Giáo hoàng Leo XIV - giải mã lựa chọn của Mật nghị Hồng y

Việc Hồng y người Mỹ Robert Francis Prevost được Mật nghị Hồng y chọn trở thành Giáo hoàng Leo XIV khiến nhiều người bất ngờ, khi theo truyền thống, Hồng y đoàn có đa số là người châu Âu – băn khoăn về việc chọn hồng y từ Mỹ làm giáo hoàng vì lo ngại ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài lên hoạt động của Tòa thánh Vatican.

Khi Hồng y Robert Francis Prevost (69 tuổi) được bầu làm tân giáo hoàng với tông hiệu Leo XIV và xuất hiện lần đầu tiên trên ban công chính của Vương cung thánh đường Thánh Peter vào ngày 8-5, ông đã chứng kiến đám đông gồm những người hành hương, khách du lịch, người Công giáo địa phương reo hò, hoan hô.

Họ là những người đã chờ đợi hàng giờ, hồi hộp theo dõi kết quả Mật nghị Hồng y bầu giáo hoàng thông qua ống khói trên mái Nhà nguyện Sistine.

Sự kiện đánh dấu một khoảnh khắc quan trọng đối với Giáo hội Công giáo, khi vị tân giáo hoàng mang lại niềm hân hoan và nhiều hy vọng cho các tín đồ.

Vì sao Hồng y người Mỹ Robert Francis Prevost được chọn?

Tuy nhiên, lựa chọn của Mật nghị Hồng y cũng khiến nhiều người bất ngờ, theo trang tin The Conversation. Giáo hoàng Leo XIV là vị giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ. Theo truyền thống, Hồng y đoàn – có đa số là người châu Âu – băn khoăn về việc chọn hồng y từ Mỹ làm giáo hoàng vì lo ngại ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài lên hoạt động của Tòa thánh Vatican.

 Giáo hoàng Leo XIV hôm 8-5. Ảnh: AFP

Giáo hoàng Leo XIV hôm 8-5. Ảnh: AFP

Vậy, điều gì có thể đã ảnh hưởng đến cuộc bỏ phiếu của các hồng y trong Mật nghị vừa qua?

Trước khi được bầu làm giáo hoàng, Hồng y Prevost có kinh nghiệm lâu dài ở Peru và phục vụ tại Vatican, giữ nhiều vai trò quan trọng trong Bộ Giáo sĩ, Bộ Giám mục của Tòa thánh Vatican.

Sự phục vụ của Hồng y Prevost tại Bộ Giám mục được coi đặc biệt quan trọng, vì các thành viên trong bộ này đóng vai trò chủ chốt trong việc lựa chọn các giám mục mới.

Ngoài ra, quê quán của Hồng y Prevost cũng có thể là một lý do thúc đẩy các hồng y chọn ông. Trong thế kỷ XX, các giáo hoàng bắt đầu bổ nhiệm các hồng y từ các nơi mà trước đây được coi là ở ngoại vi của Giáo hội Công giáo. Thay đổi này đưa đến việc một số giáo hoàng sau này không phải là người Ý.

Cụ thể, Giáo hoàng John Paul II là người Ba Lan và là giáo hoàng đầu tiên không phải người Ý kể từ thế kỷ XVI. Giáo hoàng Benedict XVI cũng không phải là người Ý. Ông sinh ra ở Đức, từng là viên chức Vatican. Giáo hoàng Francis sinh ra Argentina, có cha mẹ là người Ý nhập cư vào nước này.

Hồng y đoàn giờ đây cũng mang tính quốc tế hơn. Khoảng 80% các cử tri hồng y được Giáo hoàng Francis bổ nhiệm nhiều người từ các quốc gia chưa từng có hồng y trước đây.

Khi xem xét hồ sơ của Hồng y Prevost, các cử tri hồng y có thể đã cân nhắc một số yếu tố. Trong đó, ông Prevost có hàng thập niên kinh nghiệm làm công tác mục vụ ở Nam Mỹ, cũng như ở Bắc Mỹ. Và với tư cách là Bề trên Tổng quyền của dòng Augustine , ông đã đi nhiều nơi để thăm nhiều các giáo xứ, giáo dân ông phụ trách.

 Giáo hoàng Leo XIV phát biểu từ ban công Vương cung thánh đường Thánh Peter hôm 8-5. Ảnh: AFP

Giáo hoàng Leo XIV phát biểu từ ban công Vương cung thánh đường Thánh Peter hôm 8-5. Ảnh: AFP

Sẽ theo hướng đi của Giáo hoàng Francis?

Nhận định về Giáo hoàng Leo XIV, bà Elise Allen – chuyên gia phân tích của đài CNN về Vatican – cho rằng giáo hoàng là một người điềm tĩnh, công bằng.

"Mặc dù là người phương Tây, nhưng ông ấy sẽ rất chú ý đến nhu cầu của một giáo hội toàn cầu. Chúng ta có giáo hoàng đã dành hơn một nửa sự nghiệp của mình ở nước ngoài khi là một nhà truyền giáo ở Peru. Ông ấy được coi là người điềm tĩnh, cân bằng, công bằng và rất rõ ràng về những gì ông nghĩ cần phải làm nhưng không phải là kiểu người ép buộc” – bà Allen nói.

Ngày 8-5, trong lần ra mắt đầu tiên trước các tín đồ và người dân, từ ban công Vương cung thánh đường Thánh Peter, Giáo hoàng Leo XIV mặc bộ lễ phục truyền thống của giáo hoàng: áo chùng trắng, áo choàng ngắn màu đỏ và cây thánh giá vàng đeo ở cổ. Trong khi đó, Giáo hoàng Francis trước đây xuất hiện trước người dân trong bộ lễ phục trắng đơn giản của giáo hoàng.

Điều này khiến nhiều người cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy tân giáo hoàng sẽ theo chủ nghĩa truyền thống hơn so với Giáo hoàng Francis.

Tuy nhiên, The Conversation không đồng ý với quan điểm này. Cách tân giáo hoàng chọn tông hiệu cho thấy những quan điểm mà ông theo đuổi.

Trong buổi họp báo sau mật nghị ngày 8-5, người phát ngôn Vatican – ông Matteo Bruni cho biết việc giáo hoàng lựa chọn tên Leo là "một sự ám chỉ rõ ràng đến giáo lý xã hội hiện đại của Giáo hội, vốn bắt đầu với Rerum Novarum". Ông Bruni cũng nhấn mạnh rằng cái tên này thể hiện mối liên hệ giữa "con người, công việc và người lao động trong thời đại trí tuệ nhân tạo", cho thấy sự tương đồng giữa tốc độ thay đổi công nghệ hiện nay và thế kỷ XIX.

“Rerum Novarum” mà ông Bruni nhắc tới là thông điệp nổi tiếng của Giáo hoàng Leo XIII vào năm 1891. Thông điệp này được gửi tới toàn thể tín hữu Công giáo. Tác phẩm này phản ánh những hệ lụy nghiêm trọng mà Cách mạng Công nghiệp gây ra đối với đời sống người lao động.

 Giáo hoàng Leo XIV cử hành thánh lễ tại Nhà nguyện Sistine hôm 9-6. Ảnh: VATICAN MEDIA

Giáo hoàng Leo XIV cử hành thánh lễ tại Nhà nguyện Sistine hôm 9-6. Ảnh: VATICAN MEDIA

Trong thông điệp, Giáo hoàng Leo XIII nhấn mạnh quyền của người lao động được thành lập công đoàn và chỉ trích các điều kiện làm việc và sinh sống họ đối mặt. Ông cũng bảo vệ các quyền khác mà người lao động bình thường xứng đáng được hưởng từ chủ và chính phủ.

Trong bài phát biểu đầu tiên, Giáo hoàng Leo XIV cũng nhấn mạnh vai trò của người Công giáo và nhà thờ trong việc kiến tạo hòa bình và xây dựng cầu nối, trong cuộc đối thoại với các truyền thống và nền văn hóa tôn giáo khác.

Từ những yếu tố này, The Conversation cho rằng Giáo hoàng Leo XIV có thể không đi theo chính xác bước chân của Giáo hoàng Francis, nhưng ông có thể sẽ tiếp tục bước đi theo cùng một hướng với Giáo hoàng Francis.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/giao-hoang-leo-xiv-giai-ma-lua-chon-cua-mat-nghi-hong-y-post849004.html