Giảm thiểu chất thải nhựa, túi nilon: Cần 'sức mạnh mềm' tiêu dùng Xanh
Theo giới chuyên gia, điều quan trọng nhất để giảm ô nhiễm nhựa là phải khơi dậy được 'sức mạnh mềm' từ ý thức của mỗi người dân thông qua thay đổi thói quen tiêu dùng Xanh, thân thiện môi trường.
Quyết tâm ngăn chặn tình trạng “ô nhiễm trắng” do chất thải nhựa và túi nilon gây ra, trong những năm qua, Chính phủ đã có những hành động rất quyết liệt, nhất là cơ chế ưu đãi đối với việc thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.
Tuy vậy, để tiến tới một Hiệp ước chấm dứt ô nhiễm nhựa toàn cầu, theo giới chuyên gia, điều quan trọng nhất hiện nay là cần phải khơi dậy được “sức mạnh mềm” từ ý thức của mỗi người dân thông qua việc thay đổi thói quen tiêu dùng các sản phẩm Xanh, ít nhựa và thân thiện với môi trường.
Đưa “bệ đỡ” chính sách vào cuộc sống
Tại Hội thảo “Thúc đẩy giải pháp thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần tại Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 19/12, tại Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trung Thắng thẳng thắn nêu ra thực tế các sản phẩm từ nhựa, nilon từ khi “ra đời” đã mang lại không ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người.
Tuy nhiên, do đặc tính khó phân hủy, các sản phẩm nhựa, túi nilon sử dụng một lần đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái Đất.
Nêu dẫn chứng, ông Thắng cho hay hàng năm, ước tính có khoảng 4,8 đến 12,7 triệu tấn nhựa thải vào các đại dương trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy mỗi năm, có khoảng 3,9 triệu tấn nhựa (các loại nhựa PET, LDPE, HDPE và PP) được tiêu thụ. Trong số đó, có tới 2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ, tức là không được tái chế.
Bên cạnh đó, số liệu từ báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên cho thấy lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu từ ngành công nghiệp nhựa chiếm khoảng 1.800 triệu tấn CO2, tương đương vào năm 2019; và dự kiến tăng khoảng 3,5% hàng năm nếu không có các biện pháp kiểm soát.
“Nhận thức được nguy cơ nghiêm trọng của rác thải nhựa đối với môi trường, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt nhiều chính sách nhằm hạn chế các sản phẩm nhựa dùng một lần cũng như các chính sách ưu đãi sản xuất túi nilon thân thiện môi trường và các sản phẩm thay thế khác,” ông Thắng nói.
Trong đó, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã quy định điều khoản riêng về chất thải nhựa. Cụ thể, theo Điều 73, các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học được chứng nhận sẽ được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của luật.
Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam cũng đã xác định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong hướng dẫn thực hiện các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở tái chế rác thải nhựa và các dự án sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần…
Tuy vậy, để đạt được các mục tiêu đề ra tại đề án trên (như phấn đấu đến năm 2025, sử dụng 100% bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần), theo ông Thắng, việc quan trọng nhất vẫn cần phải đi từ ý thức của mỗi người dân, cộng đồng, doanh nghiệp.
Thúc đẩy các giải pháp tiêu dùng Xanh
Hiện nay, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam, triển khai các hoạt động nghiên cứu áp dụng các giải pháp thay thế cho các sản phẩm nhựa dùng một lần tại Việt Nam.
Với tinh thần đó, tại Hội thảo các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, đề xuất áp dụng các giải pháp thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần. Trong đó, mua sắm, tiêu dùng Xanh thông qua việc sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khu chợ là giải pháp được quan tâm nhất.
Chia sẻ về thị trường các sản phẩm thay thế tại Việt Nam, ông Nguyễn Lê Thăng Long, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, nhấn mạnh hiện nay tại thị trường Việt Nam có nhiều loại túi thân thiện môi trường, có khả năng phân hủy sinh học, thường là túi dùng nguyên liệu có gốc từ thực vật.
Thực tế tại nhiều siêu thị hiện nay cho thấy các sản phẩm dùng một lần (như bát, đĩa, khay, cốc) được làm từ xơ tre, bột sắn, hộp đựng làm từ bã mía; ống hút nhựa được thay bằng ống hút sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên (giấy, gạo, tre nứa…); màng phủ nông nghiệp, màng phủ sáp ong, nhãn dán hoa quả, bao bì tan trong nước đã được sử dụng khá phổ biến.
“Nước ta có nguồn nguyên liệu tự nhiên dồi dào, cùng với đó Việt Nam đã xây dựng khung chính sách, định hướng phát triển quốc gia bền vững và được hiện thực hóa một cách rõ rệt. Điều này tạo ra thị trường năng động, nhiều tiềm năng để phát triển, chuyển đổi sang sản phẩm thân thiện môi trường,” ông Long nhận định.
Tuy vậy, để thúc đẩy các sản phẩm thay thế nhựa, theo ông Nguyễn Minh Khoa, chuyên gia của Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam cần khuyến khích, thúc đẩy các hành động tự nguyện hạn chế sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần; có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn công nhận với các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần.
Cùng với đó, ông Khoa cũng đề xuất thời gian tới cần có hướng dẫn cụ thể về tiếp cận nguồn vốn, thuế, phí và các ưu đãi hỗ trợ với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sản phẩm thay thế tới người tiêu dùng; hỗ trợ xây dựng mạng lưới, khởi nghiệp đổi mới; các hoạt động quảng bá, tiếp thị trong và ngoài nước.
“Tôi tin tưởng rằng với những phát hiện của nghiên cứu, chúng ta sẽ cùng nhau đóng góp vào các nỗ lực quốc gia, khu vực và thế giới trong quá trình triển khai các chính sách về quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam cũng như tiến tới một Hiệp ước toàn cầu chấm dứt ô nhiễm nhựa toàn cầu,” đại diện Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh./.