Giải mã nguồn gốc 'vật thể lạ' dán đầy hình Triển Chiêu rơi xuống Phú Thọ

'Vật thể lạ' dán đầy hình Triển Chiêu rơi xuống xã Đông Thành (Thanh Ba, Phú Thọ) tối ngày 2/1 vừa qua là khinh khí cầu được người dân Kayin (Myanmar) thả nhân dịp năm mới.

Theo bức thư đính kèm, khinh khí cầu với lớp nilon màu trắng đục bọc bên ngoài, có chiều dài khoảng 15m này được 12 người dân làng Hteephoekan và Khonekalay, thị trấn Paing Kyone, quận HlaingBwe, bang Karen (Myanmar) thả trong ngày Tết Karen dịp đầu năm mới.

Cụ thể, bức thư có nội dung như sau: "Làng Hteephoekan và Khonekalay, thị trấn Paing Kyone, quận HlaingBwe, bang Karen (Myanmar). Ngày Tết Karen 2/1/2022, chúng tôi là: (Danh sách 12 tên người dân). Chúng tôi là người thả khinh khí cầu này. Chúng tôi muốn biết khinh khí cầu này rơi ở đâu, nếu bạn nhìn thấy nó, xin vui lòng báo giúp đến số điện thoại này 09781552031"

Chiếc khinh khí cầu được thả từ một ngôi làng Myanmar, vượt qua khoảng cách 910km và hạ cánh tại địa phận tỉnh Phú Thọ của Việt Nam

Chiếc khinh khí cầu được thả từ một ngôi làng Myanmar, vượt qua khoảng cách 910km và hạ cánh tại địa phận tỉnh Phú Thọ của Việt Nam

Myanmar có 8 nhóm dân tộc thiểu số chính, trong đó có người Karen. Trong văn hóa ở Myanmar, đèn lồng hay khinh khí cầu được thả lên trời trong dịp đầu năm mới hay Thadingyut, lễ hội ánh sáng nổi tiếng nhất nước này.

Mỗi nhóm dân tộc thiểu số ở Myanmar lại có Ngày Năm mới (New Year Day) riêng. Lễ mừng năm mới của khoảng 5 triệu người Karen sinh sống chủ yếu ở miền Nam Myanmar, thường được tổ chức vào cuối tháng 12 đầu tháng 1 đánh dấu kết thúc thu hoạch vụ mùa và bắt đầu gieo hạt mùa tiếp theo.

Thadingyut là một trong những lễ hội quan trọng nhất với người Myanmar

Thadingyut là một trong những lễ hội quan trọng nhất với người Myanmar

Bên cạnh đó, Lễ hội ánh sáng Thadingyut (Thadingyut theo tiếng Miến Điện có nghĩa là Hoa Đăng) rơi vào tháng trăng tròn theo lịch Thadingyut (khoảng giữa tháng 10 dương lịch) và kéo dài thường kéo dài 3 ngày, ngày trước ngày trăng tròn, ngày trăng tròn và một ngày sau đó.

Lễ hội Thadingyut được người Myanmar tổ chức để kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trở lại thế gian sau ba tháng nhập hạ ở trên cung trời Đao Lợi thuyết giảng Vi Diệu Pháp cho Phật mẫu.

Người dân trên khắp cả nước sẽ thắp nến và thả đèn trời để tỏ lòng tri ân

Người dân trên khắp cả nước sẽ thắp nến và thả đèn trời để tỏ lòng tri ân

Trong suốt ba ngày lễ hội, hàng ngàn ánh đèn, hàng ngàn ngọn nến sẽ được thắp sáng như biểu trưng cho đường đi của Đức Phật. Tre sẽ được uốn thành những khuôn hình theo mong muốn, sau đó được khoác lên mình những loại giấy màu sặc sỡ để trở thành những chiếc đèn lồng mang nhiều hình dáng phong phú, đa dạng. Nhà cửa, đường phố, chùa chiền, cây cối ở đất nước chùa vàng đều được trang trí vô cùng lung linh, huyền ảo.

Chùa chiền Myanmar sáng bừng trong suốt 3 ngày diễn ra lễ hội Thadingyut

Chùa chiền Myanmar sáng bừng trong suốt 3 ngày diễn ra lễ hội Thadingyut

Theo thời gian, lễ hội Thadingyut không chỉ còn gói gọn trong ý nghĩa của một lễ hội tôn giáo, mà còn là để bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ, thầy cô và những người họ hàng lớn tuổi, giống như tấm lòng của Đức Phật đối với Phật mẫu trên cõi trời.

Người dân Myanmar rất tôn trọng những chốn linh thiêng và Đức Phật, nên việc du khách tìm hiểu thật kỹ về văn hóa cũng như những điều cấm kỵ tại đây là vô cùng cần thiết.

Một "vật thể lạ" có đường kính khoảng 1 m, túi giống "đèn trời" dài khoảng 10m, bên trong có chứa nhiều cái bùi nhùi, được kết từ vải, vài tờ giấy viết chữ nước ngoài và 1 tờ tiền nước ngoài được phát hiện tại cánh đồng khu 10, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba và tỉnh Phú Thọ vào tối 2/1. Người dân đã tìm cách kéo xuống đất rồi báo cáo lên chính quyền địa phương.

Đỗ An (Tổng hợp)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/du-lich/giai-ma-nguon-goc-cua-vat-the-la-dan-day-hinh-trien-chieu-roi-xuong-phu-tho-806728.html