Giải cơn khát nhà giá rẻ

Nhà tái định cư nếu được chuyển thành nhà ở xã hội có thể giải tỏa cơn khát phân khúc nhà ở giá rẻ, hạn chế được sự lãng phí lâu nay

TP Hà Nội và các địa phương hiện tồn tại hàng chục ngàn căn hộ tái định cư (TĐC) bỏ trống, trong khi nhu cầu về nhà ở của người dân rất cao. Một trong những phương án đưa ra là chuyển nhà TĐC bỏ hoang thành nhà ở xã hội (NƠXH) để góp phần tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân.

Lãng phí lớn

TP Hà Nội hiện có hơn 14.200 căn chung cư chưa sử dụng, TP HCM có 14.000 căn TĐC bỏ không. Trong khi nhà TĐC bị bỏ hoang thì nhà ở phân khúc bình dân lại thiếu nghiêm trọng. Dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở, đặc biệt là phân khúc căn hộ sụt giảm nghiêm trọng. Số lượng dự án bất động sản được phê duyệt mới ngày càng khan hiếm trong khi các dự án đang triển khai thì chật vật bởi các vướng mắc liên quan đến pháp lý và nguồn vốn. Trung bình mỗi năm, ước tính mỗi đô thị đặc biệt thiếu hụt ít nhất 50.000 căn hộ.

Hàng ngàn căn hộ TĐC đang bị bỏ hoang ở Hà Nội tập trung chủ yếu ở các quận: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Long Biên... Trong đó, quận Hoàng Mai có số lượng căn hộ bỏ hoang nhiều nhất.

Đại diện UBND quận Hoàng Mai cho biết việc một số khu TĐC tại địa bàn đã hoàn thành xây dựng, cá biệt có một số khu được cho là nằm ở vị trí đẹp, sát mặt đường lớn như khu TĐC Đền Lừ III nhưng nhiều năm chưa thể đưa vào sử dụng có nhiều nguyên nhân khác nhau. Đa số ý kiến lo ngại của người dân liên quan đến chất lượng công trình, ngay cả khi quận chỉ đạo các đơn vị chuyên môn gửi giấy mời đến bốc thăm, nhận nhà nhưng nhiều người dân bày tỏ mong muốn được nhận tiền bồi thường để chủ động tìm chỗ ở mới. Điều này gây nhiều khó khăn cho chính quyền trong việc sắp xếp chỗ ở tại những khu TĐC.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết khi đi qua nhiều tuyến đường ở Hà Nội, ông thấy nhiều căn hộ chung cư từng dùng làm bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 giờ bị bỏ không, bỏ hoang. Thực trạng này gây lãng phí lớn vì giá chung cư đang tăng cao. "Chúng ta phải có giải pháp đồng bộ, có thể đấu giá hoặc chuyển mục đích sử dụng sang NƠXH hoặc cho thuê" - ông Hiếu gợi ý.

ĐBQH Tạ Thị Yên (Phó trưởng Ban Công tác ĐB của QH) cho hay hiện thị trường bất động sản đang thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, giá trung bình hợp với khả năng tài chính của người dân, nhất là NƠXH đang rất thiếu. Nêu thực trạng hàng chục nhà TĐC bị bỏ hoang ở Hà Nội và các địa phương hiện nay, bà Yên cho rằng vấn đề này đang làm lãng phí nguồn lực tài chính công, trong khi người dân thì vẫn còn thiếu chỗ ở. Bà Yên đề nghị cần phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến vấn đề này.

TP Hà Nội đang có hàng ngàn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang. Ảnh: HỮU HƯNG

TP Hà Nội đang có hàng ngàn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang. Ảnh: HỮU HƯNG

"Một mũi tên trúng hai đích"

Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Mảng dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án DKRA Group, cho rằng về bản chất, NƠXH và nhà TĐC đều là những sản phẩm nhà ở đáp ứng như cầu ở thực của một hoặc nhiều nhóm đối tượng cụ thể theo quy định pháp luật. Song giữa 2 loại hình nhà ở này vẫn có một số đặc tính khác nhau.

"Việc chuyển đổi nhà TĐC thành NƠXH nhiều khả năng sẽ mang lại những tác động tích cực lên nguồn cung NƠXH, giải tỏa cơn khát phân khúc nhà ở giá rẻ đưa ra thị trường, hạn chế được sự lãng phí lâu nay, tốn kém chi phí bảo dưỡng… nếu các giải pháp trên được áp dụng một cách triệt để. Dù sẽ có nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ nếu được triển khai, nhưng nếu có hướng giải quyết thỏa đáng, đây là một đề xuất khả thi và có thể giải tỏa cơn khát phân khúc nhà ở giá rẻ, hạn chế được sự lãng phí lâu nay" - ông Thắng nhận định.

Theo TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, việc chuyển đổi hàng chục ngàn căn hộ TĐC nhiều năm chưa có người sinh sống trở thành NƠXH là "1 mũi tên trúng 2 đích", vừa tránh lãng phí nguồn tài nguyên bất động sản vừa bù đắp được nguồn cung NƠXH đang rất thiếu hụt hiện nay. Bởi càng để lâu, các căn hộ TĐC xuống cấp nhanh chóng và càng mất giá, khi đó đấu thầu hay bán thì rất khó, trong khi hiện nay cơ chế bồi thường đều theo thị trường, đa số người dân chọn nhận tiền để tự TĐC.

"Địa phương nên tổng hợp các dự án, danh sách các dự án TĐC và xem xét việc nơi nào có nhu cầu sử dụng thực, nơi nào có thể đáp ứng cho các dự án. Nơi nào không có nhu cầu TĐC thì có thể xem xét cho phép chuyển đổi để tránh lãng phí. Qua đó, bộ, ban, ngành, Chính phủ nên cùng với các địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để áp dụng các quy định pháp luật. Theo tôi được biết, các quy định mới trong luật cũng đã đề cập các vấn đề này, nếu có chỗ nào chưa phù hợp thì Chính phủ cần xem xét để có những quy định thông thoáng hơn, mục tiêu là phải tháo gỡ được những khó khăn trong việc sử dụng nhà TĐC" - ông Đính nói.

Về mặt quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nhà TĐC cũng là tài sản của nhà nước nên các quy định, thủ tục phải thực hiện theo luật. Hiện nay, cơ quan quản lý đang tính toán cơ chế để đề xuất chuyển đổi sang NƠXH.

Khó ở khâu định giá

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn chứng câu chuyện nhà TĐC thừa rất nhiều ở TP HCM, cụ thể là TĐC cho dự án Thủ Thiêm. Hiện nay, đang có ý kiến đề nghị chuyển quỹ nhà TĐC này để làm NƠXH nhằm giải quyết khó khăn về nhà ở cho người dân. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho biết vấn đề này đang vướng ở khâu định giá.

"Bây giờ nói đến định giá thì ai cũng "khiếp" hết, thậm chí số lượng các công ty định giá theo tôi biết hiện còn rất ít, bằng một phần mấy so với trước đây. Họ cũng ngại định giá vì lĩnh vực quá nhạy cảm" - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.

Bạch Huy Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giai-con-khat-nha-gia-re-196240530193720569.htm