Đây là lí do chè Việt Nam rơi vào 'bẫy giá rẻ' của thế giới
Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè. Tuy nhiên, giá chè Việt Nam xuất khẩu bình quân chỉ đạt 65% so với mức bình quân thế giới.
Ngày 5-11, Diễn đàn "Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao" đã diễn ra tại tỉnh Phú Thọ.
Thông tin tại diễn đàn, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè, sản phẩm được xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu bình quân của nước ta hiện chỉ đạt khoảng 65% so với mức bình quân của thế giới và chỉ bằng 55% giá bình quân của chè xuất khẩu từ Ấn Độ và Sri Lanka.
Ông Thạch đánh giá, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá chè xuất khẩu bình quân của nước ta còn thấp do phần lớn chè xuất khẩu của Việt Nam là chè thô, chưa qua chế biến sâu, đóng gói đơn giản, thiếu nhãn mác.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng cho hay trong tổng số 194 ngàn tấn chè sản xuất trong năm 2022 thì xuất khẩu đạt 146 ngàn tấn, trị giá 237 triệu USD; trong khi đó tiêu thụ trong nước chỉ có 48 ngàn tấn, trị giá đã tương đương với 325 triệu USD.
Theo ông Mạnh, đến nay, Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau với sản phẩm chủ yếu là chè đen và chè xanh. Tuy nhiên, giá trị thành phẩm chè của Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 70-75% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới.
Đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, để phát triển vùng sản xuất và nâng cao chất lượng chè, cần chú trọng xây dựng vùng chè an toàn, kết hợp với cơ cấu giống phù hợp, định hướng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và quy hoạch các nhà máy chế biến nhằm gia tăng giá trị. Đồng thời liên kết các vùng chè đặc sản với chương trình OCOP và phát triển du lịch.
Giải thích rõ ràng hơn về giá chè, ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho rằng nhìn ở mức chung chè Việt Nam xuất khẩu có giá rẻ nhưng vẫn cao hơn giá thế giới.
Theo ông Long, thế giới nhìn nhận thị trường chè Việt Nam là thị trường giá rẻ và tìm kiếm lợi nhuận tại đây. Trong khi đó, người làm chè đang ở tình trạng dễ mua, dễ bán nên không trau chuốt, làm mới mình mà chỉ tập trung sản xuất để đạt thỏa thuận mua bán trước mắt. Đó là lí do vì sao chè Việt Nam dễ rơi vào “bẫy giá rẻ” của thế giới.
“Mảng nội tiêu chúng ta làm rất tốt, như tại các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Sơn La, Thái Nguyên, có loại chè bán thấp nhất ở giá bình quân 7 USD/kg nhưng cũng có loại chè bán với giá khoảng hơn 20 USD" - ông Long nói.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, hiện nay có nhiều nhà máy nhỏ chắp vá đang rơi vào bẫy giá rẻ do thời gian dài chưa có đổi mới: nông nghiệp phá vỡ sản xuất tập trung, nông công nghiệp còn ít. Và họ lại tiếp tục tìm mua búp rẻ.
Như vậy, để khắc phục hiện trạng này, cần tập trung liên kết doanh nghiệp, HTX, nông dân, chính quyền địa phương. Tất cả cần vào cuộc để khai thác tiềm năng, bỏ tư duy “dìm giá”, phân tán thị trường.
Nguồn PLO: https://plo.vn/day-la-li-do-che-viet-nam-roi-vao-bay-gia-re-cua-the-gioi-post818336.html