Giá xăng đứng trước áp lực tăng lên mức kỷ lục mới, trên 31.000 đồng/lít

Có thể trong kỳ điều chỉnh tới (ngày 1/6), giá xăng trong nước sẽ tăng vọt lên ngưỡng 31.000 đồng/lít, thậm chí có thể tiệm cận mức 32.000 đồng/lít, nếu cơ quan chức năng không chi mạnh tay quỹ Bình ổn xăng dầu (quỹ BOG).

Trong kỳ điều chỉnh xăng dầu gần đây (23/5), giá xăng trong nước đã thiết lập mức giá kỷ lục. Trong đó, giá xăng E5-RON 92 tăng lên ngưỡng 29.630 đồng/lít và xăng RON 95 tăng lên 30.650 đồng/lít.

Thế nhưng, giá xăng trong nước tiếp tục đứng trước đợt tăng giá mới trong ngày (1/6) tới đây, do giá dầu thế giới đang không ngừng leo thang.

Theo thông tin từ Trading Economics vào chiều ngày 29/5, giá dầu thô trên thị trường thế giới đang được giao dịch ở ngưỡng 115 USD/thùng, tăng thêm 3% so với 1 tuần trước đó. Tương tự, dầu Bent cũng đang duy trì mức giá 119 - 120 USD/thùng, tăng 5% so với trước đó 1 tuần.

Có thể trong kỳ điều chỉnh tới (ngày 1/6), giá xăng trong nước sẽ tăng vọt lên ngưỡng 31.000 đồng/lít, thậm chí có thể tiệm cận mức 32.000 đồng/lít, nếu cơ quan chức năng không chi mạnh tay quỹ Bình ổn xăng dầu (quỹ BOG).

Trong khi đó, theo dữ liệu từ Bộ Công Thương cập nhật tới ngày 26/5 cho thấy, giá xăng dầu trên thị trường Singapore đã tăng rất mạnh so với thời điểm thị trường cập nhật giá xăng mới.

Cụ thể, giá xăng 92 đã tăng từ 139 USD/thùng lên 142,44 USD/thùng; xăng 95 tăng từ 147 USD/thùng lên 150,12 USD/thùng, tăng tương đương khoảng 2,5%. Các mặt hàng dầu cũng tăng, nhưng mức tăng không quá cao.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội cho rằng, với mức tăng như trên, có thể trong kỳ điều chỉnh tới (ngày 1/6), giá xăng trong nước sẽ tăng vọt lên ngưỡng 31.000 đồng/lít, thậm chí có thể tiệm cận mức 32.000 đồng/lít, nếu cơ quan chức năng không chi mạnh tay quỹ Bình ổn xăng dầu (quỹ BOG).

Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, do giá xăng dầu trong nước bị phụ thuộc vào thế giới, nên trong kỳ điều chỉnh này giá xăng dầu trong nước tăng là điều khó tránh khỏi.

“Hiện nay, Chính phủ chỉ có duy nhất một công cụ để kìm đà tăng của giá xăng dầu, là sử dụng quỹ BOG. Thế nhưng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang rơi vào tình cảnh âm nặng quỹ BOG, nên việc chi mạnh tay là điều khó có thể xảy ra”, lãnh đạo này doanh nghiệp cho biết.

Lãnh đạo một đơn vị kinh doanh xăng dầu khác cho rằng, muốn kìm cương thì phải chấp nhận giảm thêm thuế, phí.

“Biết rằng trước đó Chính phủ đã đồng ý giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, từ 4.000 đồng/lít xuống còn 2.000 đồng/lít, nhưng rõ ràng chúng ta có thể giảm thêm nữa, trong đó có thể giảm thuế nhập khẩu để hạn chế giá xăng dầu tăng”, vị này nói.

Đồng tình với nhận định này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), cho hay hiện nay mặt hàng xăng dầu đang chịu cùng lúc nhiều sắc thuế.

Đã có không ít ý kiến băn khoăn việc áp dụng cả thuế môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu. Trong khi xăng dầu không phải là hàng hóa xa xỉ, đã phải chịu thuế bảo vệ môi trường, lại phải gánh cả thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng chắc chắn giúp “hạ nhiệt” giá bán mặt hàng này, giảm áp lực lạm phát, tránh ảnh hưởng quá lớn tới đời sống người dân, doanh nghiệp”, ông Long nhấn mạnh.

Tương tự, PGS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, cũng cho rằng nên cân đối thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi sắc thuế này chỉ nên đánh vào những hàng hóa dịch vụ gây hại, hàng xa xỉ trong khi xăng dầu là hàng hóa thiết yếu. Hơn nữa xăng dầu cũng đang chịu thuế bảo vệ môi trường.

Theo ông Thịnh, việc giảm, miễn các loại thuế tính trên tỉ lệ % giá thành sẽ bảo đảm tính linh hoạt và khả năng tác động tới các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế. Trường hợp nguồn thu từ các loại thuế, phí cố định trên giá xăng dầu bị giảm do các chính sách điều tiết mới, thì sẽ được cân đối một phần bởi nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-xang-dung-truoc-ap-luc-tang-len-muc-ky-luc-moi-tren-31000-dong-lit-post197006.html