Giáo dục phổ thông ở Úc chia tổ hợp môn học như thế nào?
Chương trình tốt nghiệp phổ thông trung học tại Úc được thiết kế gồm khoảng 50 môn học và trên 40 ngôn ngữ (gồm cả ngôn ngữ ký hiệu).
LTS: Chị Thoại Giang, hiện đang sống ở thành phố Melbourne, làm việc cho Chính phủ Úc đã gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về chương trình giáo dục phổ thông tại Úc.
Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Chương trình giáo dục phổ thông của Úc kéo dài 13 năm, chia làm 2 giai đoạn gồm giai đoạn nền tảng (từ lớp vỡ lòng đến lớp 10) và giai đoạn tốt nghiệp (lớp 11 và lớp 12).
Trong đó bậc tiểu học kéo dài 7 năm từ lớp vỡ lòng đến lớp 6, bậc trung học kéo dài 6 năm chia làm 2 giai đoạn: nâng cao kiến thức và hiểu biết tổng quát từ lớp 7 đến lớp 10 và giai đoạn tốt nghiệp từ lớp 11 đến lớp 12.
Một năm học của Úc được chia làm 4 kỳ, mỗi kỳ 10 tuần, giữa các kỳ là thời gian nghỉ, nghỉ thu, đông và xuân kéo dài 2 tuần, nghỉ hè 6 tuần.
Ở bậc tiểu học, học sinh bắt đầu một ngày học từ 9h sáng và kết thúc lúc 3.30h chiều. Bậc trung học cũng bắt đầu từ 9h sáng nhưng kết thúc sớm hơn lúc 3h chiều.
Chương trình giáo dục giai đoạn nền tảng vun đắp hiểu biết tổng quát (từ lớp vỡ lòng đến lớp 10) bao gồm 8 lĩnh vực: Tiếng Anh, Toán, Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Giáo dục công dân, Kinh tế và Kinh doanh, Địa lý, Lịch sử), Nghệ thuật (Múa, Kịch, Nghệ thuật truyền thông, Âm nhạc, Nghệ thuật thị giác, Thiết kế truyền thông), Công nghệ thông tin, Giáo dục thể chất và Ngôn ngữ.
Ở bậc tiểu học, giáo viên chủ nhiệm phụ trách hầu hết các môn học ngoại trừ các lĩnh vực Nghệ thuật, Công nghệ thông tin, Giáo dục thể chất và Ngôn ngữ do giáo viên chuyên ngành giảng dạy.
Trong chương trình chính khóa còn bao gồm các hoạt động như cắm trại, dã ngoại, tham quan, hội thao.
Ví dụ mỗi năm trường tiểu học Yarraville West Primary School dành khoảng hơn 10 ngày cho những hoạt động này. Ngoài ra còn có các hoạt động ngoại khóa ngoài giờ học như câu lạc bộ phim ảnh, câu lạc bộ đua thuyền mô hình, triển lãm nghệ thuật, lễ hội hóa trang, văn nghệ cuối năm.
Chương trình giáo dục nền tảng của Úc được xây dựng nhằm đào tạo học sinh trở thành một công dân trong xã hội có sự hiểu biết tổng quát với tinh thần đa văn hóa, có đạo đức, có tư duy phản biện và sáng tạo, có kỹ năng văn, toán, công nghệ thông tin và truyền thông để ứng dụng trong cuộc sống.
Nhà trường có thể linh hoạt trong việc thiết kế chương trình dạy và học để giúp học sinh đạt được những kỹ năng trên theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chương trình giáo dục giai đoạn tốt nghiệp (lớp 11 và lớp 12) được chia làm 12 lĩnh vực bao gồm: Tiếng Anh, Toán, Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Nghệ thuật biểu diễn, Nghệ thuật thị giác, Công nghệ, Công nghệ kỹ thuật số, Giáo dục thể chất, Ngôn ngữ, Kinh tế và Kinh doanh, Điều tra mở rộng. Những môn học được phân thành nhiều "tổ hợp" tương ứng với các khoa chuyên ngành trong đại học.
Tổ hợp Tiếng Anh (tương tự Ngữ văn ở Việt Nam) gồm 4 môn học từ dễ đến khó là Tiếng Anh - ngôn ngữ phụ, Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh và Văn học Anh.
Du học sinh sẽ được học và thi môn Tiếng Anh - ngôn ngữ phụ nhưng những học sinh bản xứ chỉ được chọn các môn có trình độ cao hơn là Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh hoặc Văn học Anh.
Tương tự tổ hợp Toán gồm các môn từ dễ đến khó là Toán đại cương, Toán nâng cao, Phương pháp Toán và Toán cao cấp. Học sinh chọn môn học dựa theo nhu cầu ứng dụng.
Ví dụ, các em có khuynh hướng xã hội, nhân văn hay nghệ thuật thường chọn Toán đại cương hay Toán nâng cao trong khi những học sinh muốn vô Y khoa sẽ chọn Phương pháp Toán, nếu nhắm ngành kỹ thuật thì chọn Toán cao cấp.
Tổ hợp Khoa học gồm các môn khác nhau không phân biệt mức độ khó dễ gồm Sinh vật, Hóa học, Môi trường, Vật lý và Tâm lý học. Trong đó Hóa học là môn bắt buộc đối với thí sinh ứng tuyển Y khoa, Sinh học là môn bắt buộc cho Nha khoa.
Tổ hợp Xã hội và Nhân văn gồm các môn Chính trị Úc và thế giới, Cổ điển học, Địa lý, Lịch sử, Triết học, Tôn giáo và xã hội, Xã hội học, Văn bản và truyền thống.
Tổ hợp Nghệ thuật biểu diễn gồm các môn Múa, Kịch, Âm nhạc và Sân khấu. Tổ hợp Nghệ thuật thị giác gồm các môn Nghệ thuật, Truyền thông, Thu thanh, Thiết kế hình ảnh truyền thông.
Tổ hợp Công nghệ gồm các môn Nông nghiệp và làm vườn, Thực phẩm, Thiết kế và công nghệ sản phẩm, Kỹ thuật hệ thống.
Tổ hợp Kinh tế và Kinh doanh gồm các môn Kế toán, Quản lý kinh doanh, Kinh tế, Công nghiệp và hãng xưởng, Pháp lý.
Từ giữa năm lớp 10 học sinh được hướng dẫn định hướng nghề nghiệp và chọn môn học dựa trên năng lực và sở thích.
Tuy nhiên các em được khuyến khích chọn những môn học ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ một học sinh giỏi toán chỉ nên chọn tối đa 2 môn toán và giành suất học để khám phá những môn khác nhằm mở rộng kiến thức.
Ở giai đoạn tốt nghiệp này, học sinh bắt buộc phải học ít nhất một môn trong tổ hợp Tiếng Anh. Tất cả các môn khác đều là môn tự chọn tùy theo định hướng nghề nghiệp của từng cá nhân học sinh, thiết kế môn học của nhà trường và nhu cầu của các học sinh khác.
Ví dụ học sinh có nguyện vọng học đại học ngành kỹ thuật ngoài môn học bắt buộc là Tiếng Anh cần phải chọn thi môn Phương pháp Toán và một trong ba môn Toán cao cấp, Vật lý hoặc Hóa học.
Đây là những môn học phổ biến nên hầu như trường nào cũng có giảng dạy. Tuy nhiên có những trường tuyển như "The Mac.Robertson Girls’ High School" rất nhiều học sinh muốn vô Y khoa, ai cũng đăng ký môn Hóa học, cung ít hơn cầu nên học sinh phải cạnh tranh với các bạn cùng trường cho một suất Hóa học.
Để được cấp bằng tốt nghiệp học sinh phải hoàn tất ít nhất 16 đơn vị học tập (unit), tương đương 4 môn học trong 2 năm cuối cấp. Tuy nhiên hầu hết học sinh thi 6 môn để được cộng điểm thưởng.
Một môn học gồm có 4 unit. Unit 1 và unit 2 là kiến thức cơ bản được học ở lớp 11. Unit 3 và unit 4 là kiến thức nâng cao học ở lớp 12.
Để giảm áp lực thi cử cho học sinh bài kiểm tra trong lớp được tính khoảng 40% và điểm thi đóng góp 60% cho điểm tổng kết tốt nghiệp. Các em cũng thường thi tốt nghiệp một môn trong năm lớp 11 và năm môn còn lại ở năm lớp 12.
Chương trình tốt nghiệp phổ thông trung học được thiết kế gồm khoảng 50 môn học, và trên 40 ngôn ngữ (gồm cả ngôn ngữ ký hiệu).
Bên cạnh Tiếng Anh là môn học bắt buộc, những môn học được học sinh chọn thi tốt nghiệp nhiều nhất là các môn Toán nâng cao, Tâm lý học, Phương pháp Toán, Sức khỏe và phát triển con người, Sinh vật, Quản lý kinh doanh, Hóa học, Giáo dục thể chất và Pháp lý.
Trong đó những môn khó nhất là Văn học Anh, Hóa học, Toán cao cấp. Để công bằng, khi xếp hạng thi tốt nghiệp Bộ Giáo dục sẽ điều chỉnh điểm các môn khó lên và ngược lại điều chỉnh điểm các môn dễ xuống. Các trường đại học sẽ dựa vào thứ hạng tốt nghiệp để tuyển sinh.
Ngoài môn Tiếng Anh bắt buộc các trường đại học ở Úc chỉ yêu cầu thêm từ 1 đến 2 môn học khác.
Do học sinh thông thường chọn khoảng 6 môn thi tốt nghiệp các em sẽ rộng cửa ứng tuyển vào nhiều ngành nghề khác nhau.
Ví dụ một học sinh chọn các môn Tiếng Anh, Kế toán, Phương pháp Toán, Toán cao cấp, Vật lý, Hóa học thì em có thể chuyển đổi giữa Y khoa, Luật, Kỹ thuật và nhiều ngành khác nếu có thay đổi vào phút cuối.
Tùy theo kinh phí, dựa trên số lượng học sinh nhập học và nhu cầu của học sinh nhà trường sẽ tổ chức giảng dạy những môn học nào.
Ví dụ ở trường trung học Williamstown High School có 1500 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12, trong đó có 400 học sinh lớp 11 và 12.
Trường có 120 giáo viên và 30 nhân viên hỗ trợ giáo dục, giảng dạy 66 môn học tốt nghiệp.
Tuy nhiên một giáo viên có thể phụ trách nhiều môn học. Ví dụ thầy giáo môn Vật lý cũng giảng dạy Toán cao cấp. Thầy giáo Phương pháp Toán thì kiêm nhiệm luôn môn Hóa học.