G20 cam kết cung cấp vắc xin COVID-19 công bằng trên toàn cầu
Các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất đã tuyên bố vào Chủ nhật sẽ nỗ lực cung cấp thuốc, xét nghiệm và vắc xin COVID-19 với giá cả phải chăng và công bằng cho 'tất cả mọi người', phản ánh những lo lắng rằng đại dịch có thể làm sâu sắc thêm sự phân chia giàu nghèo trên thế giới.
Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman phát biểu từ xa, trong một cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Riyadh, vào ngày 22 tháng 11 năm 2020 - Ảnh: Fayez Nureldine / AFP
Đại dịch và triển vọng phục hồi kinh tế không đồng đều và không chắc chắn là trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh trực tuyến kéo dài hai ngày (21 và 22/11) dưới sự chủ trì của Ả Rập Xê-út.
Thông cáo cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh G20 cho biết: “Đại dịch COVID-19 và tác động chưa từng có của nó về sinh mạng, sinh kế và nền kinh tế bị ảnh hưởng, là một cú sốc chưa từng có, làm bộc lộ những lỗ hổng trong sự chuẩn bị và ứng phó của chúng ta và nhấn mạnh những thách thức chung của chúng ta”.
Các quốc gia G20 sẽ làm việc để “bảo vệ cuộc sống, cung cấp hỗ trợ với sự tập trung đặc biệt vào những người dễ bị tổn thương nhất, và đưa nền kinh tế của chúng ta trở lại con đường khôi phục tăng trưởng, bảo vệ và tạo việc làm cho tất cả mọi người”.
Về vắc-xin, xét nghiệm và điều trị, các nhà lãnh đạo cho biết: “Chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực để đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng và hợp lý cho tất cả mọi người”.
“Có một sự công nhận rõ ràng từ G20: Nếu chúng ta bỏ rơi bất kỳ quốc gia nào, tất cả chúng ta sẽ bị tụt lại phía sau”, Bộ trưởng Tài chính Ả Rập Xê-út Mohammed al-Jadaan phát biểu tại phiên bế mạc.
Nền kinh tế thế giới đã bị suy giảm mạnh trong năm nay do các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus khi hạn chế các hoạt động vận chuyển, thương mại và nhu cầu trên khắp hành tinh.
Cuộc họp của nhóm G20 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, giống như nhiều cuộc họp quan trọng trên thế giới diễn ra trong năm nay. Quốc vương Ả Rập Xê-út Salman cho biết trong phát biểu kết thúc rằng, nhóm G20 đã “thông qua các chính sách quan trọng sẽ đạt được sự phục hồi toàn diện cho một nền kinh tế có khả năng phục hồi, bền vững, bao trùm và cân bằng”.
Các nhà lãnh đạo G20 cho rằng, mặc dù hoạt động kinh tế toàn cầu đã khởi sắc một phần nhờ sự mở cửa dần trở lại của một số quốc gia và lĩnh vực, nhưng sự phục hồi không đồng đều và không chắc chắn cao.
Họ tái khẳng định cam kết sử dụng “tất cả các công cụ chính sách hiện có miễn là được yêu cầu” để bảo vệ cuộc sống, việc làm và thu nhập.
Các nhà lãnh đạo G20 cũng cho biết biến đổi khí hậu là một thách thức cấp bách.
“Đại dịch đã khiến các chính phủ trên thế giới nhận thức rõ hơn về thực tế là các nền kinh tế phải được phát triển bền vững và không phải trả giá bằng môi trường”, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói.
Tổng thống Donald Trump đã sử dụng hội nghị thượng đỉnh G20 để bảo vệ quyết định rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định khí hậu Paris, một động thái có hiệu lực vào ngày 4 tháng 11, một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống mà ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden được dự báo giành chiến thắng, người đã nói Hoa Kỳ sẽ tham gia lại ngay sau khi ông nhậm chức.
Các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 theo hình thức trực tuyến - Ảnh: Getty
Đóng băng nợ cho các nước nghèo
Cũng trong hội nghị lần này, nhóm G20 đã tán thành kế hoạch gia hạn việc đóng băng thanh toán các khoản nợ của các nước nghèo nhất đến giữa năm 2021 và một cách tiếp cận chung để giải quyết các vấn đề nợ sau đó, theo thông cáo.
Sáng kiến Đình chỉ Dịch vụ Nợ đã giúp 46 quốc gia trì hoãn các khoản thanh toán dịch vụ nợ 5,7 tỷ đô la trong năm 2020, ngoài ra 73 quốc gia đủ điều kiện được giãn nợ hứa hẹn tiết kiệm khoảng 12 tỷ đô la.
Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bà Kristalina Georgieva, cho biết các hành động của G20 nhằm giảm thiểu tác động của COVID-19 đã giúp ngăn chặn các vụ phá sản lớn và một cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn nữa, nhưng còn nhiều việc phải làm.
“Thế giới vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khủng hoảng này. Hợp tác sẽ còn quan trọng hơn trong tương lai”, bà nói trong một tuyên bố sau khi phát biểu trước các nhà lãnh đạo G20.
Bà kêu gọi thực hiện nhanh chóng và hiệu quả khuôn khổ G20 về xử lý nợ ngoài sáng kiến xóa nợ, đồng thời nói thêm: “Chúng ta cũng phải giúp những quốc gia không nằm trong Khuôn khổ giải quyết các lỗ hổng về nợ để nền kinh tế của họ có thể trở nên linh hoạt hơn”.
Trong tuyên bố chung của mình, các nhà lãnh đạo cho biết họ đặc biệt khuyến khích các chủ nợ tư nhân tham gia vào sáng kiến, với các điều khoản có thể so sánh được khi các quốc gia đủ điều kiện yêu cầu.
Xóa nợ cho châu Phi sẽ là một chủ đề quan trọng của nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Ý vào năm tới.