Giám sát chặt để Việt Nam không trở thành nơi trung chuyển hàng hóa của nước thứ ba
Bộ Công thương đã chỉ đạo và đề nghị thực hiện một loạt giải pháp để Việt Nam chủ động ứng phó với xung đột thương mại có thể mở rộng trong năm 2025.
Trước nguy cơ xung đột thương mại toàn cầu, Bộ Công thương vừa đưa ra các chỉ đạo để chủ động thích ứng với những biến động, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng.
![Sản xuất thép tại Việt Nam. Ảnh: VĂN PHÚC](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_17_51460417/5ded8ed3b99d50c3098c.jpg)
Sản xuất thép tại Việt Nam. Ảnh: VĂN PHÚC
Bộ yêu cầu các cơ quan thương mại và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tục theo dõi tình hình kinh tế, chính trị để kịp thời tham mưu cho Chính phủ, đồng thời xây dựng các phương án ứng phó với căng thẳng thương mại toàn cầu.
Về quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, Bộ Công thương khẳng định hai nền kinh tế có sự bổ sung lẫn nhau, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu cạnh tranh với các nước thứ ba, không đối đầu trực tiếp với sản phẩm Hoa Kỳ.
Bộ cũng nhấn mạnh, việc duy trì đối thoại qua cơ chế TIFA (hợp tác thương mại và đầu tư) sẽ giúp hai quốc gia giải quyết các vấn đề tồn đọng, củng cố mối quan hệ chiến lược.
Để ứng phó với sự biến động của thị trường quốc tế, Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, kiểm soát nguồn cung nguyên vật liệu và thận trọng trong hợp tác với các quốc gia có tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ.
Đồng thời, bộ sẽ đẩy mạnh thiết lập các thương vụ tại những thị trường tiềm năng và tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua 17 hiệp định thương mại tự do.
Bộ Công thương cũng chỉ đạo giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư nước ngoài và sàng lọc nghiêm ngặt nguồn vốn đầu tư để tránh trường hợp Việt Nam trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của nước thứ ba.