Gia Lai: Tập huấn về dịch vụ logistics và phát triển hành lang kinh tế, liên kết vùng

Nâng cao nhận thức về dịch vụ logistics, các vấn đề liên quan hoạt động logistics và phát triển hành lang kinh tế, liên kết vùng cho các cán bộ làm công tác quản lý, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn.

Ngày 23/5/2024, tại Thành phố Pleiku, Sở Công Thương Gia Lai phối hợp với Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức Hội nghị nâng cao nhận thức về dịch vụ logistics và phát triển hành lang kinh tế, liên kết vùng với sự tham gia của gần 100 đại biểu là cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Đây cũng là chương trình tập huấn đầu tiên do VALOMA phối hợp tổ chức cho một cơ quan quản lý nhà nước.

Gần 100 đại biểu là cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai tham gia Hội nghị nâng cao nhận thức về dịch vụ logistics và phát triển hành lang kinh tế, liên kết vùng.

Gần 100 đại biểu là cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai tham gia Hội nghị nâng cao nhận thức về dịch vụ logistics và phát triển hành lang kinh tế, liên kết vùng.

Nâng cao nhận thức - giải pháp quan trọng góp phần phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Thực hiện Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 của Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển dịch vụ logistics, thời gian qua tỉnh Gia Lai đã tích cực triển khai nhiều hoạt động và đạt được một số kết quả cụ thể.

Ngày 17/5/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1130/KH-UBND về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023- 2025, định hướng 2030.

Ngày 24/10/2023, UBND tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương Gia Lai đã phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức thành công Hội nghị triển khai các giải pháp phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Hội nghị với hơn 300 đại biểu đại diện các Cục, Trường, Viện thuộc Bộ Công Thương; đại diện Sở Công Thương một số tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh; cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics ở một số tỉnh, thành phố… trao đổi các giải pháp nhằm định hướng và thúc đẩy phát triển ngành logistics một cách hiệu quả bền vững, nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của nông sản và các sản phẩm hàng hóa tỉnh Gia Lai.

Ngày 30/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1750/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050. Trong đó, Dự án xây dựng Trung tâm kho vận quốc tế Logistics Tây Nguyên tại xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang đã được đưa vào quy hoạch của tỉnh với quy mô hạng II, diện tích 511ha. Dự án nằm trong Danh mục kêu gọi đầu tư giai đoạn 2023-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt và được chính quyền địa phương, người dân đồng tình ủng hộ cao.

Bên cạnh đó, Quy hoạch tỉnh cũng xác định triển khai các dự án: Xây dựng Trung tâm Logistic ở khu công nghiệp Nam Pleiku (huyện Chư Sê); Xây dựng 03 cảng cạn (ICD): ICD Nam Pleiku (diện tích 10 ha), ICD Lệ Thanh (diện tích 10 ha), ICD An Phú (diện tích 10 ha). Đồng thời định hướng xây dựng thêm các trung tâm logistics chuỗi nông sản trên phạm vi toàn tỉnh.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu phát triển nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời có sự chú trọng, quan tâm hơn đến phát triển dịch vụ logistics, tuy nhiên so với mặt bằng chung của cả nước, hoạt động của ngành dịch vụ còn khá mới mẻ này trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn những khó khăn nhất định.

Hạ tầng logistics chưa đồng bộ và còn thiếu tính kết nối, thiếu hạ tầng kho, bãi tập trung, chưa đồng bộ với hệ thống đường giao thông và cơ sở sản xuất. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trên địa bàn có quy mô tương đối nhỏ lẻ, loại hình dịch vụ đơn giản, chưa có tính liên kết cao, chưa mang lại giá trị gia tăng lớn. Các dịch vụ cung cấp cơ bản, đơn lẻ, chủ yếu chủ yếu là các hoạt động vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ hoặc dịch vụ thuê kho, bãi. Các dịch vụ hỗ trợ bảo quản (kho lạnh, sấy nhiệt, chiếu xạ…), đóng gói, hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định kỹ thuật hầu như chưa có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Phần lớn nhân lực trong lĩnh vực logistics hiện nay đều được đào tạo từ các nguồn khác nhau, chưa được đào tạo chính quy, bài bản.

Vì vậy, nâng cao nhận thức về dịch vụ logistics, các vấn đề liên quan về hoạt động logistics và phát triển hành lang kinh tế, liên kết vùng cho các cán bộ làm công tác quản lý, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy dịch vụ logistics trên địa bàn phát triển.

Thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác giữa các cơ sở sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp dịch vụ logistics

Tại Hội nghị, PGS, TS. Trịnh Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch VALOMA, đại diện Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam đã tập huấn cho các cán bộ làm công tác quản lý, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh theo 02 chuyên đề.

"Chuyên đề 1: Tổng quan về logistics" cung cấp bức tranh hội nhập kinh tế quốc tế và logistics toàn cầu cũng như toàn cảnh logistics Việt Nam và các chính sách phát triển logistics Việt Nam hiện nay.

"Chuyên đề 2: Phát triển hành lang kinh tế và liên kết vùng" cung cấp thông tin về quy hoạch quốc gia và hành lang kinh tế, phát triển liên kết vùng, phát triển hệ thống logistics Gia Lai phục vụ phát triển hành lang kinh tế và liên kết vùng.

Gần 100 cán bộ làm công tác quản lý, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đã được nắm bắt đầy đủ hơn về những nội dung chủ yếu như: hệ thống logistics, chỉ số năng lực logistics Việt Nam, xu hướng phát triển logistics, cam kết về dịch vụ logistics của Việt Nam trong hội nhập; quy hoạch tổng thể quốc gia và hành lang kinh tế, phát triển liên kết vùng, phát triển hệ thống logistics của Gia Lai nhằm phát triển hành lang kinh tế và liên kết vùng…

Thông qua Hội nghị góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết cho các cán bộ làm công tác quản lý, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai với các vấn đề liên quan về hoạt động logistics.

Hội nghị cũng thảo luận, khuyến nghị về định hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển hạ tầng, dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh với mục tiêu đưa logistics trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng, hỗ trợ phát triển sản xuất, thương mại điện tử và dịch vụ kinh doanh, tiêu thụ, xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh. Đồng thời, góp phần thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh với các đơn vị cung cấp các dịch vụ logistics trong và ngoài tỉnh, thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics.

Việt Hằng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/gia-lai--tap-huan-ve-dich-vu-logistics-va-phat-trien-hanh-lang-kinh-te--lien-ket-vung-121550.htm