Giá xăng dầu hôm nay 21/5: cùng tăng
Sự không chắc chắn trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đã khiến giá xăng dầu thế giới bất ngờ tăng đầu phiên giao dịch ngày 21/5...
Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 21/5 (theo giờ Việt Nam), cả dầu Brent và WTI cùng tăng đầu phiên giao dịch ngày 21/5 sau khi giảm nhẹ ở phiên giao dịch trước.

Dầu Brent và WTI cùng tăng đầu phiên giao dịch ngày 21/5 sau khi giảm nhẹ ở phiên giao dịch trước. Ảnh minh họa
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 20/5, giá dầu gần như đi ngang do sự không chắc chắn trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran và các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, trong khi dữ liệu mới của chính phủ đưa ra triển vọng thận trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Giá dầu Brent giảm 16 cent, tương đương 0,2%, xuống mức 65,38 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 13 cent, tương đương 0,2%, xuống mức 62,56 USD/thùng.
Theo Reuters, lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, đã bày tỏ nghi ngờ về sự thành công của các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran do yêu cầu ngừng làm giàu uranium “vô lý” của Mỹ đối với Tehran.
Các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới này có vẻ không mấy khả quan vì cả Iran và Mỹ đều bất đồng quan điểm về vấn đề làm giàu uranium. Trong khi Washington khăng khăng yêu cầu Tehran kiềm chế làm giàu uranium, mà Mỹ cho là con đường có thể dẫn đến phát triển bom hạt nhân. Tehran cho biết chương trình năng lượng hạt nhân của họ hoàn toàn vì mục đích hòa bình.
Nhà phân tích Alex Hodes của StoneX cho biết, một thỏa thuận giữa Iran và Mỹ sẽ cho phép Iran tăng lượng dầu xuất khẩu thêm 300.000 - 400.000 thùng/ngày nếu lệnh trừng phạt được nới lỏng.
Theo dữ liệu năng lượng liên bang của Mỹ, năm 2024, Iran là quốc gia sản xuất dầu thô lớn thứ 3 trong OPEC, sau Saudi Arabia và Iraq.
Trong khi đó, ngày 20/5, một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin mà không nhận được lời hứa ngừng bắn ở Ukraine, Liên minh châu Âu và Anh đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Nga..
Ukraine muốn các nước thuộc nhóm G7 giảm giá trần đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga xuống còn 30 USD/thùng, giảm ½ so với mức trần hiện tại.
Chuyên gia phân tích hàng hóa chính (Ngân hàng SEB) Bjarne Schieldrop nhận xét, một giải pháp ngay lập tức cho cuộc xung đột Nga - Ukraine có vẻ không khả thi.
Liên quan đến chính sách tiền tệ của Mỹ, dự kiến sẽ có ít nhất 7 quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có bài phát biểu vào hôm nay. Theo dữ liệu do Công ty dịch vụ tài chính LSEG tổng hợp, các nhà giao dịch hiện kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ thực hiện ít nhất 2 lần cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong năm và lần cắt giảm đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 9. Lãi suất thấp hơn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ bằng cách giảm chi phí vay tiêu dùng.
Gây thêm áp lực lên giá là dữ liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tại Trung Quốc đang chậm lại.
Về dữ liệu tồn kho của Mỹ, Viện Dầu khí Mỹ cho biết, trong tuần kết thúc vào ngày 16/5, tồn kho dầu của Mỹ tăng 2,499 triệu thùng, ngược so với dự đoán giảm 1,85 triệu thùng của các nhà phân tích. Trái với mức tăng trong tồn kho dầu, tồn kho xăng và tồn kho sản phẩm chưng cất giảm lần lượt là 3,238 triệu thùng và 1,401 triệu thùng.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 21/5 cụ thể như sau: xăng E5 RON 92 không quá 19.180 đồng/lít; xăng RON 95-III không quá 19.594 đồng/lít; dầu diesel không quá 17.228 đồng/lít; dầu hỏa không quá 17.226 đồng/lít; dầu mazut không quá 16.160 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên sẽ được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 22/5. Do giá xăng dầu thế giới tuần trước tăng nên nhiều khả năng giá xăng dầu trong nước cũng sẽ kéo dài đà tăng.
Tại lần điều chỉnh gần đây nhất, giá xăng E5 RON 92 tăng 403 đồng/lít, xăng RON 95-III tăng 415 đồng/lít, dầu diesel tăng 419 đồng/lít, dầu hỏa tăng 285 đồng/lít và dầu mazut tăng 627 đồng/kg.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-xang-dau-hom-nay-21-5-cung-tang.710209.html