Giám sát chống dịch: Không hợp thức hóa sai phạm!
Nhiều ý kiến cho rằng báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát Quốc hội về công tác phòng, chống dịch COVID-19 còn chung chung, chưa đủ rõ để quy trách nhiệm.
Ngày 11-4, tiếp tục phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát QH về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng’’.
Giám sát phải rõ địa chỉ trách nhiệm
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là chuyên đề giám sát tối cao, làm rõ thực trạng, đánh giá kết quả, tồn tại, yếu kém, các nguyên nhân khách quan, chủ quan. “Giám sát phải gắn được trách nhiệm. Tôi thấy ở trong này “một số”, “nhìn chung”, “có lúc, có nơi” còn dùng nhiều lắm. Không có địa chỉ, kết quả cụ thể, không có việc cụ thể” - ông Vương Đình Huệ nhận xét.
Cũng theo ông Huệ, ngay cả nhận định “luật pháp còn nhiều hạn chế” cũng không chỉ rõ được luật pháp nào hạn chế.
Đi vào nội dung cụ thể, ông Huệ đề nghị đoàn giám sát lưu ý trình bày rõ hiện trạng thanh, quyết toán các nguồn trong và ngoài nước. Làm rõ còn bao nhiêu chưa được thanh, quyết toán, chưa được chi trả, có thất thoát, sai phạm gì. Việc quản lý, sử dụng nguồn lực cụ thể cho phòng, chống dịch ra sao, lượng vaccine thừa, quá hạn cụ thể là bao nhiêu...
“Có những nơi nhà tài trợ tặng địa phương hàng mấy trăm tỉ, 1.000 tỉ đồng để mua vaccine thì quản lý, sử dụng thế nào? Trong này (dự thảo báo cáo giám sát - PV) không có địa chỉ, toàn là “một số nơi”, thế này khó mà QH thông qua được” - vẫn lời Chủ tịch QH.
Kiến nghị cho thanh, quyết toán các chi phí...
Một nội dung đáng chú ý trong báo cáo của đoàn giám sát là trong phòng, chống dịch COVID-19, việc tiếp nhận trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm, hóa chất được tài trợ thiếu thủ tục, hồ sơ. Từ đó, không xác định được giá trị, không đủ cơ sở pháp lý xác nhận quyền sở hữu toàn dân, quản lý, theo dõi, hạch toán.
Đoàn giám sát kiến nghị QH cho phép xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với các tài sản trên từ ngày 1-1-2020 đến hết 31-12-2022 tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã tiếp nhận, quản lý, sử dụng. Cạnh đó, kiến nghị cho phép thanh, quyết toán chi phí đã cung cấp thực tế dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 theo cơ chế đặt hàng nhưng chưa có hợp đồng đặt hàng theo khối lượng thực tế phát sinh theo giá do UBND cấp tỉnh quyết định.
Về vấn đề này, Chủ tịch QH đề nghị làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và thực tiễn để đề xuất như trên, đồng thời làm rõ tồn đọng hiện nay là bao nhiêu, ở đâu. “QH không ai dám bấm nút, tôi không dám bấm nút chuyện này. Đây là mình hợp thức hóa sai phạm” - ông Huệ nói và đề nghị giao lại cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xử lý theo thẩm quyền. Nội dung nào vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định chứ không thể ghi như vậy.
Giải trình sau đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho hay phần lớn tài sản tài trợ phòng, chống dịch chưa được xác lập sở hữu toàn dân do thiếu các thủ tục, giấy tờ chứng minh, thiếu hóa đơn, chưa xác định giá trị tài sản… Về phía Chính phủ, dù đã có quy định cụ thể nhưng thời điểm đó, một số doanh nghiệp, người dân có đóng góp tài sản, thủ tục, giấy tờ sau này chưa được hoàn thiện nên vướng mắc.
Với các trường hợp cho mượn, cho thuê hoặc cho sử dụng trước hóa chất, vật tư y tế nhưng đến hiện tại không có hợp đồng cho thuê, cho mượn, hoặc là doanh nghiệp, tổ chức cho thuê, cho mượn cũng không có nhu cầu nhận lại tài sản đó bằng hiện vật mà muốn nhận lại bằng tiền. “Bây giờ nhận lại bằng tiền thì tính giá nào cũng đang vướng mắc” - ông Hưng trình bày.
Đề nghị báo cáo kết quả nghiên cứu vaccine
Cần làm rõ nguyên nhân vì sao thời gian đầu chúng ta không tiếp cận được vaccine, có phải do cơ chế, chính sách hay công tác tổ chức thực hiện? Trước đây, trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin rằng cơ chế để tiếp cận vacine rất rủi ro và các cơ chế, chính sách của chúng ta không chấp nhận các rủi ro như thế. Có phải nguyên nhân đấy để cho cử tri, nhân dân biết được những khó khăn của chúng ta?
Cũng liên quan đến vấn đề vaccine, theo báo cáo, ngân sách bỏ ra 4,6 tỉ đồng để chủ động nghiên cứu vaccine, bây giờ cũng phải báo cáo lại với QH kết quả được đến đâu, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm như thế nào?
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế VŨ HỒNG THANH
Chỉ hơn ba dòng nói về kit test Việt Á
Chủ tịch QH nhắc tới hai sai phạm lớn trong công tác phòng, chống dịch là “chuyến bay giải cứu” và kit test Việt Á. “Huy động nguồn lực là kể cả những việc đó, chuyến bay giải cứu cũng là huy động nguồn lực, cũng là phòng, chống dịch chứ không nằm ngoài phạm vi của cuộc giám sát này” - ông Huệ nhấn mạnh.
“Tôi rà soát trong báo cáo 90 trang, 419 footnote. Tổng cộng 110 trang rất dày dặn nhưng chỉ thấy hơn ba dòng nói về kit test Việt Á” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu và đề nghị đoàn giám sát bổ sung để đáp ứng được vấn đề đại biểu QH, cử tri và nhân dân quan tâm.
Nguồn PLO: https://plo.vn/giam-sat-chong-dich-khong-hop-thuc-hoa-sai-pham-post728335.html