75 đến 80%.

Tôi có trình bày với nhà trường, không thể đáp ứng được chỉ tiêu này vì cao quá. Đây là một trường bình thường ở vùng nông thôn, tôi không thể dạy một em chưa biết hát thành một học sinh hát tốt.

Không chỉ có hát đúng lời, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh còn phải biết tập đọc nhạc, nhận diện các nốt, thưởng thức âm nhạc, nhạc cụ…để đánh giá một học sinh “Hoàn thành tốt” cần hội tụ khá nhiều kiến thức. Một lớp, cũng chỉ vài em đạt được là xứng đáng, nếu có du di thì nhiều nhất cũng không thể quá 10 em đổ lại.

Tuy thế, hiệu trưởng đã nói rằng, tất cả phải theo chỉ tiêu của tôi. Nhà trường đã đề ra thì giáo viên phải làm được, không làm được nghĩa là không hoàn thành nhiệm vụ".

Cô giáo T.T. cho biết thêm: “Từ trước đến nay, giáo viên chủ nhiệm chủ yếu bắt những giáo viên dạy bộ môn như tôi phải đánh giá mức tốt mà không cần biết học sinh ấy học hành môn chúng tôi thế thế nào.

Cuối năm, giáo viên chủ nhiệm đưa qua chúng tôi một tờ danh sách và yêu cầu những em có tên trong danh sách sẽ được xếp loại "Hoàn thành tốt".

Nếu tôi không làm theo, họ sẵn sàng gây khó bằng những ngôn từ rất khó nghe. Họ cô lập tôi, họ báo cáo lên nhà trường và hiệu trưởng buộc giáo viên chúng tôi phải làm theo yêu cầu của các thầy cô giáo ấy.

Tôi đã thiết tha đề xuất lên hiệu trưởng rằng rất mong muốn được trở về đúng vị trí của môn mình đang giảng dạy. Nghĩa là, chúng tôi phải được quyền đánh giá học sinh theo đúng năng lực, phẩm chất các em đạt được mà không phải làm theo chỉ đạo của ai khác.

Thế nhưng, đáp lại lời thỉnh cầu của tôi, hiệu trưởng lạnh lùng đáp “Tôi đã chỉ đạo là phải làm theo tôi, tất cả theo chỉ tiêu của tôi, nếu không đáp ứng được là đang chống đối”.

Giáo viên Âm nhạc đánh giá 50% học sinh trong lớp Hoàn thành tốt nhưng vẫn bị yêu cầu đánh giá lại

Cô giáo T.T. giáo viên dạy Âm nhạc cho biết: "Theo hướng dẫn đánh giá học sinh môn Âm nhạc mức "Hoàn thành tốt" phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản sau:

Học sinh vận dụng được kiến thức đã học vào thực tế. Biết biểu diễn bài hát, đọc bài đọc nhạc, gõ đệm với nhạc cụ theo hình thức phù hợp. Biết thể hiện cảm xúc khi hát, gõ đệm và vận dụng phụ họa theo nhịp điệu. Biết chia sẻ ý kiến cá nhân với bạn/nhóm. Tự tin, tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể.

Yêu cầu về mức "Hoàn thành tốt".

Để được xếp loại “Hoàn thành tốt” môn Âm nhạc có khó không?

Người viết đã liên hệ với cô giáo Mai Ngô (giáo viên Âm nhạc tại Thành phố Hồ Chí Minh) để rõ hơn về việc để đạt được xếp loại hoàn thành tốt ở môn học này với học sinh có dễ? Cô Mai Ngô cho biết: “Xếp loại Hoàn thành Tốt ở phân môn Âm nhạc trong Chương trình giáo dục 2018 rất khó. Học sinh phải hát đúng cao độ, biết đọc nhạc, biết nhận diện các nốt nhạc qua màu sắc, nhận diện nốt nhạc qua bàn tay.

Ngoài ra, đọc nhạc qua bộ gõ cơ thể (đối với giáo viên không có chuyên môn âm nhạc khi dạy phần này còn rất lúng túng). Nếu học sinh ở vùng thành thị, được phụ huynh quan tâm thì mỗi lớp cũng chỉ được khoảng 10 em xếp loại Hoàn thành Tốt.

Đối với vùng nông thôn nhiều người không quan tâm đến môn học này thì mỗi lớp cũng chỉ được khoảng vài ba em học tốt”.

Một giáo viên Âm nhạc chia sẻ, khi đánh giá học sinh ở phân môn Âm nhạc, giáo viên phải đánh giá nhiều phần, có từ 4 đến 5 nội dung như hát, đọc nhạc, thưởng thức âm nhạc, nhạc cụ.

Ngoài ra, còn căn cứ vào năng lực, phẩm chất như thái độ học tập, trong giờ học có tương tác với thầy cô, với bạn bè hay không…. Vì thế, nếu đánh giá đúng, mỗi lớp cũng chỉ khoảng vài em. Nếu có sự châm chước, du di hoặc động viên, khuyến khích thì nhiều nhất cũng chưa thể tới 10 em.

Môn Nghệ thuật mà yêu cầu đánh giá mức tốt tới 95% là đang làm khó giáo viên và dễ dãi với học sinh

Trở lại câu chuyện của cô giáo T.T. phản ánh, nhiều học sinh vốn xem Âm nhạc là môn phụ nên không nỗ lực trong học tập. Kiến thức âm nhạc nắm sơ sài, thái độ học tập chưa nghiêm túc.

Tuy thế, vì chỉ tiêu đề ra xếp loại hoàn thành tốt đạt từ 90 đến 95% nên gần như cả lớp (sĩ số lớp 35 đã có đến 33 em) giáo viên buộc phải xếp loại hoàn thành tốt là điều hết sức vô lý. Bởi, Âm nhạc là môn nghệ thuật, học sinh học giỏi các môn học khác không đồng nghĩa môn Âm nhạc học cũng giỏi. Nếu yêu cầu xếp gần như cả lớp hoàn thành tốt môn học này thật sự là kết quả khó thực chất.

Có những học sinh học tốt, luôn nỗ lực học tập cuối cùng cũng chỉ xếp ngang hàng với những học sinh học lơ là. “Có những lớp, tôi đã xếp 50% học sinh trong lớp ở mức hoàn thành tốt nhưng nhiều thầy cô vẫn không bằng lòng, họ vẫn yêu cầu được xếp loại tốt tới 2/3 lớp. Có người nói : “Môn phụ ấy mà, muốn xếp ai tốt mà chẳng được, làm gì mà căng như thế?".

Xếp loại nghiêm túc thì bị nhà trường, đồng nghiệp làm khó còn xếp loại dễ dãi thì học sinh không chịu nỗ lực học tập. Vì sự dễ dãi trong việc xếp loại như vậy, không chỉ thầy cô mà ngay cả học sinh cũng coi thường môn học nên giáo viên chúng tôi càng khó giảng dạy”, cô giáo T.T. bức xúc chia sẻ.

Mong muốn và cũng là lời thỉnh cầu của cô giáo T.T. với nhà trường là “Xin được trả lại vị thế môn học cho chúng tôi. Giáo viên phải được quyền nhận xét đánh giá học sinh (chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm với việc đánh giá xếp loại của mình) mà không bị chi phối từ bất kỳ ai.

Có thế, học sinh mới chịu học. Và, muốn có kết quả tốt, các em phải thật sự nỗ lực trong học tập. Điều này, cũng sẽ góp phần cho việc đánh giá học sinh đi vào thực chất hơn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-vien-am-nhac-met-moi-vi-truong-yeu-cau-95-hoc-sinh-dat-hoan-thanh-tot-post242900.gd