Gần 600 loại sữa giả - cơ chế 'Tự công bố chất lượng sản phẩm' đang bị lợi dụng

Hàng nghìn sản phẩm sữa kém chất lượng, giả danh nhãn hiệu nổi tiếng, đã len lỏi lên kệ khắp các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Điều này không chỉ gây bức xúc ở góc độ doanh nghiệp, người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi, mà còn đặt dấu hỏi lớn đối với hệ thống hậu kiểm, nơi lẽ ra phải là 'lá chắn' cuối cùng bảo vệ người tiêu dùng.

Gần 600 loại sữa bị làm giả. (Ảnh chụp màn hình từ VTV)

Gần 600 loại sữa bị làm giả. (Ảnh chụp màn hình từ VTV)

Tự công bố hay buông lỏng quản lý?

Cơ chế tự công bố chất lượng sản phẩm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP từng được đánh giá là bước cải cách hành chính tích cực, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí khi đưa sản phẩm ra thị trường. Thế nhưng, khi 573 sản phẩm sữa giả ngang nhiên tồn tại suốt nhiều năm qua, không thể không đặt dấu hỏi lớn: Phải chăng cơ chế này đang trở thành “tấm bình phong” cho những hành vi gian dối?

Trong vụ việc sữa giả vừa bị phát hiện, hàng loạt sản phẩm in nhãn mác tương tự các thương hiệu nổi tiếng, đi kèm những dòng chữ gây ngộ nhận mập mờ, không kiểm chứng như: “sữa nhập khẩu Mỹ”, “phòng ngừa Covid-19”, “tăng đề kháng cho trẻ”… Dù vậy, các sản phẩm này chỉ được tự công bố, tức là do doanh nghiệp tự kê khai thành phần, tự dán nhãn, tự chịu trách nhiệm mà không phải trải qua bất kỳ quy trình thẩm định hay kiểm chứng nào từ cơ quan nhà nước.

Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty luật Intercode, đánh giá: “Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của chính sách đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tuy nhiên, một khi có tới hơn 570 sản phẩm bị lợi dụng để đánh lừa người tiêu dùng thì rõ ràng cơ chế tự công bố đang bị lạm dụng. Không siết hậu kiểm, tự công bố sẽ thành ‘buông lỏng có điều kiện’ cho hàng giả, hàng kém chất lượng”.

Việc phát hiện sữa giả là cần thiết, nhưng điều khiến dư luận băn khoăn hơn là vì sao các sản phẩm kém chất lượng lại tồn tại công khai trong thời gian dài, với mạng lưới phân phối rộng khắp từ các tỉnh miền núi phía bắc đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hàng giả không chỉ bán online mà còn được quảng bá công khai, dày đặc, tổ chức hội thảo, mời nghệ sĩ tham gia quảng cáo. Vậy ai cho phép điều này diễn ra?

Ông Đinh Thái Quang, Phó Chủ tịch Hội Phổ biến và Tham vấn pháp luật Việt Nam, phân tích: “Một vụ việc có quy mô lớn, kéo dài nhiều năm mà không bị phát hiện sớm thì không thể chỉ trách doanh nghiệp. Trách nhiệm thuộc về các khâu hậu kiểm, kiểm tra liên ngành và đặc biệt là các đơn vị quản lý địa phương. Phải công khai trách nhiệm của từng cơ quan liên quan”.

Trên thực tế, sau khi tự công bố sản phẩm, doanh nghiệp chỉ cần gửi hồ sơ tới Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan được ủy quyền là đã đủ điều kiện lưu hành sản phẩm. Việc kiểm tra, giám sát chất lượng được giao lại cho cơ chế hậu kiểm nhưng chính cơ chế này lại đang bộc lộ nhiều “lỗ hổng chết người”.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, mỗi năm có hàng nghìn sản phẩm, thực phẩm chức năng, sữa công thức cho trẻ em được tự công bố, nhưng chỉ một phần rất nhỏ được kiểm tra lại định kỳ. Lý do? Thiếu người, thiếu ngân sách, thiếu sự phối hợp liên ngành.

Tiến sĩ Đỗ Ngọc Văn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội, cho biết: “Trong nhiều trường hợp, cơ quan chức năng chỉ kiểm tra khi có phản ánh của báo chí hoặc người dân. Với số lượng nhân lực hạn chế và danh mục sản phẩm ngày càng đa dạng, việc phát hiện vi phạm chỉ mang tính tình cờ”.

Doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Vụ việc sữa giả không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, mà còn gián tiếp “giết chết” các doanh nghiệp làm ăn tử tế. Theo phản ánh từ nhiều công ty sữa, sau các đợt phát hiện sản phẩm giả, doanh số bán hàng của họ đều giảm sút nghiêm trọng do người tiêu dùng mất niềm tin vào thị trường.

Bà Bùi Thanh Nga, Giám đốc một công ty sữa tại Hà Nội, bức xúc: “Chúng tôi đầu tư nghiêm túc vào dây chuyền sản xuất, nguồn nguyên liệu và kiểm nghiệm chất lượng. Nhưng sản phẩm bị đội ngũ bán hàng trá hình làm xấu đi hình ảnh ngành. Thị trường sữa đã vốn cạnh tranh khốc liệt, nay còn bị méo mó bởi hàng giả, hàng nhái”.

Thực tế cho thấy, nếu không có cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, việc tự công bố sản phẩm sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng. Đã đến lúc phải đặt lại vấn đề: hậu kiểm hiện nay liệu có đang “giơ cao đánh khẽ”? Nếu vậy, cần nhanh chóng rà soát, sửa đổi các quy định liên quan, đặc biệt là trong ngành thực phẩm và dược phẩm, nơi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Chánh Thanh tra Bộ Công thương, Lê Việt Long đề xuất: “Cần bổ sung quy định phân nhóm sản phẩm theo mức độ rủi ro. Với nhóm nhạy cảm như sữa cho trẻ em, thuốc, thực phẩm chức năng, cần bắt buộc kiểm định trước khi đưa ra thị trường. Đồng thời, phải quy trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan nếu để lọt hàng kém chất lượng ra thị trường”.

Doanh nghiệp sản xuất, phân phối sữa giả với quy mô lớn bị triệt phá. (Ảnh: nhandan.vn)

Doanh nghiệp sản xuất, phân phối sữa giả với quy mô lớn bị triệt phá. (Ảnh: nhandan.vn)

Bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và trách nhiệm của doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng cần được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng nhận diện sản phẩm, để chủ động bảo vệ mình trước vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng.

Thực tế cho thấy, không ít người tiêu dùng tại vùng sâu, vùng xa vẫn còn tâm lý tin vào lời quảng cáo, chưa chú trọng kiểm tra kỹ nhãn mác, thành phần, nguồn gốc sản phẩm. Một phần vì thiếu thông tin, phần khác vì chưa được trang bị kỹ năng nhận diện rủi ro khi mua hàng, nhất là trong môi trường thương mại điện tử đang ngày càng phổ biến.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, chuyên gia truyền thông thị trường, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về an toàn tiêu dùng ngay từ cấp cơ sở, trong đó nhấn mạnh: “Người tiêu dùng không nên tin vào những lời quảng cáo sáo rỗng, thiếu kiểm chứng. Việc lựa chọn sản phẩm nên dựa vào nguồn gốc rõ ràng, thương hiệu uy tín, đặc biệt là kiểm tra kỹ thông tin công bố sản phẩm trên các trang điện tử chính thức”.

Cùng với đó, các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội, cơ quan truyền thông cần phối hợp chặt chẽ để nâng cao nhận thức cộng đồng. Không chỉ phản ánh sai phạm, báo chí còn có vai trò định hướng tiêu dùng an toàn, minh bạch, giúp người dân trở thành “lá chắn đầu tiên” trước hàng giả, hàng nhái.

Sẽ là không công bằng nếu đánh đồng tất cả các doanh nghiệp trong ngành sữa. Nhưng cũng không thể để cơ chế hiện nay tiếp tục bị lợi dụng bởi các đơn vị kinh doanh vô trách nhiệm. Trách nhiệm thuộc về ai? Doanh nghiệp, cơ quan quản lý hay cả hai cần được xác định rõ ràng, công khai, minh bạch.

Cùng quan điểm này, bà Lê Hoài An, bạn đọc tại quận Hà Đông (Hà Nội), bày tỏ: “Tôi không hiểu vì sao một sản phẩm có thể tung ra thị trường suốt nhiều năm mà không bị phát hiện, trong khi người tiêu dùng khó có khả năng phân biệt thật, giả. Không thể để người dân trở thành ‘chuột bạch’ cho những sản phẩm chưa qua kiểm chứng”.

PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết: Rất khó để xác định sữa thật hay giả bằng mắt thường. Các loại sữa kém chất lượng, sai thành phần, vì thế mà khó phân biệt nếu không có kết quả kiểm nghiệm thành phần từ cơ quan chức năng.

Sức khỏe người tiêu dùng không thể đánh đổi bằng sự dễ dãi trong quản lý. Hậu kiểm phải là một công cụ bảo vệ chứ không thể là “cánh cửa sau” cho gian lận thương mại lọt lưới. Chỉ khi xử lý nghiêm minh, từ doanh nghiệp sai phạm, đến cán bộ thiếu trách nhiệm, mới có thể trả lại lòng tin cho thị trường và người tiêu dùng.

Một thị trường lành mạnh cần sự nghiêm minh trong quản lý và trung thực trong sản xuất. Cơ chế tự công bố không sai, nhưng cần có ‘bộ lọc’ mạnh từ hậu kiểm và trách nhiệm công khai của cơ quan quản lý. Chỉ như vậy, mới có thể bảo vệ người tiêu dùng và giữ vững lòng tin với sản phẩm Việt.

THÙY LINH - HÀ CƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/gan-600-loai-sua-gia-co-che-tu-cong-bo-chat-luong-san-pham-dang-bi-loi-dung-post872742.html