Giá trị của văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ giá trị văn hóa được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp đó.

Gia phong dùng chỉ chung cho văn hóa, cách nghĩ, cách ứng xử của gia đình, gia tộc. Theo đó, gia phong chỉ được giữ vững khi gia đình có gia giáo. Nề nếp gia phong là của cải quý giá nhất của một gia đình, là cách mà người một nhà cư xử với nhau.

Như một ngôi nhà lớn, doanh nghiệp hay công sở đều có những văn hóa về: Quy tắc ứng xử, giữ vệ sinh chung, áp dụng các hình thức kỷ luật, nội quy lao động hoặc nguyên tắc làm việc, khẩu hiệu; tầm nhìn; sứ mệnh; giá trị cốt lõi; triết lý kinh doanh; đội ngũ nhân sự.

Và cũng tùy theo quan niệm của người lãnh đạo và yếu tố khách quan vùng miền mà phạm trù văn hóa được thực thi sao cho phù hợp.

“Mọi tự nguyện bắt đầu từ sự bắt buộc”

Tôi đã đến nhiều lần vì là đối tác thâm niên với 1 tập đoàn ở miền Tây. Ấn tượng đầu tiên là không gian thiên nhiên: Thoáng - xanh - sạch, môi trường làm việc thân thiện. Các phòng ban chuyên môn được sắp xếp khoa học, tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ công chức thể hiện sự tận tâm, tận lực và hiệu quả.

Không gian thiên nhiên: Thoáng - xanh - sạch, môi trường làm việc thân thiện. (Ảnh: Thu Huyền).

Không gian thiên nhiên: Thoáng - xanh - sạch, môi trường làm việc thân thiện. (Ảnh: Thu Huyền).

Đặc biệt, ở bất kỳ nơi nào trong khuôn viên của doanh nghiệp đó mặc dù không hề có sự hiện diện của biển báo cấm hút thuốc hay giữ vệ sinh chung mà mọi người vẫn hay nhìn thấy ở nhiều nơi khác, nhưng tại đây không mẩu tàn thuốc hoặc mùi khói thuốc. Và chi tiết mà khiến tôi dành thiện cảm đó là nhà vệ sinh vô cùng sạch sẽ.

Trà dư tửu hậu, người sáng lập ra tập đoàn ấy rất khôi hài cho biết, ông sẵn sàng ký và ký khá nhiều quyết định phạt hút thuốc. Thấp nhất là 1 triệu và cao nhất là 20 triệu đồng. Phạt nặng nhưng chẳng ai phiền lòng mà trái lại họ tâm phục - khẩu phục và tự nguyện cai thuốc lá. Đấy cũng là cách truyền tải thông điệp về tác hại của khói thuốc đối với sức khỏe con người.

Ngoài ra, văn hóa sử dụng điện thoại cũng là đề tài “vui ra phết”. Đã có “mưa quyết định” dành cho bất kỳ ai cứ vô tư để chuông reo trong buổi họp hoặc khi làm việc với Ban TGĐ. Sau những lần phạt là văn minh trong cách sử dụng “Cell Phone” lên ngôi.

Số tiền phạt được sung vào quỹ công đoàn hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn hoặc thưởng cho những gương điển hình lao động giỏi. Sử dụng nguồn tiền một cách hợp lý đã tạo động lực tích cực cho người lao động, vun bồi tình cảm giữa con người, với nơi mà họ đã gắn bó cuộc đời mình.

Hiện nay, không còn những “tờ A4 mang tên quyết định” nhưng thói quen tốt đẹp đã trở thành văn hóa rất đời thường của Tập đoàn ấy.

Văn hóa doanh nghiệp hình thành niềm tin nội tâm

Không chỉ chăm lo tốt đời sống người lao động mà tinh thần tương thân tương ái còn được doanh nghiệp thể hiện bằng những nghĩa cử đẹp đẽ đến với cộng đồng. Đã có một “Sao Mai ăn Tết với người nghèo” thấm đẫm nhân văn được duy trì liền mạch qua 26 năm hình thành và phát triển. Thông điệp ấy như sợi dây “hồng” tri âm kết nối tấm lòng nhân hậu qua những mạch đập cuộc sống.

Văn hóa doanh nghiệp có những giá trị cốt lõi xuyên suốt (Ảnh: Thu Huyền).

Văn hóa doanh nghiệp có những giá trị cốt lõi xuyên suốt (Ảnh: Thu Huyền).

Có thể thấy, văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ giá trị văn hóa được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, từ đó trở thành quy tắc, tập quán quen thuộc ăn sâu vào hoạt động của mỗi người đồng thời chi phối tình cảm, cách suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của doanh nghiệp trong việc theo đuổi và thực hiện các mục đích.

Hàng ngàn con người trong ngôi nhà chung ấy đã cùng nhau đi qua bao thăng trầm, có những lúc họ phải đối mặt cơn bĩ cực nhưng dựa vào sự đoàn kết mà họ đã vượt qua. Thấm đòn thời “hậu dịch” là khủng hoảng kinh tế đang xuất hiện rõ. Cùng nhìn thẳng vào thực tế để nói với nhau rằng “rất khó khăn”. Nhưng trong cam go cần phải có niềm tin nội tâm và sức mạnh nội sinh, tất cả có được từ văn hóa doanh nghiệp đã xây dựng - vun bồi qua nhiều năm.

Khẳng định rằng, văn hóa doanh nghiệp có những giá trị cốt lõi xuyên suốt, chính điều ấy đã hóa giải những mâu thuẫn, ngăn ngừa những xung đột nội bộ - đây vốn dĩ là nguồn cơn phát sinh hàng loạt vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển doanh nghiệp.

“Đến với nhau là duyên - gắn bó với nhau là phận. Mỗi ngày được nhìn thấy nhau nơi công sở là niềm vui, là hạnh phúc, là văn hóa thật đời. Nhưng nếu không còn chung đường thì âu đó là chuyện thường tình mà không phải xuất phát từ sự bất đồng quan điểm với đồng nghiệp”, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn & Phát triển Tập đoàn này đã nhấn mạnh.

Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gia-tri-cua-van-hoa-doanh-nghiep-a609172.html