G20 cam kết duy trì sự độc lập của các ngân hàng trung ương

Ngày 18/7, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ra tuyên bố chung tái khẳng định cam kết duy trì sự độc lập của các ngân hàng trung ương.

Tuyên bố trên được đưa ra sau hội nghị kéo dài 2 ngày tại thành phố cảng Durban của Nam Phi. Đây là lần đầu tiên hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 ra tuyên bố chung kể từ tháng 10/2024.

Trong tuyên bố chung, G20 khẳng định “sự độc lập của các ngân hàng trung ương là yếu tố then chốt để đảm bảo ổn định giá cả”. Các ngân hàng trung ương cam kết đảm bảo sự ổn định giá cả và tiếp tục điều chỉnh chính sách dựa trên dữ liệu. Đây là sự đồng thuận hiếm hoi có sự ủng hộ của Mỹ, quốc gia từng nhiều lần thể hiện quan điểm trái chiều về vai trò độc lập của các ngân hàng trung ương.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent không tham dự hội nghị lần này. Phái đoàn Mỹ do quyền Thứ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế Michael Kaplan dẫn đầu. Ông Bessent cũng vắng mặt trong hội nghị trước đó tại Cape Town (Nam Phi) vào tháng 2, mặc dù Mỹ dự kiến sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên G20 vào tháng 12 tới.

Tuyên bố chung của G20 cũng bày tỏ lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh “bất ổn gia tăng và các thách thức phức tạp”, bao gồm tác động của chiến tranh, xung đột, căng thẳng địa chính trị và thương mại. G20 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác đa phương để ứng phó với các rủi ro đối với kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh Mỹ đẩy mạnh các biện pháp áp thuế diện rộng dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Ngoài ra, G20 ghi nhận vai trò của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong việc thúc đẩy các vấn đề thương mại toàn cầu, đồng thời cho rằng cơ quan này cần được cải tổ để hoạt động hiệu quả hơn. G20 cũng cam kết tiếp tục thúc đẩy các giải pháp hiệu quả, toàn diện và có hệ thống nhằm xử lý các vấn đề nợ công tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Nhóm G20 gồm 19 quốc gia cùng 2 tổ chức khu vực là Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU), chiếm hơn 80% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, G20 gặp không ít khó khăn trong việc đạt được đồng thuận chung, đặc biệt do sự thay đổi chính sách mạnh mẽ và mang tính đơn phương từ phía Mỹ - nền kinh tế lớn nhất nhóm.

Phan An (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/g20-cam-ket-duy-trisu-doc-lap-cua-cac-ngan-hang-trung-uong-20250718225212036.htm