Giám đốc Sở GD Sơn La: Mua SGK cho HS mượn chỉ nên áp dụng với vùng khó khăn

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cho rằng việc mua sách cho học sinh mượn chỉ nên áp dụng với trường ở vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ đang đề xuất trích ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn. Cụ thể trích 3.500 tỉ đồng năm đầu tiên để mua sách giáo khoa các cấp đưa vào thư viện trường học, đáp ứng 70% nhu cầu. Các năm tiếp theo sẽ bổ sung 20% mỗi năm.

Đây được đánh giá là đề xuất có ý nghĩa nhân văn trong giáo dục. Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn về việc triển khai trong thực tế sao cho hiệu quả, sát với nhu cầu thực tế tại các địa phương.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Huy Hoàng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cho rằng, việc triển khai đề xuất trích ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa vào thư viện cho học sinh mượn là một chính sách tốt, có nhiều ý nghĩa, nhất là đối với đồng bào vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Để triển khai trong thực tế, ông Nguyễn Huy Hoàng nêu ý kiến, sách nên cấp trực tiếp cho các nhà trường để dùng chung và dùng lâu dài. Mỗi năm nên có phương án bổ sung một chút về lượng sách, ví dụ tầm 10 – 15%.

Thực tế tại Sơn La, ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết, Hội đồng nhân dân tỉnh đã có Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND về việc trang bị sách giáo khoa cho các trường tiểu học, trung học cơ sở công lập để phục vụ học sinh diện chính sách trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, hỗ trợ sách giáo khoa cho vùng đặc biệt khó khăn, học sinh diện chính sách bằng hình thức trích ngân sách tỉnh để mua, cấp sách cho thư viện cho các trường dùng chung, hàng năm có kinh phí bổ sung hao hụt.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cho rằng việc mua sách cho học sinh mượn chỉ nên áp dụng cho các trường vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có mức sống thấp.

“Những vùng thuận lợi về kinh tế nên vận dụng xã hội hóa cả khối công lập, hay khối ngoài công lập để tăng cường nguồn lực cho xã hội, giảm bớt áp lực cho ngân sách. Vì tư tưởng cốt lõi của xã hội hóa giáo dục là thường xuyên tìm thêm các nguồn thu để tăng tỷ lệ ngân sách chi cho các hoạt động này, đồng thời quản lý tốt để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí đó, rút ngắn khoảng cách giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn.

Vì thế, vùng thuận lợi nếu phát huy nguồn lực xã hội hóa tốt thì ngân sách dư ra sẽ được tăng cường cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc xã hội hóa và ngân sách giáo dục như vậy sẽ hài hòa về đầu tư và sử dụng”, ông Hoàng cho biết.

Bên cạnh đó, nói về việc hỗ trợ cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy học tập, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cho rằng, nếu có thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu một đề án hoặc một chương trình mục tiêu hỗ trợ nguồn lực về sách giáo khoa, cơ sở vật chất phục vụ việc dạy học cho các vùng khó khăn, sẽ có ý nghĩa thực tiễn rất lớn.

“Thực tế các tỉnh miền núi còn khó khăn, dù rất quan tâm đến giáo dục nhưng nguồn lực còn eo hẹp nên việc mua sắm cơ sở vật chất theo Quyết định 1436/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng gặp nhiều khó khăn.

Sách giáo khoa có thể không là vấn đề quá lớn so với mức sống ở vùng thuận lợi nhưng đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì đây là một khoản khiến phụ huynh còn gặp vất vả. Nếu có một chương trình hỗ trợ vừa đáp ứng được sách giáo khoa vừa đáp ứng cơ sở vật chất phục vụ học tập thì sẽ rất tốt và đảm bảo được sự đồng bộ”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La nêu quan điểm.

Cũng bày tỏ ý kiến về đề xuất mua sách giáo khoa đưa vào thư viện, ông Nguyễn Văn Hà – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Yên (Sơn La) cho rằng: “Nếu được hỗ trợ sách giáo khoa đưa vào thư viện trường thì tốt quá. Vì thực ra, qua thực tế triển khai của năm học 2021- 2022, việc hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh diện chính sách đã phát huy rất hiệu quả trong học tập của các em.

Giờ học Toán ở Trường Trung học cơ sở Háng Đồng (Bắc Yên, Sơn La). Ảnh: Báo Sơn La

Giờ học Toán ở Trường Trung học cơ sở Háng Đồng (Bắc Yên, Sơn La). Ảnh: Báo Sơn La

Địa bàn huyện Bắc Yên chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, việc mua sách giáo khoa cho học sinh hàng năm gặp khá nhiều khó khăn. Ở Bắc Yên, các trường chủ yếu vẫn vận động phụ huynh học sinh tiết kiệm từ nguồn kinh phí hỗ trợ học tập để mua sách giáo khoa cho các em.

Nhiều gia đình cũng không có điều kiện để mua đầy đủ sách giáo khoa cho con em mình.

Nếu được cung cấp sách giáo khoa đưa vào thư viện dùng chung sẽ rất hiệu quả để hỗ trợ học sinh. Đặc biệt là vùng khó khăn như Bắc Yên”.

Nói về việc triển khai thực tế, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Bắc Yên cho rằng: “Để đảm bảo hiệu quả đồng bộ từ cơ sở, các cơ quan chức năng nên có khảo sát thực tế và dự báo số lượng học sinh biến động theo từng quãng thời gian cụ thể.

Như hiện nay, huyện Bắc Yên cũng được các nhà xuất bản tặng một số bộ sách. Ngành Giáo dục Bắc Yên thống nhất chủ trương là không tặng số sách này đến cá nhân từng học sinh mà tặng cho thư viện trường, em học sinh nào khó khăn có nhu cầu có thể mượn trực tiếp từ thư viện, sau khi dùng xong trả lại để các em khóa sau tiếp tục sử dụng”.

Bày tỏ về việc triển khai việc đưa sách giáo khoa vào trường học bằng ngân sách nhà nước, Trưởng Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Yên nêu quan điểm, nếu có thể, các cơ quan cấp trên nên có hướng dẫn cụ thể với địa phương thực hiện để đảm bảo tính đồng bộ và hơn cả là việc đảm bảo tính lâu dài khi triển khai chính sách này vào thực tế.

Trần Phương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giam-doc-so-gd-son-la-mua-sgk-cho-hs-muon-chi-nen-ap-dung-voi-vung-kho-khan-post230214.gd