Giải phóng mặt bằng làm chậm giải ngân đầu tư công

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết khó khăn lớn nhất ảnh hưởng tới quá trình giải ngân vốn đầu tư công liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng. Chẳng hạn như dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, vướng đi qua khu vực nhiều rừng, thủ tục chuyển đổi rừng mất tới 1,5 năm. Do đó chi phí giải phóng mặt bằng thường bị tăng lên con số không nhỏ.

Sáng 21/5, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị với các Bộ, ngành về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng đầu năm 2024 và các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2024. Tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài đạt 8,58% kế hoạch.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ, Bộ Tài chính cho biết, việc hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, đảm bảo đạt đươc các mục tiêu giải ngân của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng của giai đoạn trung hạn 2021-2025. Về phía Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ cho công tác giải ngân như tổ chức các cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án của các dự án đang triển khai và qua đó cũng đã ghi nhận kịp thời các vướng mắc, khuyến nghị các giải pháp xử lý theo thẩm quyền; chỉ đạo rút ngắn thời gian thực hiện kiểm soát chi và giải quyết đơn rút vốn.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Theo báo cáo của các Bộ, ngành trung ương và theo số liệu từ hệ thống TABMIS, tính đến hết ngày 15/05/2024 tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành đạt 8,58% kế hoạch vốn được giao. Trong đó 2 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân trên 10% (Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 8 bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024. Dự kiến đến hết tháng 6/2024 tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành có thể đạt khoảng 15-17%, ở mức trung bình so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2021-2023.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ giải ngân chưa đạt như kỳ vọng xuất phát chủ yếu từ việc không có khối lượng hoàn thành để giải ngân do chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư (chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư, chưa hoàn tất ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế, chậm trong khâu đấu thầu, ký kết hợp đồng, điều chỉnh thiết kế cơ sở, hồ sơ thiết kế kỹ thuật). Cùng với đó, dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay; công tác kế hoạch vốn chưa bám sát tiến độ triển khai của các dự án...

Theo ý kiến của ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý dự án Word Bank (Đại học quốc gia Hà Nội), hiện tại, đơn vị này đã phân bổ, nhập TABMIS xong dự toán vốn đầu tư công nước ngoài năm 2024; đơn vị (Ban Quản lý Dự án World Bank) đã nhận được nguồn vốn đầu tư công nước ngoài năm 2024 trên dịch vụ công là 645.770 triệu đồng. Trong quá trình sử dụng nguồn vốn này, Đại học quốc gia Hà Nội đang gặp một số khó khăn.

Cụ thể, theo yêu cầu từ nhà tài trợ, một số hoạt động sau cần lấy ý kiến “Không phản đối – NOL” từ nhà tài trợ trước khi triển khai thực hiện như: Kế hoạch tổng thể dự án, Kế hoạch hàng năm, Sổ tay vận hành dự án, Kế hoạch đấu thầu đối với các gói thầu sử dụng vốn vay nước ngoài, Đề cương nhiệm vụ đối với các đơn vị tư vấn đấu thầu, Hồ sơ mời thầu và Kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi ký kết hợp đồng đối với các gói thầu xem xét trước. Theo đó, thời gian triển khai các công việc này thường bị kéo dài do phải liên tục cập nhật, điều chỉnh trước khi nhà tài trợ có Thư Không phản đối gửi tới các đơn vị.

Ngoài ra, trong công tác thanh toán cũng gặp khó khăn do dự án sử dụng các nguồn vốn khác nhau. Điều này khiến kiểm soát công tác thanh toán mất rất nhiều thời gian do hồ sơ thanh toán được thẩm định, kiểm soát tại Kho bạc Nhà nước và Bộ Tài chính trước khi gửi cho Nhà tài trợ thanh toán cho nhà thầu. Điều này dẫn đến việc chậm thanh toán vốn cho nhà thầu tại một số thời điểm như các dịp nghỉ lễ, Tết của Việt Nam và dịp nghỉ lễ Giáng sinh, Tết dương lịch của Nhà tài trợ, theo đó rủi ro kinh phí được cấp trong năm không được sử dụng hết rất dễ xảy ra, khả năng dự án bị hủy dự toán và không cấp lại cho năm tiếp theo là rất cao.

Ông Nguyễn Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông và Vận tải) cũng chia sẻ, Bộ này hiện chiếm lượng vốn ODA lớn nhất khi được giao 4.366 tỷ đồng vốn trong năm 2024. Khó khăn lớn nhất ảnh hưởng tới quá trình giải ngân liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng.

Cụ thể điển hình như dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, vướng đi qua khu vực nhiều rừng, thủ tục chuyển đổi rừng mất tới 1,5 năm. Do đó chi phí giải phóng mặt bằng thường bị tăng lên con số không nhỏ.

Hồ Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giai-phong-mat-bang-lam-cham-giai-ngan-dau-tu-cong-10280420.html