Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Tư tưởng trọng nam hơn nữ, ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều gia đình, đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở tất cả các địa bàn trong tỉnh. Đáng lo ngại là, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh không chỉ xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, mà cả ở thành phố, thị trấn, thị tứ. Để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên luôn cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và ý thức của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh để về nhiệm vụ này. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Liễu, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh.

Cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Muôn, huyện Mường La, tuyên truyền về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh.

PV: Xin bà cho biết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua và những hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh?

Nguyễn Thị Liễu: Những năm qua, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh ta có chiều hướng gia tăng và khó kiểm soát. Tỷ số giới tính khi sinh năm 2020 là 118,2 bé trai/100 bé gái; năm 2021 là 119,2 bé trai/100 bé gái và trong 5 tháng năm 2022, tỷ số này là 118,2 bé trai/100 bé gái, là địa phương có tỷ số chênh lệch giới tính cao so với các tỉnh khác trong cả nước. Trong đó, biểu hiện mất cân bằng rõ rệt nhất là huyện Vân Hồ, Quỳnh Nhai, Sông Mã...

Nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xuất phát từ các yếu tố văn hóa, xã hội, kinh tế và liên quan đến tư tưởng, phong tục, tập quán của người dân. Đó là tâm lý muốn có con trai để nối dõi tông đường, tư tưởng trọng nam khinh nữ... Lạm dụng những tiến bộ khoa học để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh, như siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi, nạo phá thai với lý do lựa chọn giới tính.

Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai; nam giới khó tìm được bạn đời khi đến tuổi kết hôn. Một bộ phận nam giới có thể phải kết hôn muộn và nhiều người trong số họ, đặc biệt là nam giới yếu thế - những người nghèo và học vấn thấp, không có khả năng kết hôn. Sự khủng hoảng về hôn nhân này để lại một loạt hậu quả về mặt nhân khẩu học và thay đổi trong hôn nhân và gia đình. Đồng thời, gia tăng các tệ nạn xã hội, nhất là mại dâm nữ, nam; các nguy cơ về lây nhiễm HIV/AIDS; tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; thiếu hụt lao động ở những ngành nghề cần nhiều lao động nữ...

PV: Giải pháp nào để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thưa bà?

Nguyễn Thị Liễu: Chi cục đã tham mưu cho Sở Y tế triển khai thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giai đoạn I (2016-2020) và giai đoạn II (2021-2025), trình UBND tỉnh ban hành, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Hàng năm, tham mưu cho ngành Y tế tỉnh phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tăng cường truyền thông về can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, kiến thức về giới, bình đẳng giới. Tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Duy trì hoạt động các câu lạc bộ “Phụ nữ không sinh con thứ ba, giúp nhau làm kinh tế, nói không với lựa chọn giới tính khi sinh”, “Giới và bình đẳng giới”, “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”... Lồng ghép nội dung giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trong chương trình giảng dạy tại các trường THPT, cao đẳng, đại học. Tổ chức hoạt động ngoại khóa bằng hình thức sân khấu hóa nội dung bình đẳng giới, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh...

Bên cạnh đó, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho đội ngũ cán bộ y tế cung cấp các dịch vụ có liên quan đến khả năng lựa chọn giới tính thai nhi. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm hành vi lựa chọn và loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính tại các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ. Xử lý nghiêm các cơ sở y tế thực hiện nạo phá thai liên quan đến phân biệt giới tính và dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi.

PV: Việc kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh về lâu dài cần phải có những hành động như thế nào?

Nguyễn Thị Liễu: Để đạt được mục tiêu: Thực hiện có hiệu quả việc giảm tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh, từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng và tự nhiên vào năm 2025, điều quan trọng là nhận thức về giới và hành vi của người dân về “sinh đẻ theo quy luật tự nhiên”, không lựa chọn giới tính trước sinh. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền cơ sở cần chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt đồng bộ các biện pháp, đưa nội dung này vào việc phân loại, đánh giá và xét thi đua cán bộ, đảng viên hàng năm. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở y tế công lập, các phòng khám y tế tư nhân cung cấp dịch vụ, nếu phát hiện cơ sở siêu âm tiết lộ giới tính thai nhi trước khi sinh liên quan đến việc lựa chọn giới tính cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

PV: Trân trọng cảm ơn!

Hồng Luận (Thực hiện)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/giam-thieu-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-51216